Để có thể sống con người
không thể thiếu lương thực. Lương thực luôn được sắp xếp đa dạng với nhiều
hình thức để tôn lên phẩm vị của lương thực ấy, và cũng là cách diễn đạt nét
văn hóa nhân loại. Nét văn hóa ấy ta sờ đụng mỗi ngày qua bàn cơm (mâm cơm). Đó
cũng là điểm cuốn hút tôi đến với Hội Dòng, là nơi nâng đỡ ủi an tôi, và là nơi
tôi có kỷ
niệm khó phai.
BỮA CƠM ẤN TƯỢNG
Tôi còn nhớ như in trong tâm
khảm ngày đầu tiên tôi vào Dòng. Ngày ấy tôi thấy mọi sự đều rất lạ, rất mới
mẻ. Cái lạ nhất là nhà cơm tu viện : có những dãy bàn dài từ đầu phòng đến cuối
phòng, im phăng phắc, im như chẳng có ai ở. Nhưng tiếng chuông vừa vang lên thì
mọi cửa đều mở toang và người ở đâu nhiều vô kể cứ âm thầm thứ tự vào
bàn. Điều tôi lấy làm thú vị là : Người lớn, người bé đều cùng một cỡ bàn, ăn
cùng một nóm và tự phục vụ. Chị lớn và em bé cùng rửa chén không ai ngồi
không để người khác phục vụ cả.
Suốt bữa cơm tiếng cười nói cứ liên tiếp nhau : Chị kể chuyện thế giới, người
kể chuyện đi đâu đó. Chị này gắp cho chị kia miếng thịt, chị nọ tiếp một bát
canh ... Đối với tôi lúc đó đúng là thiên đàng tại thế.
Nơi tôi ở có rất nhiều dòng
tu, tôi cũng được tham dự những bữa cơm ở một vài cộng đoàn dòng tu nhưng chưa
từng có bữa cơm đầm ấn như thế. Tôi thấy một thôi thúc như đây chính là “nhà”
của mình, nơi tôi cần đến và
gắn bó. Nay tôi đã là thành viên thực sự của Hội Dòng Đaminh Tam Hiệp.
BỮA CƠM CHIA SẺ
Có lần tôi được đến một cộng
đoàn vùng sâu vùng xa. Cộng đoàn chỉ gần nhà thờ, còn mọi cái như chợ búa, nhà
trường, bệnh xá
đều xa. Cộng đoàn không khá chi, nên bữa ăn rất thanh đạm, các món ăn chủ yếu
là cơm và “cây nhà lá vườn”. Nhưng chị em vui với chén cơm khan với ngọn đèn
dầu tù mù. Bữa cơm nào cũng có tiếng cười. Cơm không ngon, đồ ăn cũng chẳng ngon nhưng chị em trân trọng
nhau nên ăn rất thật tình.
Ngày ngày chị em làm việc nặng nhọc, nhưng qua bữa cơm chị em quên đi
những mỏi mệt, lấy lại sinh khí để tiếp tục hoạt động. Mãi tới bây giờ, những
kỷ niệm đẹp như in trong tôi không phải nơi thành thị sang trọng mà là ở nơi
đây, nơi miền quê hẻo lánh này. Bởi nơi đây có tình yêu chân thành, nơi nâng
đỡ tôi quên đi những khó khăn để tiếp tục tiến bước về phía trước.
BỮA CƠM MẤT TÌNH
Thế nhưng cũng có
những bữa cơm lặng lẽ suốt bữa
ăn không ai có thể cười, dù là cười ngượng. Tôi đã có một bữa cơm khó phai dù
tôi muốn cố quên đi, nhưng càng cố nó càng rõ nét thêm. Người chị mà tôi có lúc
rất tôn trọng, rất qúi mến đã từng tâm sự với nhau. Thế mà lần ấy lần chị đã
chập đôi muỗng và nĩa lại với nhau đập mạnh xuống bàn với nét mặt đanh lại, nói
lời mà tâm trí tôi chưa từng nghĩ tới. Khi ấy, tôi cảm thấy có cái gì đó chặn
đứng cổ họng, nhưng tôi cố kìm lòng để ăn hết bữa cơm còn dở dang. Cái vật chắn
ở cổ tôi như vô hình chắn cả tôi với chị. Từ ngày đó, tôi mất thiện cảm với chị.
Dù chị đã đến nói với tôi. Thế
nhưng, mãi tới bây giờ tôi vẫn không thể nói chuyện tự nhiên được, bởi cứ thấy
chị thì tôi lại thấy hình ảnh, nét mặt của chị ngày đó. Không biết khi nào tôi có thể quên được hình ảnh
đó, để ít nhất là có thể tươi cười với nhau, có thế lòng tôi mới vui
được.
Trên bàn cơm không chỉ có những nét văn hóa được
thể hiện nhưng còn là chuyện sống còn của con người. Nó không hệ tại bởi thực
phẩm, cách bài trí, nhưng hệ tại bởi tấm lòng trao nhau. Có những bữa cơm đủ
làm đổi đời một con người, làm vực dậy những tâm trí yếu hèn, làm nối kết tình
huynh đệ; thì cũng có những bữa cơm giết chết tình người, làm xa cách
tình chị em. Nên người xưa dạy “có đánh thì tránh bữa cơm” … không chỉ để ăn
(nuốt), nhưng còn để bàn cơm trở thành bàn tiệc tình yêu, nơi chuyển trao sự
sống. Bữa cơm hằng ngày dẫn ta tới bàn tiệc cao trọng hơn là “bàn tiệc Thánh
Thể” – trung tâm đời sống chúng ta.
Xuân Hy Vọng