Thánh Công Ðồng Chung
Vaticanô II
Sắc Lệnh
Về Các Phương Tiện
Truyền Thông Xã Hội
Inter Mirifica
Prepared for Internet by
Vietnamese Missionaries in Asia
Lời Giới Thiệu
Mục đích của Công Ðồng Vaticanô II là "chiếu giãi ánh sáng
Chúa Kitô tới muôn dân... bằng việc rao giảng Phúc Âm" 1.
Công Ðồng đã làm một cố gắng để rao giảng Phúc Âm và đối thoại với thế giới.
trong số các phương tiện đắc lực nhất để rao giảng Phúc Âm và đối thoại với thế
giới, chúng ta phải kể tới phương tiện truyền thông xã hội. Vì thế Công Ðồng,
do Chúa Thánh Thần thúc đẩy và soi sáng, đã đề cập tới vấn đề truyền thông xã
hội một cách long trọng.
Một tài liệu mới mẻ
Từ xưa tới nay, ngoài một số văn kiện của các Ðức Giáo Hoàng về
vấn đề liên quan đặc biệt đến các phương tiện, Giáo Hội chưa bao giờ đề cập tới
vấn đề truyền thông xã hội một cách đầy đủ và bao quát. Ðây là tài liệu đầu
tiên trình bày lập trường của Giáo Hội. Chính vì là tài liệu đầu tiên, nên có
lẽ nó không được hoàn hảo và đầy đủ như một số người công giáo có thẩm quyền
trong ngành truyền thông xã hội mong muốn.
Lược trình Sắc Lệnh
Tháng 2 năm 1962 một tài liệu tựa đề "Lược đồ Hiến Chế về các
phương tiện truyền thông xã hội" được gởi tới các Nghị Phụ khắp thế giới.
Cuối tháng 11 năm 1962, các Nghị Phụ họp nhau lại để thảo luận về tài liệu này.
Tất cả có tới 57 Nghị Phụ góp ý kiến, và vài hôm sau, phần đông đã bỏ phiếu
chấp nhận sắc lệnh, rồi kỳ họp thứ nhất của Công Ðồng bế mạc.
Căn cứ theo đề nghị của các Nghị Phụ, lược đồ đã được sửa đổi, bớt
phần lý thuyết, và được gọi là Sắc Lệnh thay vì Hiến Chế, vì nó ngắn hơn vì có
tính cách mục vụ cụ thể.
Trong kỳ họp thứ hai, tháng 11 năm 1963 các Nghị Phụ bỏ phiếu một
lần nữa và đã chấp nhận Sắc Lệnh, nhưng lần này có 503 nghị Phụ bỏ phiếu
"chống". Một số ký giả và Nghị Phụ đã chỉ trích Sắc Lệnh là nông cạn,
tiêu cực và khô khan. Họ cố gắng gây dư luận chống đối Sắc Lệnh. Nhưng đầu
tháng 12 năm 1963 Sắc Lệnh được phê chuẩn và công bố.
Ðặc tính của Sắc Lệnh
Mục đích của Sắc Lệnh không phải là xác định và giải thích những
nguyên tắc tín lý về việc truyền thống xã hội. Trái lại Sắc Lệnh mang tính chất
cụ thể và mục vụ. Tất cả được gồm tóm trong hai phần chính: phần thứ nhất nói
về các nguyên tắc luân lý để sử dụng và kiểm soát các phương tiện; phần thứ hai
hướng dẫn cách tổ chức công việc dùng những phương tiện này trong các hoạt động
tông đồ của Giáo Hội. Phải công nhận Sắc Lệnh hơi nặng nề về phần luân lý, cảnh
cáo và đề phòng.
Ðây là một tài liệu kết thúc một giai đoạn lịch sử Giáo Hội, tức
là giai đoạn ý thức về sự lợi hại của các phương tiện, và mở ra một giai đoạn
lịch sử mới, là giai đoạn tổ chức lại những nỗ lực của tất cả những người và
những cơ quan Công Giáo đang hoạt động trong lãnh vực truyền thông.
Sắc Lệnh với Giáo Hội Việt Nam
Giáo Hội Việt Nam từ hơn ba thế kỷ nay đã rao giảng Phúc Âm bằng
máu của các vị tử đạo, bằng gương sáng của mọi tín hữu, bằng lời cầu nguyện
thiết tha, bằng những ngôi nhà thờ dựng lên từ Bắc chí Nam. Nhưng có lúc sự rao
giảng đó ở Việt Nam, cũng như ở bao quốc gia Tây Phương khác, có tính cách hạn
hẹp và thiếu cởi mở.
Công Ðồng Vaticanô II đã khai sinh một chiều hướng mới một chiều
hướng cởi mở thay cho thái độ tự vệ, và đối thoại với các tôn giáo bạn thay vì
coi họ như "lương dân".
Các phương tiện truyền thông xã hội, vì có khả năng đạt tới mọi
người, nên có thể là những dụng cụ rất thích hợp để rao giảng Phúc Âm trong
tinh thần phổ quát và thông cảm của đức bác ái công giáo.
Lời Mở Ðầu
1. Ý
nghĩa từ ngữ. Trong những phát minh kỳ
diệu về kỹ thuật, mà, nhờ ơn Chúa, tài năng con người đã từng khai thác từ tạo
vật, nhất là trong thời đại chúng ta, thì Giáo Hội là Mẹ, đặc biệt ân cần tiếp
đón và theo dõi, từ những phát minh liên quan đặc biệt tới tinh thần con người,
đến những phát minh mở nhiều con đường mới để truyền thông một cách hết sức dễ
dàng đủ các loại tin tức, tư tưởng và mệnh lệnh. Tuy nhiên giữa những phát minh
này, trổi vượt hơn cả là những phương tiện tự bản tính không những có liên hệ
và ảnh hưởng đến từng người, mà còn đến chính đại chúng và toàn thể xã hội nhân
loại 1*như
báo chí, điện ảnh, phát thanh, vô tuyến truyền hình và những thứ khác tương tự.
Do đó những phương tiện này đáng được gọi là những phương tiện truyền thông xã
hội.
2. Lý
do thúc đẩy Công đồng quan tâm đến vấn đề. Giáo Hội là Mẹ cũng biết rằng những phương tiện đó, nếu được xử dụng
đúng đắn sẽ mang lại những lợi ích hữu hiệu cho nhân loại vì chúng đóng góp rất
nhiều vào việc giải trí, huấn luyện tinh thần cũng như việc mở rộng và củng cố
Nước Chúa. Giáo Hội cũng biết rằng con người có thể dùng chúng nghịch lại với ý
định của Ðấng Tạo Hóa, và làm cho chúng quay lại phản mình; hơn nữa Giáo Hội là
Mẹ hiền hết sức đau lòng vì những thiệt hại 2* quá thường xảy ra cho xã hội con người
do việc cố ý dùng sai những phương tiện này.
Vì thế, để nhấn mạnh đến mối quan
tâm của các Ðức Giáo Hoàng và các Ðức Giám Mục về vấn đề rất quan trọng này,
Thánh Công Ðồng nghĩ rằng có nhiệm vụ đề cập đến những vấn đề chính yếu liên
quan tới những phương tiện truyền thông xã hội. Hơn nữa Thánh Công Ðồng cũng
tin tưởng rằng giáo thuyết và chỉ thị được trình bày sau đây không những sẽ
giúp ích cho phần rỗi các Kitô hữu mà còn giúp cho việc tiến bộ của toàn thể
cộng đoàn nhân loại.
Chương I
Phương Tiện Truyền Thông Xã Hội
3. Nhiệm vụ của Giáo Hội. Vì được Chúa Kitô thiết lập để mang lại phần rỗi cho hết
mọi người, và do đó có nhiệm vụ phải rao giảng Phúc Âm, Giáo Hội Công Giáo nhận
thấy mình có bổn phận dùng cả phương tiện truyền thông xã hội mà loan báo ơn
cứu rỗi và dạy con người biết sử dụng chúng cho đúng đắn.
Như thế, Giáo Hội đương nhiên có
quyền xử dụng và làm chủ bất cứ một loại truyền thông xã hội nào, tùy theo sự
cần thiết hay lợi ích cho việc giáo dục Kitô hữu và cho việc mưu cầu phần rỗi
các linh hồn; các vị Chủ Chăn đáng kính có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn các
tín hữu thế nào để họ biết dùng cả những phương tiện này mà theo đuổi phần rỗi
và sự toàn thiện của mình cũng như của toàn thể gia đình nhân loại.
Ngoài ra, giáo dân đặc biệt có bổn
phận làm cho các phương tiện này thấm nhiễm tinh thần nhân đạo và Kitô giáo, để
chúng đáp ứng đầy đủ niềm mong đợi lớn lao của xã hội nhân loại và đúng với ý
định của Thiên Chúa.
4. Luật luân lý. Ðể xử dụng đứng đắn những phương tiện này, mọi người khi
xử dụng cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và phải áp dụng trung thành
trong phạm vi này. Vậy họ phải cân nhắc nội dung những gì được truyền thông,
tùy bản tính của mỗi phương tiện; đồng thời họ cũng phải chú ý đến mọi trường
hợp hay hoàn cảnh, tức là mục đích, khán thính giả, địa điểm, thời gian liên
quan đến việc truyền thông này: chính những trường hợp hay hoàn cảnh đó có thể
biến cải hoặc đổi mới hoàn toàn tính cách luân lý của sự truyền thông. Trong số
hoàn cảnh đó phải kể đến cách thức tác động riêng, nghĩa là sức mạnh thuyết
phục của mỗi một phương tiện, sức mạnh đó có thể hùng hậu đến nỗi con người -
nhất là nếu không được chuẩn bị - khó có thể nhận thức, chế ngự và từ khước nếu
cần.
5. Quyền thông tin. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tất cả những người
liên hệ đến vấn đề này cần phải tự đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng về
việc xử dụng các phương tiện đó, nhất là những gì liên quan tới một số vấn đề
ngày nay đang được bàn cãi sôi nổi.
Vấn đề
thứ nhất là về thông tin, như người ta thường nói, nghĩa là việc thu thập và
phổ biến tin tức. Dĩ nhiên ai cũng thấy nhờ tiến bộ của xã hội nhân loại ngày
nay và nhờ các phần tử xã hội liên lạc chặt chẽ với nhau hơn, việc thông tin đã
trở nên rất hữu ích và nhiều khi cần thiết; thật vậy việc thông tri đúng lúc
các biến cố và các sự kiện giúp cho từng cá nhân biết 3* đầy đủ và liên tục các việc đó, như
thế chính họ có thể tham gia vào ích chung một cách hữu hiệu hơn, và nhờ đó mọi
người càng dễ dàng đóng góp vào việc thăng tiến toàn thể xã hội hơn nữa. Vì
vậy, xã hội nhân loại có quyền thông tin những gì thích hợp với con người -
hoặc cá nhân hoặc liên kết với nhau trong đoàn thể - tùy theo hoàn cảnh từng
người. Tuy nhiên việc thực thi đúng đắn quyền này đòi nội dung việc truyền
thông phải luôn luôn xác thực - và vẫn giữ đức công bình và bác ái - và phải
đầy đủ; ngoài ra cách thức truyền thông cũng phải lương thiện và thích hợp,
nghĩa là cả trong việc săn tin lẫn loan tin, tuyệt đối phải tuân giữ luật lệ luân
lý, các quyền lợi chính đáng và phẩm giá con người; thật vậy không phải mọi sự
hiểu biết đều hữu ích, "còn bác ái thì xây dựng" (1Cor 8,1).
6.
Luân lý và nghệ thuật. Vấn đề thứ hai
là xét đến điều mà người ta thường nói là những tương quan giữa quyền lợi của
nghệ thuật, với tiêu chuẩn của luật luân lý. Vì những cuộc tranh luận thường
xuyên về vấn đề này nhiều khi bắt nguồn từ những học thuyết sai lầm về luân lý
và thẩm mỹ, nên Thánh Công Ðồng tuyên bố mọi người phải tuyệt đối tuân giữ
quyền ưu tiên của lãnh vực luân lý khách quan, bởi vì lãnh vực này là lãnh vực
độc nhất trổi vượt và phối hợp một cách thích đáng với mọi lãnh vực khác - dù
rất cao quý - của hoạt động con người, kể cả nghệ thuật nữa. Thật vậy, chỉ có
lãnh vực luân lý mới liên hệ đến toàn diện bản tính con người, một tạo vật có
lý trí mà Thiên Chúa đã tạo dựng và mời gọi vào đời sống siêu nhiên; vì nếu
trung thành tuân giữ trọn vẹn lãnh vực luân lý, con người sẽ đạt tới hoàn thiện4* và hạnh phúc đầy đủ.
7. Khi
phải trưng bày tội ác. Sau cùng, việc
tường thuật, mô tả hay trình bầy điều xấu về phương diện luân lý, ngay cả bằng
những phương tiện truyền thông xã hội, chắc chắn có thể giúp nhận biết và khám
phá con người một cách sâu rộng hơn, giúp bày tỏ và biểu dương vẻ huy hoàng của
điều Chân, điều Thiện, nhờ các tác động kịch nghệ thích hợp; tuy nhiên để khỏi
làm hại hơn là làm ích cho các tâm hồn, các hoạt động trên vẫn phải tuyệt đối
tuân theo luật luân lý, nhất là nếu đề cập đến những vấn đề đòi phải được kính
trọng tương xứng, hay đến những gì dễ khích động dục vọng xấu xa của con người
đã mang vết tội tổ tông. 5*
8. Dư luận quần chúng. Vì dư luận quần chúng ngày nay có sức mạnh và uy quyền
rất nhiều trên đời sống tư cũng như công của mọi tầng lớp dân chúng, nên mọi
phần tử xã hội cần phải chu toàn bổn phận công bình và bác ái của mình, ngay cả
trong lãnh vực này; bởi đó, họ cũng phải dùng những phương tiện truyền thông xã
hội mà cố gắng tạo dư luận ngay chính và phổ biến những dư luận đó.
9. Bổn
phận của khán thính giả. Tất cả mọi
người xử dụng các phương tiện truyền thông nghĩa là những độc giả, khán giả và
thính giả nhận được sự truyền thông qua các phương tiện đó, tùy theo sự lựa
chọn cá nhân và tự do, đều phải có những bổn phận đặc biệt. Thật vậy, việc lựa
chọn đúng đắn đòi họ phải ưng thuận những gì là đức hạnh, khoa học và nghệ
thuật; họ phải tránh những gì nên cớ hay làm dịp cho họ phải thiệt hại về phần
thiêng liêng, hoặc có thể vì gương xấu mà làm cho người khác phải nguy hiểm,
hoặc lại ngăn cản những việc truyền thông tốt mà cổ võ những truyền thông xấu:
điều này thường xảy ra khi người ta trả tiền cho những người khai thác những
phương tiện này chỉ vì lý do kinh tài. 6*
Vì thế để chu toàn luật luân lý,
chính những người xử dụng không được quên bổn phận phải tìm hiểu đúng lúc những
phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong những vấn đề đó, và phải tuân giữ
những phán quyết đó theo tiêu chuẩn lương tâm ngay thẳng; hơn nữa để chống lại
những quyến rũ thiếu ngay chính một cách dễ dàng hơn, và để hoàn toàn bênh vực
những ảnh hưởng tốt, họ phải chú tâm hướng dẫn và đào luyện lương tâm mình bằng
những phương thế thích hợp.
10. Bổn phận của thanh thiếu
niên và phụ huynh. Những người xử
dụng, nhất là thanh thiếu niên, phải lo tập cho quen điều độ và kỷ luật trong
việc dùng những phương tiện này; ngoài ra họ cũng phải cố gắng thấu hiểu sâu xa
hơn những điều họ thấy, nghe và đọc; họ phải thảo luận với những nhà giáo,
những người chuyên môn, và phải học phán đoán cho đứng đắn. Còn bậc phụ huynh
thì phải nhớ mình có bổn phận tận tâm coi sóc kẻo kịch ảnh, sách báo và những
thứ cùng loại trái nghịch với Ðức Tin, trái thuần phong mỹ tục, lọt vào ngưỡng
cửa gia đình, cũng đừng để con cái gặp những thứ đó ở nơi khác.
11.
Bổn phận của tác giả. Bổn phận luân lý
chính yếu đối với việc xử dụng đứng đắn những phương tiện truyền thông xã hội
là của các nhà báo, nhà văn, các diễn viên, các nhà dàn cảnh, nhà sản xuất,
những người xuất vốn, người phân phối, các quản đốc và những người buôn bán,
những người phê bình 0* và tất cả những người, bằng cách này
hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện hay phổ biến những phương tiện
truyền thông này; trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, mọi người đều thấy rõ
rằng những người đó mang những trách nhiệm hết sức quan trọng, vì chính họ,
trong khi thông tin và cổ động, có thể dẫn đưa nhân loại một cách ngay chính
hay sai lạc.
Bởi thế
họ có bổn phận tìm cách phối hợp những yếu tố kinh tế, chính trị hay nghệ thuật
để chúng không bao giờ nghịch lại ích chung; muốn đạt tới điều đó một cách dễ
dàng hơn, chính họ nên ghi tên vào những hiệp hội liên quan đến nghề nghiệp
mình: những hiệp hội này bắt buộc các hội viên tôn trọng luật luân lý trong
những công việc và bổn phận nghề nghiệp, và nếu cần, đi đến chỗ ký kết một quy
ước luân lý 7* phải tuân giữ chu đáo.
Họ cũng phải luôn nhớ rằng phần lớn
các độc giả và khán giả là thanh thiếu niên: những lớp người này cần báo chí và
kịch ảnh để giải trí lành mạnh và nâng cao tâm hồn. Hơn nữa, họ phải lo ủy thác
cho những người xứng đáng và chuyên môn việc truyền thông những điều liên quan
đến tôn giáo, và lo cho việc truyền thông đó được thực hiện với tất cả niềm tôn
trọng xứng hợp.
12. Bổn phận của chính quyền. Trong vấn đề này, chính quyền mang một trách nhiệm đặc
biệt vì lý do công ích mà những phương tiện này nhằm tới. Thật vậy, vì nhiệm
vụ, chính quyền có bổn phận phải bênh vực và bảo đảm sự tự do đích thực và
chính đáng của việc thông tin, sự tự do mà xã hội ngày nay rất cần để tiến bộ,
nhất là những gì thuộc về báo chí; chính quyền cũng có bổn phận nâng đỡ tôn
giáo, văn hóa, những nghệ thuật chân chính, và phải bảo đảm cho những người xử
dụng có thể tự do hưởng thụ quyền lợi chính đáng. Ngoài ra chính quyền cũng có
bổn phận giúp đỡ những công cuộc không thể thực hiện, nếu không có sự trợ giúp
của chính quyền, nhất là những công cuộc đặc biệt hữu ích cho giới trẻ.
Sau
cùng, chính công quyền, cơ quan chính thức lo lắng cho sức khỏe của dân chúng,
có bổn phận phải xem xét công minh và cẩn thận, bằng cách ban hành luật lệ và
thi hành nghiêm chỉnh, đừng để cho những phương tiện này bị lạm dụng mà gây
thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và sự tiến bộ xã hội. Xem xét cẩn thận 8* như thế, không phải là đàn áp tự do cá
nhân hay đoàn thể, nhất là đối với những người vì nghề nghiệp phải dùng các
phương tiện này mà không có sự thận trọng phải lẽ.
Cũng phải có những phương thế đặc
biệt để bảo vệ thanh thiếu niên khỏi những báo chí và kịch ảnh làm hại lứa tuổi
chúng.
Chương II
Phương Tiện Truyền Thông
Xã Hội
Và Việc Tông Ðồ
13. Hoạt động của chủ chăn và tín hữu. Mọi con cái Giáo Hội phải đồng tâm hiệp lực,
chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, xử dụng ngay những phương
tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tùy
theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian; họ cũng phải ngăn ngừa
những tổ chức tai hại, nhất là ở những miền mà luân lý và tôn giáo muốn tiến bộ
cần phải được họ can thiệp khẩn cấp hơn.
Vậy các Chủ Chăn đáng kính phải cấp tốc chu toàn phận vụ mình
trong lãnh vực này, vì nó liên hệ chặt chẽ với những nhiệm vụ thông thường của
các Ngài là giảng dạy; những giáo dân tham gia vào việc xử dụng những phương
tiện này cũng phải cố gắng làm chứng về Chúa Kitô: trước hết bằng cách hoàn tất
mọi công tác cho thành thạo với tinh thần tông đồ, rồi tùy khả năng kỹ thuật,
kinh tế, văn hóa và nghệ thuật mà trực tiếp trợ giúp hoạt động phụng vụ của
Giáo Hội theo phận vụ của mình.
14. Sáng kiến của người công giáo. Trước hết phải cổ võ báo chí lành mạnh, tuy
nhiên để độc giả thấm nhiễm đầy đủ tinh thần Kitô giáo, cũng phải thúc đẩy báo
chí chính thức của công giáo 9*,
nghĩa là báo chí - hoặc do chính giáo quyền hoặc những người công giáo trực
tiếp đề xướng và điều hành - được công khai xuất bản trong tinh thần xây dựng,
củng cố và cổ võ những dư luận phù hợp với luật tự nhiên, với giáo lý và quy
luật công giáo, và để phổ biến cùng giải thích đúng đắn những sự kiện liên quan
đến đời sống Giáo Hội. Cũng phải dạy các tín hữu việc cần phải đọc và phổ biến
các báo chí công giáo, để họ biết phán đoán mọi biến cố theo quan niệm Kitô
giáo.
Phải dùng mọi phương thế hữu hiệu mà phát động và nâng đỡ việc sản
xuất và chiếu những phim ảnh có ích cho việc giải trí lành mạnh, văn hóa và
nghệ thuật của nhân loại, nhất là những phim ảnh dành riêng cho giới trẻ. Muốn
thế phải nâng đỡ và đồng thời liên kết tài nguyên và những sáng kiến của các
nhà sản xuất cũng như của những nhà phân phối có lương tâm, tán thưởng, nâng đỡ
và liên kết những rạp do người công giáo và người đứng đắn khai thác.
Cũng thế phải giúp đỡ hữu hiệu những buổi phát thanh, phát hình
lành mạnh, nhất là những chương trình thích hợp với gia đình. Phải khôn khéo cổ
võ những chương trình công giáo, để nhờ đó dẫn đưa thính giả và khán giả tham
dự đời sống Giáo Hội và làm cho họ thấm nhiễm những chân lý tôn giáo. Và nếu
cần cũng phải lo thành lập các đài công giáo; tuy nhiên phải cẩn thận lo liệu
cho chương trình các đài này được hoàn bị thích hợp và hữu hiệu.
Hơn nữa nên lo liệu cho nền kịch nghệ cao quý và cổ truyền - một
nghệ thuật được phổ biến sâu rộng nhờ những phương tiện truyền thông xã hội -
biết hướng về việc giáo dục khán giả và kiến tạo thuần phong mỹ tục.
15. Huấn luyện các tác giả, soạn giả, nhà sản
xuất... Ðể đáp ứng những nhu
cầu vừa trình bày, phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để
họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc xử dụng những phương tiện này
vào mục đích tông đồ.
Trước hết phải huấn luyện giáo dân vững chắc về giáo thuyết và
phong hóa, bằng cách tăng thêm số trường học, phân khoa và học viện, để các nhà
báo, nhà soạn phim ảnh, soạn chương trình phát thanh phát hình, và những người
liên hệ, có thể được huấn luyện đầy đủ, thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, nhất là
các học thuyết xã hội của Giáo Hội. Cũng phải huấn luyện và giúp đỡ các diễn
viên để họ dùng tài năng mình mà giúp ích cho xã hội nhân loại một cách thích
hợp. Sau cùng phải tận tâm chuẩn bị các nhà phê bình văn chương, phim ảnh, phát
thanh, phát hình v.v... để mỗi người hoàn toàn thấu triệt nghề nghiệp của mình;
lại phải chỉ dạy và khuyến khích họ đưa ra những nhận định luôn nhấn mạnh đúng
mức khía cạnh luân lý.
16. Huấn luyện người sử dụng, thụ hưởng... Ðể xử dụng đúng đắn các phương tiện truyền
thông xã hội này, những người xử dụng thuộc tuổi tác và văn hóa khác nhau cần
phải được huấn luyện về lý thuyết và phần thực hành một cách thích hợp và riêng
biệt. Vì thế, trong các trường công giáo thuộc mọi cấp, trong các Chủng Viện và
trong cả những nhóm tông đồ giáo dân, phải cổ võ, tăng gia và theo nguyên tắc
luân lý Kitô giáo hướng dẫn các tổ chức có khả năng theo đuổi mục đích này,
nhất là những tổ chức dành riêng cho giới trẻ. Ðể mau đạt tới kết quả, lớp giáo
lý cũng phải có phần trình bày và giải thích giáo thuyết và quy luật công giáo
về vấn đề này.
17. Phương tiện và trợ giúp. Thật đáng hổ thẹn cho con cái Giáo Hội, đã
lãnh đạm khiến cho việc rao giảng ơn cứu rỗi bị ràng buộc, cản trở vì lý do kỹ
thuật hay tài chánh - chắc chắn rất to tát - là đặc tính của những phương tiện
truyền thông xã hội. Vì thế Thánh Công Ðồng này nhắc lại cho họ bổn phận phải
nâng đỡ và trợ giúp các nhật báo công giáo, các tạp chí, các tổ chức phim ảnh,
các đài và các chương trình phát thanh, phát hình nhằm mục đích chính là để phổ
biến và bảo vệ sự thật, và cung cấp nền giáo dục Kitô giáo cho xã hội loài
người. Ðồng thời Thánh Công Ðồng khẩn khoản mời gọi các đoàn thể và cá nhân có
quyền hành rộng lớn trong lãnh vực kinh tế và kỹ thuật, hãy tự ý và rộng rãi
dùng tài nguyên và kinh nghiệm của mình mà nâng đỡ những phương tiện này khi
chúng phục vụ nền văn hóa đích thực và việc tông đồ.
18. Ngày Truyền Thông. Ðể việc tông đồ muôn hình vạn trạng của Giáo
Hội được đắc lực hơn bằng những phương tiện truyền thông xã hội, mọi giáo phận
trên thế giới, tùy theo quyết định của các Giám Mục, hằng năm phải cử hành một
ngày lễ 10* để
dạy dỗ các tín hữu về bổn phận của họ đối với vấn đề này, mời gọi họ cầu nguyện
nhiều theo ý chỉ này, và xin họ đóng góp cho mục đích này: nghĩa là thành thật
hy sinh cho việc phát động, nâng đỡ và cổ võ những tổ chức và sáng kiến của
Giáo Hội trong vấn đề này theo nhu cầu của thế giới công giáo.
19. Ủy Ban truyền thông của Tòa Thánh. Ðể thi hành bổn phận mục vụ tối cao về những
phương tiện truyền thông xã hội, Ðức Giáo Hoàng có một Ủy Ban riêng của Tòa
Thánh. 1
20. Thẩm quyền của Giám Mục. Các Giám Mục thì có bổn phận chăm sóc các công
cuộc và các tổ chức thuộc loại này trong Giáo Phận mình. Các ngài phải cổ võ 11* và
nếu liên quan đến việc tông đồ chung, thì phải phối hợp chúng, kể cả những tổ
chức thuộc quyền điều khiển của các tu sĩ miễn trừ.
21. Ủy Ban Giám Mục về Truyền Thông quốc gia. Tuy nhiên trên bình diện Quốc Gia, muốn cho
việc tông đồ đem lại kết quả, cần phải thống nhất kế hoạch và năng lực; vì thế
Thánh Công Ðồng này quyết định và truyền phải thiết lập khắp nơi các Cơ Quan
quốc gia về báo chí, điện ảnh, truyền thanh và truyền hình, và phải dùng mọi
phương thế giúp đỡ các cơ quan đó. Vậy các Cơ Quan này có bổn phận trước tiên
là tìm cách đào tạo đúng đắn lương tâm tín hữu trong việc xử dụng những phương
tiện đó, cùng cổ võ và phối hợp mọi công cuộc của người công giáo trong lãnh
vực này.
Trong mỗi quốc gia, việc điều khiển các tổ chức trên phải được ủy
thác cho một Ủy Ban Giám Mục đặc biệt, hoặc cho một Giám Mục đặc trách; tuy
nhiên những giáo dân thông thạo giáo lý công giáo và các nghệ thuật đó phải
được tham dự vào những Ủy Ban này.
22. Hiệp hội Truyền Thông Quốc Tế. Hơn nữa, những phương tiện này có hiệu lực
vượt khỏi ranh giới quốc gia, và biến mỗi người trở thành công dân của toàn thể
xã hội nhân loại; vì thế trong lãnh vực này, phải phối hợp các tổ chức quốc gia
với nhau và cả các hoạt động trên bình diện quốc tế. Tuy nhiên những Cơ Quan
vừa kể ở số 21 phải tích cực cộng tác với Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế thuộc
ngành mình. Những Hiệp Hội Công Giáo Quốc Tế này chỉ được chính thức chuẩn nhận
do một mình Tòa Thánh và tùy thuộc Tòa Thánh.
Kết Luận
23. Chỉ dẫn mục vụ. Ðể mọi nguyên tắc và tiêu chuẩn về những
phương tiện truyền thông xã hội của Thánh Công Ðồng này được thi hành, Thánh
Công Ðồng trực tiếp ủy nhiệm cho Cơ Quan của Tòa Thánh đã nói ở số 19, với sự
giúp đỡ của những nhà chuyên môn thuộc các quốc gia khác nhau, lo xuất bản một
cuốn chỉ dẫn mục vụ.
24. Lời khuyên kết thúc. Hơn nữa Thánh Công Ðồng này tin tưởng rằng mọi
con cái Giáo Hội sẽ tự nguyện đón nhận và cẩn thận gìn giữ những giáo huấn và
tiêu chuẩn trong Sắc Lệnh này; như thế khi xử dụng những phương tiện đó, họ
không bị thiệt hại; cũng như muối và ánh sáng, họ ướp trái đất và soi sáng thế
gian. Ngoài ra Thánh Công Ðồng mời gọi mọi người thiện chí, nhất là những người
điều khiển các phương tiện trên, hãy chăm lo qui hướng chúng về mục tiêu duy
nhất là giúp ích cho xã hội loài người, vì vận mệnh của xã hội nhân loại ngày
càng lệ thuộc vào việc xử dụng đúng đắn những phương tiện này. Nhờ vậy, cũng
như xưa Danh Chúa đã được tôn vinh qua những công trình nghệ thuật cổ kính thì
nay Người cũng được vinh danh qua những phát minh mới, đúng như lời Thánh Tông
Ðồ: "Chúa Giêsu Kitô hôm qua cũng chính là Chúa Giêsu Kitô hôm nay và cho
đến muôn đời" (Dth 13,8).
Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Sắc Lệnh này đều được các
Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và, dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban,
hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn,
chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng
Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.
Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 4 tháng 12 năm 1963.
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo.
Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ.
Chú Thích:
9* Chúng ta phải công nhận tại nhiều quốc gia, báo chí rất kém
vì thiếu chuyên viên giỏi, thiếu phương tiện và tổ chức. Có lẽ người công giáo
vẫn còn thành kiến cho rằng làm việc tông đồ thì không cần chú trọng tới kỹ
thuật tổ chức, vì thế nào Chúa cũng giúp đỡ. Lập luận đó không khác gì việc một
tu sĩ nọ nhất định đổ nước thánh vào bình xăng xe hơi thay cho dầu xăng, vì xe
đó chỉ dùng để làm việc tông đồ mà thôi.
10* Mục đích "ngày thế giới" này là để người công giáo
ý thức sâu xa hơn về bổn phận của họ trong lãnh vực truyền thông. Chỉ trích và
che bai các phương tiện đó như là dụng cụ ma quỷ để phá đạo không còn là thái
độ đúng đắn; nhưng đứng trước những phát minh đó, người nhiệt thành thực sự với
Ðạo phải có tinh thần tích cực hơn.
1 Các Nghị Phụ Công Ðồng vui lòng nhận lời thỉnh cầu của
"Văn Phòng Báo Chí và Kịch Ảnh" thành kính xin Ðức Giáo Hoàng nới
rộng nhiệm vụ và thẩm quyền của ủy ban này đến tất cả các phương tiện truyền
thông xã hội, kể cả báo chí, với sự trợ giúp của những người chuyên môn - trong
số đó có cả giáo dân - thuộc các quốc gia khác nhau.
11* Từ xưa đến nay, tại nhiều nơi những người Công Giáo hoạt
động trong lãnh vực truyền thông xã hội không những không được nâng đỡ, lại có
khi còn bị coi là những người mạo hiểm và bê bối nữa. Bây giờ não trạng này
phải được thay đổi hoàn toàn.