Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

NHỮNG ĐIỀU CẦN TRÁNH KHI DẠY GIÁO LÝ

Năm học giáo lý sắp bắt đầu. Anh chị em giáo lý viên đang hăng hái chuẩn bị cho năm học mới một cách rộn ràng và hăng say. Chắc chắn các anh chị hiểu được mình cần phải làm gì cho lớp giáo lý sinh động và hiệu quả hơn. Ở đây, chúng ta cùng chia sẻ một số điều cần tránh trong lớp giáo lý (mà thực tế chúng ta thỉnh thoảng hay vướng phải).
1. Đừng dạy thần học.

Cha Giuse Lê Quang Uy DCCT viết: “Thần học là một khoa học chuyên biệt, với nhiều trường phái và quan điểm khảo cứu về Thiên Chúa ( Théologie ), nó cung cấp rất nhiều kiến thức, lý luận, nhận định có hệ thống chặt chẽ về Thiên Chúa, tuy đôi khi vẫn còn có thể gây ra nhiều tranh cãi đưa tới nhiều canh tân đổi mới.
Trong khi đó, việc dạy Giáo Lý, dẫu có vận dụng đến một số điểm thần học căn bản, lại muốn đưa các em đến Lòng Tin, Lòng Yêu Mến và Lòng Cậy Trông chân thành đối với Thiên Chúa, để rồi thể hiện cụ thể ra trong đời sống của mình, vượt qua mọi thứ kiến thức và lý luận của lý trí. Do vậy, học Giáo Lý dứt khoát không phải là để nghe những bài thuyết trình hùng hồn hấp dẫn về Thiên Chúa”. (Nối Lửa Cho Đời 3)
Như vậy, giáo lý viên đừng nói cho các em tất cả những gì mình đọc và học trong sách thần học, mà hãy nói cho các em về Thiên Chúa bằng ngôn ngữ đơn giản, bình dân và phù hợp với các em. Ví dụ : Khi dạy về Đức Chúa Cha, giáo lý viên đừng mất giờ chứng minh mầu nhiệm Thiên Chúa Cha bằng kiến thức thần học, mà hãy nói làm sao cho các em cảm được tình yêu của Chúa Cha dành cho các em qua công cuộc tạo thành, cho các em cảm được rằng từng bông hoa, từng ngọn cỏ, từng làn gió là kết quả của tình yêu.

2. Đừng đòi hỏi các em hoàn hảo.

Giáo lý viên thường muốn cho các em hoàn hảo và nghĩ là các em hoàn hảo. Do đó chúng ta không chấp nhận các em ồn ào, nói dối, quay bài hay đánh nhau. Nhưng chúng ta phải chú ý rằng khi Đức Giêsu đi rao giảng, thì ít ai trong xã hội Do thái hoàn hảo, kể cả các Tông đồ. Giáo lý viên chúng ta cũng còn chưa hoàn hảo kia mà ! Do đó, hãy chú ý uốn nắn, dạy cho các em bỏ tính xấu, tập nhân đức… nhưng đừng quá khắt khe cầu toàn. Dù sao thì các em cũng bị ảnh hưởng nhiều từ trường phổ thông và xã hội trần thế, nhất là một xã hội nơi người ta từ chối Thiên Chúa và chấp nhận cái giả trá để tồn tại. Thái độ bao dung, thông cảm (nhưng nghiêm khắc) sẽ giúp hoán cải các em.

3. Đừng chỉ trích các em trước mặt mọi người.

Trong cuốn Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie viết đại ý là nên tránh chỉ trích. Nếu có phê bình thì nên giữ thể diện cho người khác và biết khen cái tốt của họ trước. Có những lúc theo tính con người, giáo lý viên thấy bực bội khi các em không học bài, quậy phá và hỗn hào. Hơn nữa, có em chẳng chịu sửa lỗi dù đã được chỉ bảo nhiều lần. Khi đó, việc chỉ trích, la mắng các em trước lớp có thể xảy ra dễ dàng. Nhưng nếu chúng ta làm như thế, chúng ta đi ngược lại với đường lối rao giảng của Đức Giêsu. Người không la mắng trẻ em bao giờ. Người chỉ quở trách người lớn khi lỗi của họ nghiêm trọng, gây gương xấu lớn lao và không phù hợp với chương trình Cứu độ.

4. Đừng tiếc lời khen.

Trong thuật xử thế, khen tặng là cách làm vui lòng người, miễn là khen thành thật. Trong sư phạm, khen là cách khích lệ và làm các em có thêm hứng thú để. Đừng tiếc lời khen nhưng cũng đừng khen không đúng chỗ. Có giáo lý viên thấy các em làm gì cũng nói « tốt », « hay quá » khiến lời khen không còn ý nghĩa. Nhưng ngược lại, nhiều giáo lý viên rất tiết kiệm lời khen. Các em thuộc bài, ngoan ngoãn hay có những hành động tốt, ý tưởng hay. Đáng khen lắm chứ. Nếu chúng ta coi việc tốt của các em là đương nhiên, thì cũng có lý một phần. Nhưng mặt khác, tuổi các em rất cần những khích lệ, nâng đỡ và thông cảm. Người lớn còn cần lời khen kia mà. Chúa Giêsu vẫn khen các môn đệ và những người nghe Chúa, vì Người hiểu tâm lý con người.

5. Đừng cau có, la mắng, đe doạ liên tục.

Cha Lê văn Quảng, một nhà tâm lý viết : « Chúng ta cần phải cắt nghĩa Kinh Thánh hay trình bày giáo lý cho con trẻ một cách thích hợp. Sự giải thích phải phù hợp với tuổi tác, kiến thức, văn hóa, và hợp với văn minh thời đại để giúp con trẻ thu thập vốn liếng cần thiết cho đời sống tâm linh mà không làm khủng hoảng chúng trong vấn đề tâm lý. Sự giáo huấn của tôn giáo có thể được dùng để giúp cho con trẻ biết khám phá ra rằng một số loại hành động chắc chắn nào đó đã được tìm thấy là sai trái vì chúng đã làm hư hại sự liên hệ tốt đẹp và hạnh phúc giữa con người ».

6. Đừng kể chuyện tầm phào hay đùa giỡn thái quá.

Ở giáo xứ nọ khu ông Tạ, Sàigòn, một giáo lý viên hỏi các em : « Có em nào chà đồ nhôm chưa ? » Các em ngơ ngác nhìn nhau. Anh cười hì hì và nói : « Chà đồ nhôm là chôm đồ nhà ». Việc đùa giỡn kiểu đó có thể làm các em cười, nhưng cũng chưa lấy gì làm duyên dáng hay giúp gì cho bầu khí giáo lý. Những mẩu chuyện vui, hài hước giúp các em thoải mái học bài và nhớ bài học, nhưng những chuyện tầm phào làm các em chán hoặc có tác dụng ngược. Hãy tránh những lối chọc cười dung tục, chế nhạo hay làm các em thấy bị thương tổn. Ví dụ có giáo lý viên cứ hay đem em bé da đen sậm ra chọc cười !

7. Đừng làm gương xấu mà hãy nêu gương sống đạo.

Thánh Phaolô nói : « Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Kytô ». Chúng ta không dám nói như thế, nhưng phải sống điều chúng ta dạy. Một anh trưởng phòng nọ hay chia chác tiền ăn bớt công quĩ, khi dạy giáo lý đến bài Công Bằng thì anh cứng họng không nói được, phải nhờ một chị khác giảng giùm. Sau này anh sửa đổi lối làm việc, đi tu làm linh mục, và cha thường kể chuyện ấy để cho thấy rằng phải sống điều mình dạy. Một cha DCCT giảng về lòng bác ái, sau lễ có người đến nói : « Cha nói hay quá, vậy cha có thể thực hành không ? Cho con xin ba trăm ngàn ». Ngài nghèo nhưng sẵn đang có số tiền có người mới đưa, ngài cho anh ta ngay. Sống lời giảng là vậy đó. Khi một tiến chức được phong chức linh mục, Đức Giám Mục trao Kinh Thánh cho thầy và nói : « Con hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và sống điều con dạy ». Dạy giáo lý hoàn toàn khác với các môn học khác ở chỗ đó.

8. Đừng nóng nảy đánh phạt các em.

Chúng ta đã nghe chuyện một cậu bé giúp lễ bị cha xứ tát và đã bỏ chạy khỏi nhà thờ và xa Giáo Hội mãi mãi, đó là Tito, nhà độc tài Nam tư. Đánh phạt nóng nảy có nhiều tai hại :
- Làm các em chán ghét giáo lý.
- Các em không học bài được và không nhớ bài học.
- Tạo tâm lý bất an cho các em và hình thành nhân cách sai lạc.
- Các em có cái nhìn sai về Giáo Hội và giáo lý.
Có anh chị lý luận : « Đánh các em mới nhớ ! Phụ huynh cũng đồng ý cho tôi đánh các em mà ». Lý luận này nguy hiểm ở chỗ là dùng cái không kiểm chứng được để biện minh cho hành động sai lạc rõ ràng. Chúa Giêsu bảo : « Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng xua đuổi chúng ». May mà các Tông đồ chưa đánh em nào !

9. Đừng chỉ trích Giáo Hội là Mẹ chúng ta.

Giáo Hội là Nhiệm Thể và là Hiền Thê của Đức Kytô, Đấng chúng ta yêu mến và rao giảng. Giáo Hội có những con người và những điều chưa xứng hợp với phẩm giá làm Nhiệm Thể thánh thiện, nhưng bản chất Giáo Hội là thánh. Do đó việc phê bình chỉ trích Giáo Hội trong lớp giáo lý được hiểu là việc chống lại lời rao giảng. Chúng ta không buộc phải giấu những điều chưa đúng của con cái Chúa trong một số trường hợp, nhưng trong lớp giáo phải tránh phê bình chỉ trích, làm gương xấu cho các em. 
Lạy Mẹ yêu thương, chúng con xin dâng năm học giáo lý cho Mẹ và chúng con xin dâng các em nhỏ của chúng con cho Mẹ. Các em là học trò của Chúa Giêsu, xin Mẹ là Thầy dạy chúng con, cho chúng con biết cách đối xử sao cho các em cảm thấy mình ngày càng lớn lên trong Giêsu, Con Mẹ.
Nguồn: WCGVN.NET



  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS