L ỜI NGỎ
Các em Tông Đồ Đội Trưởng thân mến.
Vậy
là các em đã vượt qua được những thử thách đầu tiên trong cuộc hành trình trở
thành Tông Đồ, các em đã được huấn luyện để chinh phục bản thân, chinh phục mọi
người bằng chính cuộc sống của mình trong đoàn cũng như xã hội. Được trang bị
tinh thần đạo đức qua những bài giáo lý mà các anh chị Huynh trưởng hướng
dẫn.
Giờ
đây, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể mời gọi các em tiếp tục bước thêm vào đời
sống dấn thân của người Tông đồ đội trưởng. Một đời sống đòi hỏi gắt gao hơn,
cực nhọc hơn, gian khổ hơn , hy sinh hơn. Qua đó, các em sẽ trưởng thành
hơn, nhiệt tâm hơn và cũng là thời gian thử thách ơn gọi làm tông đồ cho
Chúa.
Tông đồ đội trưởng, các em chính là Đội
trưởng của tất cả Đội trưởng, là đội kiểu mẫu cho các Đội trưởng noi theo và thực
hiện, vì thế mỗi hành động, lời nói của các em đều phải cẩn trọng vì các đội
luôn nhìn các em với cặp mắt chiêm ngưỡng, qua các em, các Đội trưởng sẽ học
tập được rất nhiều trong công việc của đội, và làm cho đội phát triển mạnh mẽ
từ đó đoàn sẽ phát triển mạnh.
Trong suốt thời gian là Tông đồ đội trưởng, các em sẽ được tiếp tục huấn
luyện về hai phương diện, tự nhiên và siêu nhiên.
Về
siêu nhiên : các em sẽ được tiếp tục học hỏi về Lời Chúa và Nhân bản,
được học hỏi về Đoàn TNTT của chúng ta, giúp các em nâng cao kiến thức giáo lý
cho bản thân mình. Làm nền tảng cho việc làm tông đồ sau này.
Về tự nhiên : Các em sẽ được trang bị cao
hơn về các kỹ năng, tập luyện cho mình sự tháo vát, nhạy bén trong mọi tình
huống xảy ra, sẳn sàng phục vụ cho Phong Trào với khả năng tối ưu nhất.
Với
tinh thần yêu mến Chúa Giêsu và để dấn thân phục vụ Chúa qua Phong Trào Thiếu
Nhi Thánh Thể. Các em đã được cấp trên trao trách nhiệm cộng tác, hướng dẫn các
em đội viên của mình. Để chu toàn sứ mệnh đó, quyển “Sổ tay Tông Đồ Đội Trưởng”
này được soạn ra nhằm phần nào giúp các em có thể từ từ học hỏi và trau dồi
thêm kiến thức cần thiết giúp ích cho chính mình và cho các em đội viên trong
đội.
Trong quyển sổ tay này, anh chia ra thành hai phần để nói rõ nhiệm vụ của
các em như tên gọi hiện tại của các em.
1. Tự rèn luyện bản thân để trở thành một
Tông đồ đội trưởng - gương mẫu. Và là trợ thủ đắc lực cho các anh chị Huynh
trưởng.
2. Cùng với các anh chị Huynh Trưởng, huấn
luyện cho các em Đội Trưởng và đội sinh thành đội vững vàng.Trước khi đi vào
hai phần nhiệm vụ kể trên, anh muốn các em hiểu điều này :
Các
em là Tông Đồ Đội Trưởng , các em đang giữ trong tay những trí não, những quả
tim, những linh hồn bé nhỏ … Phải ! những linh hồn và đối với chúng ta, linh
hồn là tất cả, một Tông Đồ Đội Trưởng phải nhìn thấy được những điều đó.
Khả năng của các em thật mênh mông, vì thế, các em phải nhận định rõ nhiệm vụ
của mình. Các em được hãnh diện rèn luyện các đội sinh thành các em Đội trưởng
Thiếu Nhi Thánh Thể chân chính.
Điều
đó thật chính đáng, nhưng hãy coi chừng : Nếu các em không xứng đáng thì trong
các đội sinh, có thể em này hay em khác không thể nào trở thành một Thiếu Nhi
Thánh Thể chân chính. Dù các em là một tay cừ về Kinh Thánh lẫn về chuyên môn,
đã được đào luyện kỹ càng, nhưng nếu các em không là một Tông đồ đội trưởng “
đáng mặt” thì các Đội Trưởng có kính phục các em không? Các em phải là
người dẫn đầu, người “Tông Đồ Đội Trưởng” đích thực.
Các
em Đội trưởng sẽ cảm phục, không phải cảm phục anh, chị Tông đồ đội trưởng
( vì chúng ta không đáng kể ) nhưng cảm phục Phong Trào Thiếu Nhi Thánh
Thể, và đến lượt họ, họ cũng sẽ hy sinh đời họ cho Phong Trào Thiếu Nhi Thánh
Thể. Các vị Thánh, điển hình như quan thầy Giuse Nguyễn Đình Uyển, Các Thánh Tử
Đạo Việt Nam là những Huynh Trưởng xứng đáng mở đường cho các em. Muốn được như
vậy, các em phải tự nhen nhóm một ngọn lửa lòng cao sáng. Nhen nhóm ngọn lửa
thiêng ấy với củi nào?
Tự tin nơi chính bản thân mình.
Tin vào các anh chị Huynh Trưởng.
Tin vào Thiên Chúa là Đấng Tối Cao.
Với
ước mong sau khi tham khảo cuốn sách này, các em sẽ vững tay nghề trong việc
giúp các em đội sinh luôn thăng tiến và trở thành những Tông Đồ Đội
Trưởng.
Mến chào các em trong Chúa Giêsu Thánh
Thể.
Ban Huấn
Luyện Đoàn Giuse Nguyễn Đình Uyển Giáo Xứ Tùng Nghĩa
PHẦN 1
BÀI 1: TÔNG ĐỒ ĐỘI
TRƯỞNG VỚI
PHONG TRÀO THIẾU
NHI THÁNH THỂ
I. TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG LÀ AI ?
- Là cánh tay nối dài giữa
Huynh trưởng và Đội trưởng
- Là người được Đoàn trưởng
giao nhiệm vụ hướng dẫn các đội.
- Là một tông đồ tí hon của
Nước Chúa.
- Là một thủ lãnh tí hon tập
làm nghề lãnh đạo.
- Là một người anh cả của các
đội.
- Là một Trưởng của đoàn.
- Là bạn của các đội sinh. Là
nhà giáo dục tí hon.
- Là gương mẫu để các Đội
trưởng và đội sinh noi theo.
II. TƯ CÁCH NGƯỜI TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG
.
I. Đạo đức : Tông đồ đội trưởng phải thực
hiện đủ và đúng đắn 4 khẩu hiệu của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là :
* Cầu nguyện.
* Hy sinh.
* Rước lễ.
* Làm việc tông đồ.
2. Đức tính : Tông đồ đội trưởng phải là
người :
* Quảng đại.
* Phụng sự.
* Vui vẻ.
* Hiền hòa.
* Vâng lời.
* Kiên nhẫn.
* Bác ái.
* Thành thật.
* Trong sạch.
* Yêu thương đội sinh
III. NHIỆM VỤ CỦA TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG
.
1. Đối với đội .
- Hướng
dẫn các đội sinh học hỏi Giáo lý, chuyên môn, Phong-trào
- Thôi thúc đội sinh sống đạo
tích cực.
- Sống
thân mật và yêu thương đội sinh như anh em ruột, bạn thân.
- Làm gương cho cho các đội
sinh noi theo.
2. Đối với tinh thần đội .
- Lắng nghe ý kiến của các Đội
trưởng và đội sinh.
- Gây tình liên đới, đoàn kết
trong các đội với nhau.
- Điều khiển các đội trong mọi
sinh hoạt đoàn đội.
- Cùng với Đội trưởng Làm
chương trình họp đội.
- Cùng các anh, chị Huynh
trưởng Tổ chức thi đua học hỏi giáo lý, Phúc Âm, chuyên môn . . .
3. Đối với đoàn .
- Luôn bênh vực Đoàn trưởng
trước mặt các đội.
- Trình bày nguyện vọng của các
đội lên Đoàn trưởng trong các buổi họp Hội Đồng Đội Trưởng.
- Thông
chuyển chỉ thị, thông báo của Đoàn trưởng cho các đội biết.
- Luôn đặt quyền lợi đoàn trên
quyền lợi đội.
- Đặt quyền lợi đội trên quyền
lợi cá nhân.
4. Đối với bản thân và Thiên Chúa .
- Thi hành Luật và lời hứa.
- Luôn đi họp đúng giờ.
- Năng xưng tội, rước lễ, viếng
Thánh Thể.
- Có tâm hồn thánh thiện, vì là
tông đồ của Chúa .
IV. CHÂM NGÔN CỦA TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG.
CHỈ HUY LÀ PHỤC VỤ, theo như Lời Chúa phán
: “Ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì hãy hầu hạ các ngươi. Và ai muốn cầm
đầu giữa các ngươi, thì hãy làm tôi tớ mọi người. “ ( Mc. 10 , 43 )
BÀI
2: LUẬT ĐỘI TRƯỞNG
Các em Tông Đồ Đội Trưởng thân mến.
Là
một Tông Đồ Đội Trưởng, dĩ nhiên các em phải nhuần nhuyễn trong việc điều khiển
đội, và hướng dẫn đội. Chính vì thế các em phải hiểu và sống xứng đáng với vai
trò và nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm của các em rất quan trọng và cao cả, do
đó các em có bổn phận phải thâu thập những tài liệu hay, những trí lực mạnh ở
đầu các em, nơi tay, mắt, tâm hồn của các em. Không phải để rồi tự đắc, kiêu
ngạo, nhưng để hướng dẫn, chia sẽ cho đội viên của mình. Muốn tự luyện để đạt
những yêu cầu đó, các em thử tham khảo và suy nghĩ những điều dưới đây để áp
dụng, hy vọng rằng nó sẽ giúp ích cho các em đó. Anh tạm cho là “Luật của Tông
Đồ Đội Trưởng”.
1. Tông đồ đội trưởng là một Trưởng trong
Đoàn.
2. Tông đồ đội trưởng là một người Thiếu
Nhi Thánh Thể hoàn chỉnh nhất.
3. Tông đồ đội trưởng luôn có người sẵn
sàng cộng tác với mình.
4. Tông đồ đội trưởng
không đơn độc trong công việc vì còn cấp trên.
5. Tông đồ đội trưởng có tinh thần
thân ái và nhẫn nại.
6. Tông đồ đội trưởng vui vẻ và hăng
say trong mọi tình huống.
7. Tông đồ đội trưởng điềm đạm, làm việc
và cầu nguyện cho công việc đội, đoàn.
8. Tông đồ đội trưởng dẫn dắt các
đội viên hướng về Chúa là mục đích duy nhất.
Chúng ta sẽ cùng nhau chia sẽ những điều trên để có
một tầm nhìn khái quát về bản chất, cũng như về vai trò cần thiết mà người Tông
Đồ Đội Trưởng cần phải nắm bắt và chuẩn bị thật kỹ cho mình.
1. Tông đồ đội trưởng là một Trưởng
trong Đoàn :
Đây
là điều thứ nhất các em phải nhớ, vì bổn phận trước mắt của người Tông đồ đội
trưởng là phải đặt quyền lợi của Đoàn trước quyền lợi của cá nhân và các
Đội. Anh nói rõ là Trước vì không phải là Đoàn sống cho đội, mà đội phải sống
cho Đoàn.
Nếu các đội mà Tông đồ đội trưởng phụ trách
phải hy sinh một đội viên, một đội phó, hay là Đội trưởng phải tự hy sinh để
làm tròn việc của Đoàn, các em nên nhớ lại điều thứ nhất này. Khi nào cần phải
bênh vực các Huynh Trưởng trước mặt các đội viên, các em lại phải nhớ điều này
nữa. Các em đừng do dự, vì các Trưởng càng tín nhiệm các em, các em càng được
các đội viên tín nhiệm hơn.
Các
em nên biết rằng, Đoàn vững thì đội cũng có ảnh hưởng tốt. Đội là tay chân và
đoàn là thân mình. Các em nên nhớ điều đó.
2. Tông đồ đội trưởng là một người Thiếu
Nhi Thánh Thể hoàn chỉnh nhất
Các
em là đội viên Ngành Nghĩa sĩ trong cơ cấu tổ chức của Phong Trào Thiếu Nhi
Thánh Thể, vào một ngày đẹp trời, trước mặt Cha chủ sự, Trưởng Đòan và
các Trưởng, các em đã đưa cao tay tuyên thệ, hứa và nhận nhiệm vụ Tông Đồ Đội
Trưởng. Trong cặp mắt của các em, anh nhận thấy bao hào quang rực rỡ của mặt trời,
trong tim các em có một ngọn lửa cháy mạnh tràn lan ra ngoài, lòng các em hăng
hái vô cùng,
Các em chú ý rằng : các em chớ ngủ gục ở vị trí là
một Tông Đồ Đội Trưởng bình thường, và an phận với vị trí hiện tại của mình,
những cái ấy không biểu hiện cho tài năng và sự can đảm của các em.
Các
em phải luôn tự sửa mình và học tập thêm, vì khi nào đội viên của mình nhìn
mình, các em cũng phải cho chúng tự nhủ trong lòng rằng : “Mình phải làm sao để
bắt chước Tông đồ đội trưởng của đoàn mình, trở thành một Thiếu Nhi Thánh Thể
hoàn hảo”.
Thánh Phanxicô Asisi một hôm nói cùng với môn đồ : “Chúng ta đi giảng
đạo”. Hai người đi qua các đường trong thành phố. Thánh nhân không nói một lời
từ khi bước ra khỏi nhà cho đến khi về tu viện. Lẽ tất nhiên Thánh nhân đã làm
nhiều việc thiện trên đường một cách lặng lẽ. Về đến nhà, các môn đồ thắc mắc
và hỏi ngài : “Khi nào chúng ta mới giảng đạo ?”. Thánh nhân trả lời : “ Giảng
rồi”. Các đội viên của các em cũng thế, chúng nhìn các em, các em không cần nói
nhiều, chỉ làm việc thôi, đội viên của các em sẽ noi gương các em .
Các
em là Tông Đồ Đội Trưởng của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, các em phải thể
hiện được mình là người Thiếu Nhi Thánh Thể hàng đầu của đội mình, chính
các em phải đi trước để dẫn đường và vạch hướng cho đội viên theo. Muốn
xứng đáng với chức vụ, các em hãy luôn tự rèn luyện cho bản thân phải
thăng tiến hơn. Vì thế, các em cần phải :
a) Có đức hạnh cao :
* Lòng hiếu thảo của các em đối với
cha mẹ : Giản dị và đầy tình thương nghĩa nặng. Luôn luôn các em làm vui lòng
cha mẹ.
* Lòng trong sạch của các em không ai
ngờ vực được.
* Không bao giờ các em tỏ ra yếu hèn.
* Lòng tôn thờ
Thiên Chúa : Khi đi ngang qua Thánh đường ta cúi đầu chào tôn kính vì ta tin
rằng Thiên Chúa đang ngự trị. Cử chỉ đó sẽ nhắc cho các em nhớ lại lời hứa của
mình, tin cậy vào Thiên Chúa trong mọi công việc. Nếu có thì giờ các em nên vào
cầu nguyện với Chúa. Anh có dịp chứng kiến một đội Thiếu Nhi Thánh Thể đang
xuất du bằng xe đạp, khi đi ngang qua một đám ma, không ai bảo ai nhưng đồng
loạt giở nón đang đội và cúi đầu chào một cách nghiêm trang. Cử chỉ đó cho biết
rằng tinh thần của đội ấy rất tốt, và có một Đội trưởng cừ, một Tông đồ đội
trưởng gương mẫu.
* Các em phải nhắm mắt và bịt tai các
em lại, khi các em thấy và nghe những điều làm sai lệch tinh thần trong sạch
của các em , làm hại đời sống Thiếu Nhi Thánh Thể tươi đẹp của các em .
* Các em gắng giữ tinh thần, tâm hồn
của các em vì có rất nhiều cách hãm hại tinh thần của các em : xem phim lố
lăng, tiểu thuyết, sách truyện nhảm nhí, những bạn xấu . . . Nhưng cũng có nhiều
cách giữ gìn tinh thần trong sạch : Một tu sĩ, Giáo lý viên, người bạn tốt, một
cuốn sách hay. . . .
b) Giỏi về Kinh Thánh, kỹ thuật, chuyên
môn, Phong-trào. . .
* Trong mọi trường hợp, các em phải
luôn trổi vượt hơn đội viên của mình về kiến thức, Kinh thánh, chuyên môn . . .
các em nên chuẩn bị những băng reo, những trò chơi mới để làm bầu khí đội luôn
sống động, ngay cả những sáng kiến mới về thủ công hay về việc trang hoàng góc
đội .
* Các em nên làn thế nào để cho trong
lúc học tập Kinh Thánh, Giáo lý, những lúc vui chơi hay đi cắm trại. Các Trưởng
thấy sự hăng hái, biết xoay sở, tháo vác. Không phải chỉ các Trưởng thấy mà
thôi, mà các đội viên khác còn hận xét kỹ càng về tài năng của các em nữa.
Chúng muốn bắt chước các em, vì chúng nhận thấy các em là một Tông Đồ Đội
Trưởng có tài và xứng đáng.
* Nói tóm lại, các em cố gắng thành
một kiểu mẫu hoạt động cho các đội viên noi theo bằng cách rèn luyện cho mình
thành thạo một vài kỹ năng như : Cứu thương, bơi lội, lều trại, bếp, nút dây,
những chuyên môn….các em phải luôn sẵn sàng vì nhiệm vụ bắt các em phải như thế
c) Có nhiều kiến thức :
Không bắt buộc các em phải là một cuốn từ điển sống để biết tất cả mọi
điều. Nhưng các em phải tự mở mang lấy trí thông minh của chính mình và tìm
biết rõ những điều thường thức. Có thế các em mới khuyên bảo, giảng giải cho
các đội viên của các em nghe.
Muốn
có kiến thức rộng, các em phải làm gì ? các em phải ham biết, học hỏi : Chớ để
cặp mắt của các em trong túi áo, hay nói cách khác chớ nhắm tít nó lại. Các em
phải luôn vểnh tai và mở mắt quan sát chung quanh.
Chính nơi mà một em Thiếu Nhi bình thường ngáp dài và tỏ bộ chán nản, là
nơi các em có thể học thêm nhiều điều hay cho cuộc chơi lớn của chúng ta là
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Chính cuộc chơi lớn ấy làm ta có tinh thần mạnh
mẽ và lòng ưa thích giúp ích cho người.
3. Tông đồ đội trưởng
luôn có người sẵn sàng cộng tác với mình.
Trong một đội không phải chỉ có một đội trưởng mà còn có đội phó và đội
viên trong đội. Đấy là một gia đình nhỏ mà tất cả phải thương yêu nhau như ruột
thịt. Đây cũng là một chuỗi hạt, có hạt lớn, có hạt nhỏ được xâu dính với nhau,
kết lại với nhau. Đội là chuỗi hạt mà các đội viên là những hạt sống thân mật
sát cạnh nhau. Ai là người phải lo cho tinh thần đó? Chính đội trưởng và các
đội viên. Nhưng cũng cần có vài điều kiện để họp thành tinh thần đội : Trật tự
và Lòng mến đội.
Trật tự trong đội : Trong đội, mỗi đội viên có một số
tuỳ theo khả năng của đội viên . Đội trưởng là số 1, Đội phó là số 2, . . . Khi
xếp hàng cũng đứng theo thứ tự đó. Đội phó là người đứng sau cùng.
Lòng
mến đội : Muốn các em có lòng mến đội mình và các đội viên đối với
nhau có tình thân ái, thì phải hiểu Nghĩa hợp quần. Khi một đội viên thắng
trong một trò chơi, đây là cả đội thắng. Nhưng khi có một đội viên bê trể, lười
biếng, đấy là cả đội mang nhục. Phải giao mỗi một trách nhiệm riêng cho mỗi đội
viên, trước hết là đội phó của các em. Đội phó giúp các em điều khiển đội
và thay các em khi các em vắng mặt.
Đội
phó và đội trưởng là đôi bạn tâm đắc. Nếu các em quên rằng các em có các Đội
trưởng và đội phó sẳn sàng cộng tác, đấy là các em quên bổn phận của đội
phó và cả bổn phận của Đội trưởng về công việc đội. Làm sao cho Đội trưởng
và đội phó của các em cũng cảm thấy trách nhiệm về đội. Các em hướng dẫn Đội
trưởng phải giao cho đội phó dẫn các trò chơi, dạy kỹ thuật hay món gì mà đội
phó của đội thành thạo, hay dìu một em đi lạc (Tinh thần), tập cho một em còn
kém (Chuyên môn) hay tập cho vài em khác để họ được thăng tiến hơn
Đội phó giữ vật dụng của đội, đưa giấy tin họp đội, coi về huy hiệu, đồng
phục, khăn quàng của đội viên cho chỉnh tề khi xem lễ, sinh hoạt hay đi ngoài
đường, coi về quĩ đội và thu tiền nguyệt liễm của đội viên. Đội phó xem xét đội
viên có hiểu trách nhiệm và làm tròn trách nhiệm hay không?
Ở
các buổi trại, Đội phó sẽ là người phụ trách hậu cần, thực thi mọi chương trình
huấn luyện của đội, của Đoàn.
Các em đừng bao giờ trách Đội trưởng và
đội phó trước mặt đội viên. Một sự không trật tự, không vâng lời của một Đội
trưởng, đội phó là một lỗi nặng hơn của đội viên bình thường. Các em chớ bỏ qua
điều đó, các em chờ lúc bình tĩnh để làm cho Đội trưởng và đội phó hiểu những
lỗi lầm của chính bản thân.
4. Tông đồ đội trưởng không đơn độc
trong công việc vì còn cấp trên.
Đội
không phải là “một nước trong nước”đâu. Các Trưởng tín nhiệm, giao nhiệm vụ cho
các em. Vậy các em phải lãnh nhận trách nhiệm với tất cả lòng can đảm của các
em, và chớ quên rằng bổn phận và trách nhiệm của các em rất nặng nề. Các em sẽ
làm việc bằng chính năng lực của mình, tuy vậy các em phải biết rằng khi giao
việc cho các em, cấp trên vẫn quan sát và nhìn các em thực hiện, do đó khi gặp
phải khó khăn, đừng vội nản lòng mà hãy tìm đến những người lãnh đạo để xin ý
kiến, giúp đở. Muốn được như vậy các em cần phải :
- Dễ bảo : Để giúp các em
thích học hỏi, và biết lắng nghe lời khuyên của cấp trên.
- Tín nhiệm : Để theo và
noi gương các Trưởng.
- Trung trực : Để các Trưởng
biết rõ về việc làm của các em, và bênh vực các Trưởng bất cứ lúc nào trước mặt
đội viên.
Các
em phải ghi niệm rằng : Đoàn không phải là một “shop” hay siêu thị, hoặc như là
một ngôi chợ, trong đó mỗi người bán hàng coi một gian hàng riêng của
mình.
Cái hay là các em không phải chỉ dừng chân ở vị trí
Tông Đồ Đội Trưởng của mình. Hoặc cố định trong mọi việc một cách cứng
nhắc.
5. Tông đồ đội trưởng có tinh thần
thân ái và nhẫn nại.
Các
em là người anh cả, các em phải dẫn dắt các gia đình nhỏ bé của các em sống
trong tình thân mật. Chớ có ra vẻ quân sự quá. Chớ có lễ nghi quá. Chớ quá
nghiêm khắc như trong quân đội, nhưng cũng không nên dễ dãi quá, hoặc buông
lõng cho đội. Điều cần nhất là giữ lòng các em trong sạch, rõ ràng, trung thực.
Không có một Phong-trào thanh niên,hoặc đoàn thể nào mà người ta đặt lòng
tín nhiệm vào những Huynh Trưởng, những Tông đồ đội trưởng trẻ như trong Phong
Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Đến cả tâm hồn của các em Thiếu Nhi, người ta cũng
giao cho các em. Chính điều ấy làm cho trách nhiệm của các em nặng nề thêm. Các
em phải cố gắng sao cho xứng đáng với niềm tin đó.
Làm
thế nào mà các em đặt được tình thân ái và lòng quảng đại của các em vào các
đội viên của các em thì hay vô cùng. Chính Thiên Chúa đã giao các đội viên cho
các em đấy. Lòng yêu của các em đối với đội viên phải Chân thật ; Tin
tưởng ; và Trong sạch.
° Tình yêu Chân thật.
° Lòng tin tưởng.
° Tình bạn trong sạch.
6. Tông đồ đội trưởng
vui vẻ và hăng say trong mọi tình huống.
Anh
muốn nói thẳng với các em điều này, khi các em để ý thấy một đội viên của các
em không tiến lên được, nếu vì thế mà các em buồn rầu, than thở như phải mang
cả thế giới trên chiếc lưng tí hon của các em, các em hảy bỏ ngay đường viền trên
khăn quàng của các em đi.
Các
em nên biết, đã là Tông Đồ Đội Trưởng, cần tin đến sự tốt đẹp của ngày mai, mặc
dù bên ngoài trời mưa như thác đổ, và gió thổi lên như cơn điên. JOUBERT
có nói câu này : “Nếu bạn tôi bị đui một mắt, tôi sẽ nhìn bạn tôi một
bên”. Làm sao cho đội viên của các em có thể thốt lên rằng : “anh chị Tông đồ
đội trưởng của mình tuyệt thật”
Đường hướng của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể không bao giờ bị che lấp,
các em nên dạy cho đội viên biết điều đó, không phải dạy bằng lời nói mà các em
dạy bằng nét mặt vui tươi và đời sống hăng hái của các em.
7. Tông đồ đội trưởng điềm đạm, làm việc
và cầu nguyện cho công việc đội.
Anh
không có ý muốn luyện cho các đội trở thành một cái máy. Chớ bao giờ có một
thái độ nghiêm khắc quá, chớ có vẻ mặt lạnh lùng, chớ làm cho đội viên nào sợ,
vì thế lòng hăng hái sẽ nhụt đi. Các em không gào thét mà làm việc để dẫn các
đội của các em
Các
em cũng đã biết rằng, các đội viên đặt hy vọng và tin nơi các em, vậy phải làm
việc sao cho hành vi của các em còn một dấu tích rõ ràng. Đích của các em là
“Bảo các đội viên làm và các em cùng làm với họ”. Nếu các em chỉ điều khiển mà
không nhúng tay vào việc thì các đội viên của các em không bao giờ làm thành
việc cả. Dẫu các em có nhắc đến châm ngôn của đội, gợi danh dự đội thì lòng
hăng hái của các đội viên mà các em đã bỏ qua sẽ không bao giờ tìm thấy lại cả.
Các em làm đi, ở đội, ở trại hay tại nhà thờ, khu vực sinh hoạt toàn đoàn. Khi
chơi, khi hát, các em phải ở giữa đội viên của các em, nơi có công việc nặng nề
nhất là công việc mà các em phải tự bắt tay làm trước. Chớ tránh việc làm bếp
mà cũng đừng đứng nhìn khi đội viên chơi. Chớ bao giờ nói : “các em hãy làm đi”
hay là nói “tôi sẽ làm việc ấy”. Nên nói: “Chúng ta cùng làm cái này”. Làm
riêng một mình là có ý chia rẽ và không vui, vậy các em hãy tạo cho các đội
viên các em cùng làm việc chung với nhau, có như thế vừa gắn chặt tình đoàn kết
và mới mong có kết quả tốt.
Các
em gắng biết sống cho các đội viên của các em và sống chung với chúng. Các em
làm việc đi, các đội viên sẽ bắt chước, các đội viên khác cũng sẽ bắt chước đội
viên của các em. Các em phải can đảm, và mạnh dạn trước mọi việc.
Anh
ít thấy Tông đồ đội trưởng không can đảm. Các em nên biết Kha-luân-bố đi tìm
Tân Thế Giới, lúc được nữa đường, các thủy thủ của ông tìm cách giết ông vì họ
ngỡ rằng ông đưa họ đi phiêu lưu, nguy hiểm, không kết quả, thế mà ông cũng tìm
cách tự vệ và đi đến đích mới thôi.
Khi đội viên của các em có ý chán nản thì các em phải
tiến và gắng thành công, để cho đội viên các em có cảm giác rằng đội mình là
đội xuất sắc nhất, như thế họ luôn tin tưởng vào tài lực của các em.
8. Tông Đồ Đội Trưởng dẫn dắt
đội viên hướng về Chúa là mục đích duy nhất.
Đây
chính là trọng tâm và là mục đích chính của Phong-trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
Chúng ta có một mẫu gương chính là Chúa Giêsu, người “Anh cả” của chúng ta. Vì
thế mà nhiệm vụ của các em là cùng các đội viên của mình rèn luyện bản thân
theo con đường mà khi xưa chính Chúa Giêsu đã dạy qua các thánh Tông Đồ truyền
dạy cho chúng ta qua Lời Chúa, và các Tông Huấn của Giáo hội.
Các
em nên biết rằng ¾ những trẻ hư hỏng chỉ vì không biết hướng về đạo, hoặc nền
tảng đạo đức không vững chắc. Tâm hồn trẻ rất trong trắng, nên các em cần phải
hướng dẫn chúng đi cho đúng đường.
Vì
vậy các em phải luôn chăm lo phần tinh thần của chính các em. Không phải vì các
em khéo tay, sinh hoạt giỏi hay khả năng chuyên môn của các em cao mà các em
trở nên một Tông Đồ Đội Trưởng giỏi. Tất cả những điều trên chỉ là phương tiện,
điều chính yếu là các em phải là một “cây” vui tươi, sức khỏe, và phải là kẻ
giữ ngọn lửa thiêng, ngọn lửa nhiệt tình luôn bùng cháy. Các đội viên sẽ nhìn
để noi theo. Đối với đội viên, các em như một cái truyền hình của Chúa Giêsu,
chẳng những các em phát ra những bài nhạc làm các đội viên rung cảm, mà còn
chiếu ra những hình ảnh nữa, vì các đội viên nhìn các em luôn đó.
Là
Tông đồ đội trưởng, các em có bổn phận phụng sự và chinh phục tâm hồn của đội
viên mình, các em đã nhận trách nhiệm điều khiển các đội và các em đã được trao
quyền dẫn dắt các đội trong ngày lễ tuyên hứa Tông đồ đội trưởng. Các em nên
nhớ lại những gì mình đã hứa trước cha Tuyên Uy, trước Xứ Đoàn, và trước toàn
đoàn sinh trong nghi thức tuyên hứa của mình. Các đội viên đã nghe và đang chờ
các em thực hiện lời hứa đó đấy.
Dù
nặng nhọc, dù cực mệt, dù khó khăn, các em chớ sờn lòng, cứ hăng hái tiến thẳng
đến ĐÍCH, vì chung quanh các em luôn có bàn tay Thiên Chúa che chở và cùng với
các em vượt qua mọi thử thách.
VÀI LỜI CÙNG CÁC EM ĐỘI PHÓ
Các
em là người thứ hai trong đội, sau người đội trưởng, cũng như đội trưởng của
em, em cũng dành một phần đời em cho riêng em, và một phần cho đội, em là người
em thân yêu nhất của đội trưởng. Vì thế em nên theo những lời dặn sau đây
:
Các
em chớ tranh quyền với đội trưởng của em. Nói thế chắc các em sẽ nhìn anh với
cặp mắt ngạc nhiên ! Vâng, có thể là em sẽ có ý đó trong lòng. Em có thể làm
nhanh hơn một cái nút dây, hay sinh hoạt trò chơi giỏi hơn đội trưởng mình, hay
em nghĩ em có thể là một đội trưởng cừ. Em chớ bao giờ có ý nghĩ như vậy, vì ý
nghĩ đó hại đến tinh thần của đội em, và hại cả tinh thần đội viên.Điều luật
thứ 5 trong 10 điều luật Thiếu Nhi sẽ càng gắt gao hơn đối với các em đội phó
hơn là càc đội viên khác. Anh nói rõ “gắt gao” hơn, vì các đội viên nhìn xem
các em vâng lời đội trưởng của mình cách nào. Và nếu có thể rằng em hơn đội
trưởng mình trong một vài công việc (chớ có nghĩ thế) các đội viên em sẽ thấy
và tự bảo rằng: “anh, chị đội phó mình là một tay cừ chứ không phải là tay
thường, anh, chị biết rằng anh, chị không phải đội trưởng mà!!??”.
Đối
với các đội viên trong đội, em cố giữ lòng tử tế, niềm nở tận tâm giúp đỡ họ,
mặc dù đôi khi em phải làm nghiêm với họ khi họ không đóng tiền quĩ hoặc đi lầm
đường. Dầu sao đi nữa em phải tìm cách làm họ yêu mến em.
Gắng
mà hiểu rõ họ, như thế em nới giúp đội trưởng của em nhiều việc. Và gắng nhất
về mọi phương diện : kỹ thuật, chuyên môn, tinh thần, tình thân ái, lòng hăng
hái, em phải tỏ ra là người Thiếu Nhi hoàn toàn trong đội, là người để đội viên
luôn bắt chước.
Khi di chuyển, là người đi sau cùng, vì người ta
biết rằng em đi sau để thúc giục. Khi đội trưởng giao việc gì cho em, đội
trưởng biết rằng việc ấy sẽ thành công, thế là đội trưởng tin em. Nếu trong
đội, có người mà đội trưởng tin nhất, người ấy là em. Phó đội trưởng.
Các
em có một phần việc kín đáo, và trong việc ấy không ai biết lòng tận tâm của
các em cả. Hay là chỗ đó, tinh thần của hàng đội người Thiếu Nhi Thánh Thể là
chỗ đó. Phần thưởng danh dự về nơi em. Mọi người đều không biết lòng tận tụy
của em trong tất cả công việc ư ? Nhưng em, em biết, đội trưởng em biết, anh
chị Tông đồ đội trưởng biết và nhất là Chúa biết và đang ghi công cho các em.
Thế là đủ.
VỚI
ĐỘI VIÊN
Anh
đã nói với các em rồi : “Các em hướng dẫn đội trưởng, đội phó, phải giao cho
mỗi đội viên một công việc, một trách nhiệm rõ ràng. Có biết bao là việc như :
thủ quỹ, liên lạc, cứu thương . . . ”
Muốn
thế, cả hai đội trưởng và đội phó tìm hiểu tài năng của mỗi đội viên như thế
nào để giao nhiệm vụ và công việc thích hợp. Có như thế tài năng của đội viên
sẽ phát triển hơn. Nhưng chớ đặt ra những chức vị suông, nếu là một công việc
nhẹ nhàng quá, hãy giao thêm một công việc khác. Khi họp đội, các em phải kiểm
soát các việc các em đã giao, nếu công việc chạy, các em khuyến khích, khuyên
nhủ thêm, bày vẽ thêm, nếu công việc “ngủ” một chỗ, các em hãy nói rõ danh dự
đội có liên hệ đến việc ấy, các em dễ dàng tìm ra những điều bổ khuyết. Không
bao giờ nên bỏ dở việc gì, ai có phần việc nấy, và mọi người cảm thấy đội mình
nhờ mình mà trở thành đội giỏi nhất đoàn.
(Nghề đội trưởng & Tài liệu Huấn Luyện Đội trưởng
Thiếu Nhi )
Anh
mến chúc các em, các Tông Đồ Đội Trưởng, các Huynh Trưởng tương lai gặt hái
được nhiều thành công qua phần hướng dẫn này nhé.
BÀI
3: NỘI QUY THIẾU NHI THÁNH THỂ
1. BẢN CHẤT NGUỒN GỐC & DANH XƯNG (Nội
Quy Điều 1)
Bắt nguồn từ Hội Cầu Nguyện (Thế kỷ
19)
Mang tinh thần của Đạo Binh Thánh
Giá, nhưng vũ khí là Cầu Nguyện, Hy Sinh
Bảo vệ Đền Thờ thiêng Liêng là tâm
hồn các em Thiếu Nhi
Năm 1915, Hội Tông Đồ Cầu Nguyện
dành cho giới trẻ thành lập tại Pháp
Nghĩa Binh Thánh Thể Việt Nam (1929)
lấy 4 khẩu hiệu truyền thống : Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, Làm Tông Đồ.
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt
Nam (1964) đặt nặng mục đích giáo dục giới trẻ qua phương châm ”Giới trẻ làm
tông đồ cho giới trẻ”
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt
Nam tại Hoa Kỳ (1975): Tiếp nối truyền thống ở quê nhà, hiện có khoảng 95
Đoàn, 15 ngàn đoàn sinh, 1600 huynh trưởng.
2. MỤC ĐÍCH (Nội Quy Điều 2)
Đào luyện thanh thiếu niên trở thành
những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo.
Đoàn ngũ hóa và hướng dẫn thanh
thiếu niên loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô và góp phần xây dựng xã hội.
3. NỀN TẢNG (Nội Quy Điều 3)
Nền tảng cho việc giáo dục và
hướng dẫn giới trẻ trong các hoạt động là:
Thánh Thể
Thánh Kinh (Lời Chúa)
Thánh Truyền (Giáo Huấn của Giáo Hội
Công Giáo)
4. LÝ TƯỞNG (Nội Quy Điều 4)
Chúa Giêsu Thánh Thể là: Trung tâm điểm -
Nguồn sống thiêng liêng - Lý tưởng sống của đời sống
5. TÔN CHỈ (Nội Quy Điều 5):
Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa
Giêsu Thánh Thể bằng Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, và Làm Việc Tông Đồ,
cách riêng làm Tông Đồ cho giới trẻ.
Yêu mến và tôn kính Đức Maria Mẹ
Chúa Cứu Thế, để nhờ Mẹ chúng ta đón nhận Chúa và đem Chúa vào đời một cách
tuyệt hảo.
Tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam;
noi gương và nên chứng tá Tin Mừng Chúa Kitô.
Yêu mến và vâng phục Đức Giáo Hoàng,
đồng thời cầu nguyện và thực hiện những ý chỉ hàng tháng của Ngài.
Thăng tiến con người nhân bản. Bảo
tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
6. KHẨU HIỆU - LUẬT – LỜI HỨA
Phong TràoTNTT nhận Chúa Giêsu Thánh Thể
là trung tâm điểm, là nguồn sống thiêng liêng và là lý tưởng sống của đời mình.
Mọi hoạt động, sinh hoạt… đều quy hướng về Chúa Giêsu Thánh Thể.
A. LUẬT :
Luật là các điều khoản được soạn ra một
cách kỹ lưỡng để mọi người noi theo và tuân giữ. Luật là nguyên tắc để hành
động. Dân Do-thái rất coi trọng luật. Luật là yếu tố đoàn kết của dân tộc. Các
Luật sĩ đã gọi luật là dầu, sữa, mật và là sức mạnh.
Để giúp đoàn sinh sống lý tưởng và tôn chỉ
đó, Phong Trào có 10 điều luật đó là :
1. Thiếu nhi mỗi sáng dâng ngày,
Làm cho đời sống hóa nên LỜI CẦU.
2. Thiếu nhi TÔN SÙNG THÁNH THỂ;
Siêng năng dự lễ, viếng Chúa hằng ngày.
3. Thiếu nhi HY SINH chịu khó,
Luôn nhìn thánh giá, gặp khổ vẫn vui.
4. Thiếu nhi nhờ Mẹ cố gắng;
Quyết làm gương sáng xứng danh TÔNG ĐỒ.
5. Thiếu nhi VÂNG LỜI cha mẹ;
Và hết những vị chỉ huy của mình
6. Thiếu nhi NẾT NA đằm thắm;
Giữ mình trong trắng trong cách nói, làm.
7. Thiếu nhi tận tình BÁC ÁI,
Tình luôn quảng đại mới mong giúp người.
8. Thiếu nhi giữ lòng THÀNH THỰC;
Nói làm đúng mực, không dối, không ngoa.
9. Thiếu nhi CHU TOÀN BỔN PHẬN;
Việc làm đứng đắn, không bỏ nửa chừng.
10. Thiếu nhi THỰC HIỆN HOA THIÊNG;
Chân thành với Chúa, hồi tâm mỗi ngày.
Bốn điều luật đầu : Chính
là 4 khẩu hiệu của TNTT gồm : Cầu nguyện – Tôn sùng Thánh Thể – Hy sinh và làm
Tông đồ.
Đây là 4 khẩu hiệu truyền thống có từ
nguồn gốc của PT theo dòng thời gian:
v Khẩu hiệu HY SINH là dựa theo tinh
thần Đạo Binh Thánh Giá (1865) hiến thân bảo vệ Hội Thánh.
Người Tông Đồ Đội Trưởng phải tự làm gương
để các em trong và ngoài đoàn noi theo. Các em phải có đức tính hy sinh như
viên đá dễ vỡ, va chạm nhau trở nên những viên đá tròn đẹp.
• Hy sinh trong mọi lúc
• Hy sinh không thoái lui khi gặp khó khăn
vất vả.
• Hy sinh trong vui tươi.
v Khẩu hiệu CẦU
NGUYỆN rút ra từ tinh thần Hội cầu nguyện dành cho tuổi trẻ (1917) do Cha
Bessière dòng Tên thành lập tại Pháp.
Là Tông Đồ Đội Trưởng, các em phải
tin tưởng vào Chúa, đó là nguồn sức mạnh của chúng ta, đó là người biết cầu
nguyện. Khi chúng ta tin vào Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được sự giúp đỡ của
Người, vì Người luôn đồng hành cùng ta, luôn bên cạnh chúng ta.
v Khẩu hiệu RƯỚC LỄ (tôn sùng Thánh
Thể) là theo tinh thần thông điệp Quam Singulari năm 1910 do ĐGH PIÔ X cổ võ
các em siêng năng rước lễ và ban phép cho trẻ em được rước lễ sớm.
Phép Thánh Thể còn là nguồn mạch ân
sủng dồi dào mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Người Tông Đồ Đội Trưởng năng
tới lãnh nhận là tới chính nguồn, để múc lấy ơn Thánh.
v Khẩu hiệu LÀM TÔNG ĐỒ là theo tinh
thần sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân, số 12” của Công Đồng Vatican 2 : “Giới trẻ
phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ”.
Khi tham dự vào sứ mệnh của Giáo hội, các
em là Tông Đồ Đội Trưởng phải hoàn thành nhiệm trách vụ trong lãnh vực của
mình. Những việc đó có thể chỉ cần dâng nhiều hy sinh, hãm mình, cầu nguyện cho
việc loan tin truyền giáo, cho nhiều người quay về cùng Chúa, nhiều người lầm
đường lỡ bước trở về với Chúa.
Sáu điều luật sau :
VÂNG PHỤC – NẾT NA – BÁC ÁI – NGAY THẲNG –
CHU TOÀN BỔN PHẬN – KẾT HOA THIÊNG.
Đó
là những căn bản tu đức giúp đoàn sinh thăng tiến về mặt nhân bản và tâm linh.
Và đó là giúp đoàn sinh thực hiện tôn chỉ, mục đích và lý tưởng của Phong Trào
theo nội qui điều 6,7,8.
Khi
đoàn sinh thực hiện 10 điều luật Thiếu Nhi hòa quyện thành ngày Sống Thánh Thể
: một phương pháp giáo dục của Phong Trào : sáng sớm khi vừa thức dậy, đoàn
sinh thực hiện điều luật 1 : cầu nguyện, dâng ngày. Suốt ngày đoàn sinh ra sức
sống tốt, kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể qua thực hiện điều luật 2 đến điều
luật 9 và cuối cùng kết thúc ngày bằng điều luật 10 : kết hoa thiêng.
B. LỜI HỨA :
Khi một đoàn sinh,Tông đồ đội trưởng hay
một Huynh Trưởng tuyên hứa là tự nguyện chấp nhận và tuân giữ những điều đã quy
ước. Với Phong Trào TNTT thực hiện lời hứa gồm:
- Sống 4 khẩu hiệu : Thể hiện bản chất
Phong Trào qua ý nghĩa của cách chào : 4 ngón tay xếp đều chỉ 4 khẩu hiệu : cầu
nguyện, rước lễ, hy sinh, làm tông đồ. Ngón cái ép vào lòng bàn tay chỉ sự
quyết tâm tuân giữ 4 điều đã hứa, đã cam kết như trên.
- Sống châm ngôn của Ngành : Châm ngôn là
biểu mẫu, một lời nói ra để noi theo : Ngành Ấu Nhi : Ngoan – Ngành Thiếu Nhi :
Hy sinh – Ngành Nghĩa sĩ : Chinh phục – Tông đồ đội trưởng : Gương mẫu và Huynh
Trưởng : Phục vụ. Khi đoàn sinh thực hiện châm ngôn của Ngành mình chính là
thực hiện lời hứa của mình với Phong Trào.
a TÓM LẠI :
Luật và Lời hứa của Phong Trào TNTT nhằm
mục đích giáo dục đoàn sinh sống theo mục đích, tôn chỉ, lý tưởng của Phong Trào
để thăng tiến mỗi ngày về lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên.
BÀI 4: PHƯƠNG PHÁP
HÀNG ĐỘI
Là một Tông Đồ Đội Trưởng, nghĩa là
các em đang tự mình và đang được huấn luyện để trở thành những Huynh Trưởng
giỏi trong tương lai, Phong-trào chú trọng đến việc khả năng tập lãnh đạo của
các em, chính vì thế các em cần phải nhận thức và nắm rõ chính xác rằng : bất
cứ một đoàn thể, một tổ chức, một công ty nào, dù lớn hay bé, muốn thành công
trong công việc phát triển phải có phương pháp điều hành riêng của mình. Với
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt nam, Phương pháp hàng đội là một trong
những phương pháp được áp dụng nhằm củng cố và xây dựng đoàn.
I. PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI & TINH THẦN
ĐỒNG ĐỘI
A. ĐỊNH NGHĨA
Phương pháp hàng đội là phương pháp huấn
luyện, chia đoàn ra thành Đội, đơn vị căn bản của Phong Trào. Đây là cách trao
trách nhiệm cho đội trưởng. Dùng đội trưởng để thi hành các lệnh, và đội trưởng
được quyền dùng các cách để thực hiện với sự giúp đỡ của đội phó và đội viên
.
B. MỤC ĐÍCH
Phương pháp hàng đội giúp đoàn sinh tự
phát triển tài năng, năng khiếu và học biết cách điều khiển.
• Hàng đội tự trị. Tự
mình điều khiển. Huynh trưởng chỉ là hậu thuẫn
• Giáo dục lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau.
• Tạo tinh thần đoàn kết, xây dựng và hợp
tác với nhau.
• Tạo cơ hội phát huy khả năng.
• Tạo tinh thần hiểu biết trách nhiệm của
mình.
• Tạo tinh thần làm việc tự nguyện và kỷ
luật, không gò ép.
C. HỆ THỐNG TỔ CHỨC TỪ ĐOÀN XUỐNG
ĐỘI
1. Đoàn Thiếu Nhi có 4 ngành: Chiên Con,
Ấu Nhi, Thiếu Nhi và Nghĩa Sĩ.
2. Ngành Chiên Con, Ấu Nhi, Thiếu Nhi và
Nghĩa Sĩ chia thành các Chi Đoàn ngành.
3. Chi Đoàn ngành Chiên Con, Ấu Nhi, Thiếu
Nhi và Nghĩa Sĩ chia thành các đội. Một chi đoàn có từ 6 đến 12 đội.
D. TỔ CHỨC ĐỘI
Đội là đơn vị
căn bản nhất của phong trào, là một nhóm từ 6 đến 11 em cùng phái tính, cùng
lứa tuổi, cùng trình độ hiểu biết, liên kết với nhau để sinh hoạt, học tập,
sống chung luật Chúa và luật Giáo Hội.
Đội có thể ví như một thân thể hay
một gia đình, bởi vì mỗi người trong đội phải biết thương yêu nhau, phải tích
cực tham gia các hoạt động thì đội mới tiến được.
Mỗi người trong đội được chia một chức
vụ vì mỗi người có khả năng riêng; hơn nữa một người không thể làm được hết tất
cả mọi công việc trong đội được.
Những chức vụ trong đội gồm có: Đội
trưởng, đội phó, thư ký, thủ quỹ và nhiều chức vụ khác nữa (liên lạc, quản trò,
quản ca, y tá, đầu bếp, kỹ thuật).
E. NHIỆM VỤ TRONG ĐỘI.
1. Đội Trưởng.
Là người được chọn vì có khả năng và đức
tính cần thiết, được huấn luyện trước khi trao trách nhiệm coi một đội. Lo điều
khiển chung mọi công việc trong đội (dạy phong trào, chuyên môn, phân chia công
tác) Thúc giục đội viên đi sinh hoạt đầy đủ và thi hành nhiệm vụ chu đáo.
2. Đội Phó.
Vì Đội Trưởng không thể làm tất cả mọi
việc nên cần có Đội Phó giúp. Đội Phó cũng được huấn luyện như Đội Trưởng, vì
sẽ thay Đội Trưởng điều khiển Đội khi Đội trưởng vắng mặt. Giúp đội trưởng
trông coi đội và điều khiển đội khi đội trưởng vắng mặt - Huấn luyện đội viên
mới trong đội.
3. Đội Viên .
- Nhiệm vụ của thư ký : Giữ sổ điểm danh
của đội và báo cáo cho thư ký chi đoàn hàng tuần - Giữ Bó Hoa Thiêng của
đội và báo cáo cho chi Đoàn Trưởng cuối tháng.
- Nhiệm vụ của thủ
quỹ : Thu tiền quỹ đội hàng tuần và nộp cho thủ quỹ chi đoàn - Giữ sổ thu chi
của đội.
- Nhiệm vụ quản trò : Tìm trò chơi, băng
reo, vũ điệu, kịch, tìm bài hát mới cho đội.
- Nhiệm vụ kỷ luật : Giữ trật tự cũng như
thay mặt trưởng kỷ luật Đội viên vi phạm điều luật
- Nhiệm vụ liên lạc : Chuyển văn thư,
thông tin cho đội viên, lưu trữ báo chí.
- Nhiệm vụ quản bếp :Lo bữa ăn khi đi trại,
giữ gìn dụng cụ bếp.
- Nhiệm vụ y tế : Lo thuốc men khi
đi trại, biết sử dụng những thuốc thông thường và băng.
- Nhiệm vụ kỹ thuật : Lo lều cổng, kỹ
thuật khi đi trại, biết nút dây.
* Trong việc huấn luyện đội viên,
thường Đội Trưởng lo cho các đội viên đã tuyên hứa hay khá. Đội Phó lo cho các
đội viên mới hay còn kém.
Tóm lại, Đội tiến nhiều hay ít là do tinh
thần của Đội Trưởng và Đội Phó cùng với các Đội Viên biết hợp nhất để giúp Đội
tiến.
II. TINH THẦN ĐỘI
Muốn cho đội tiến, người đội trưởng phải
biết tạo tinh thần cho các đội viên. Sau đây là những cách tao tinh thần
đội:
1. Nêu Cao Uy Tín Đội
Người Đội Trưởng phải biết giữ kỷ luật, kỷ
luật tự giác. Tránh làm điều xấu mang tiếng cho mình và cho đội của mình.
2. Gây Thân Mật Giữa Đội Viên
Đội phải như là một gia đình trong đó mọi
người thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, kính trọng nhau.
3. Mọi Việc Đều Có Tổ Chức
Muốn thành công cần phải chuẩn bị mọi
việc, nghiên cứu kỹ càng, rổi tìm giải pháp thực hiện, chia công tác rõ ràng,
rồi tất cả cùng quyết chí thực hiện.
4. Gây Bầu Khí Vui Vẻ
Khi mọi người vui vẻ thì các công việc
được thức hiện nhanh chóng. Do đó, người Đội Trưởng cần giữ bầu khí vui vẻ
trong đội.
5. Công Bằng Và Thực Tâm
Khi mọi người chia sẻ công việc đồng đều
thì sẽ dễ dàng làm việc và có thực tâm thì mọi người sẽ tôn trọng lẫn nhau,
giúp nhau thăng tiến.
1. Đội trưởng có toàn quyền
2. Đội viên nên tuân phục
3. Hiểu biết trách nhiệm của mình
4. Làm việc tự nguyện và kỷ luật, không gò
ép
5. Tinh thần đoàn kết, xây dựng.
BÀI 5: DUY TRÌ VÀ
PHÁT TRIỂN ĐỘI
Muốn một đoàn thể tồn tại và phát
triển, đội trưởng phải chú ý đến việc đào tạo và giáo dục. Phương pháp giáo dục
lý tưởng và kết quả nhất đó là chú ý đến việc giáo dục cá nhân, vì mỗi cá nhân
mang một cái gì đó thật độc đáo và khác biệt. Một đội lý tưởng cần phải hạn
định số đội sinh, và có đường hướng dạy dỗ hợp với khả năng, đặc tính, trình độ
của từng đội sinh. Trong Đoàn, thành phần đội là nòng cốt để thực hiện việc
giáo dục. Vì thế người Tông Đồ Đội Trưởng cần lưu ý :
1. Sau một thời gian sinh hoạt : Trình độ và khả năng trong đội sẽ
khác nhau, vì có em sửa soạn lên cấp cao, lại có một số mới gia nhập . . .
khiến sinh hoạt đội thêm phức tạp. Đội trưởng cần phải khéo léo khi phân công
và hướng dẫn theo khả năng, trình độ của đội viên. Chẳng hạn như :
- Đội phó lo hướng dẫn đội viên
mới.
- Đội trưởng hướng dẫn đội viên
cũ.
- Nếu có nhiều trình độ, thì
nhờ một số đội viên xuất sắc có khả năng cộng tác. Đây là chi tiết quan trọng
để đáp ứng nhu cầu từng người cho hợp khả năng và trình độ.
- Trong đội cũng phải trao cho
mỗi người một công tác để đội viên tập làm quen lãnh trách nhiệm.
2. Để buổi sinh hoạt được linh động cần :
- Ấn định rõ thời gian, không
kéo quá dài.
- Họp đúng giờ và bế mạc đúng
lúc, đừng co dãn.
- Địa thế nơi họp, Thường ở
ngoài trời hay nơi nào thích hợp, nên thay đổi nơi họp, học, để tránh hàm chán.
- Linh động, Ngoài các đề tài
học hỏi theo cấp, cần phải xen vào những phương pháp giáo dục tự nhiên : hát,
trò chơi, vũ điệu . . .
- Thay nhau, Cần sắp xếp thay
nhau để buổi sinh hoạt thê linh động và phong phú hơn
3. Mở các chiến dịch : Để kích thích sự cố gắng trong
đội, đội trưởng cần nêu ra những chiến dịch thi đua, và để các đội viên có sáng
kiến trong chiến dịch nhằm đạt hiệu quả cao.
4. Kiểm soát và tìm hiểu khả năng : Trong buổi họp đội, là lúc kiểm
soát khả năng, trình độ đội viên qua trò chơi, trắc nghiệm, khảo sát . . .
Trong khi sinh hoạt, đội trưởng biết được tính tình của đội viên để khích lệ,
sửa chữa.
5. Chương trình : Đội trưởng cần có chương
trình sinh hoạt chung một cách cụ thể, rõ ràng. Kế hoạch dài hay ngắn hạn để
thi hành, theo dõi cho thống nhất.
6. Học tập chuyên môn : Ngoài chương trình sinh hoạt
chung, đội trưởng cần có chương trình chuyên môn từng cấp để giúp cho đội viên
mình một cách đầy đủ.
7. Điều hành sinh
hoạt đội : Để điều hành sinh hoạt đội, ta cần họp Ban Điều Hành đội
mà thành phần là Ban Quản trị đội gồm : đội trưởng, đội phó, Thư ký, thủ quỹ.
Mục đích là để cộng tác với nhau trong việc điều hành đội đối nội hay đối ngoại
( Nội, ngoại vụ) nhằm :
- Để biết trình độ và tính nết
đội sinh qua việc báo cáo của mỗi thành phần là Ban Quản Trị đội hầu có phương
cách hướng dẫn đội sinh chính xác hơn, cụ thể hơn.
- Góp ý kiến xây dựng và giải
đáp thắc mắc.
- Hoạch định chương trình sinh
hoạt tháng.
- Chuyển đạt các chỉ thị của
Đoàn hoặc của cấp trên.
- Tìm
cách làm tăng giá trị tinh thần đội, và hoạt động đội vững hơn.
- Sau buổi họp, đội trưởng phải
biết giữ kín những chi tiết phiên họp mà Đoàn đã và đang bàn soạn.
- Không
bàn tán hoặc đem chuyện họp đoàn ra phát biểu linh tinh, làm ảnh hưởng đến tinh
thần và uy tín của toàn Ban Điều Hành Đoàn.
Trách nhiệm và bổn phận của người Tông Đồ Đội Trưởng là nắm bắt và điều
động, chịu trách nhiệm trước cấp trên về nhiệm vụ của mình trong việc phát
triển đội. Để được như vậy, các em, Tông Đồ Đội Trưởng phải luyện tập và thuộc
lòng các phương cách để áp dụng, đội có phát triển và mạnh hay không là do tài
của các em đó. Tông Đồ Đội Trưởng.
Để điều hành và “cầm đội”, các em
đội trưởng cần phải chuẩn bị cho mình thật kỹ càng, vì thế anh gợi ý cho các em
một số việc mà các em đội trưởng cũng như Tông Đồ Đội Trưởng cần thực hiện như
sau :
a Có kế hoạch trước :
Các em phải soạn thảo chương trình sinh
hoạt đội trước tại nhà cho buổi sinh hoạt sắp tới, trong đó : học gì ? chơi trò
chơi gì ? cần nhắc những điều gì ? Tất cả sao cho thật sinh động, khớp với thời
gian quy định.
a Dìu dắt :
- Các em phải tránh sự ganh tị giữa đội
của mình và các đội khác.
- Nhờ sự tiến bộ của đội mình mà các em
dìu dắt các đội khác cùng tiến với đội của mình.
- Nếu vì lý do gì mà đoàn cần sự hy sinh
của đội, ví dụ : Đoàn cần đội viên giỏi nhất của đội, hoặc đội phó của đội,
điều qua lãnh đạo hay cộng tác với đội khác, cũng như phân công các em qua đội
khác, các em phải hiểu đó là vì lợi ích của đoàn, các em phải nhận định đây là
một vinh dự hay hãnh diện cho đội mình.
- Thi đua với các đội khác trong tình thân
ái, học tập.
- Sẵn sàng giao lưu với các đội khác để
học tập kinh nghiệm.
- Sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn,
giảng huấn, chỉnh huấn.
a Tổ chức đội : Để kết
cấu các đội viên thành một nền tảng vững chắc trong đội, các em cần phải lưu ý
:
- Chuyên
cần trong giờ học Giáo lý, cũng như tìm hiểu Phong-trào , học tập chuyên môn và
các kỹ năng.
- Thi đua học tập giữa đội viên và đội
viên, giữa đội viên trong đội và đội viên các đội khác.
- Giao trách nhiệm và tin tưởng sự làm
việc của các đội viên.
- Kiểm tra và đôn đốc đội viên của mình
làm tròn nhiệm vụ được giao trong mọi công việc.
- Tổ chức họp và họp đội.
A) Họp và trại đội :
Gồm có 2 phần : Họp để học kỹ thuật
chuyên môn.
: Họp để kiểm
thảo, và lên kế hoạch sắp tới.
Trong những buổi họp hay xuất du, các em
cần lưu ý chuẩn bị cho thật tốt 4 ý sau đây :
- Hoạt động.
- Chơi nhiều.
- Học điều mới.
- Tự luyện tập tính tình.
- Anh tin chắc rằng đội viên các em
sẽ thay đổi nhanh chóng nếu tự chúng muốn trở nên xứng đáng. Sau đây anh gợi ý
cho các em cách làm cho buổi họp của các em vui vẻ. Ta hãy tạm gọi là 10 điều
khôn của đội trưởng cũng là của các em Tông Đồ Đội Trưởng.
1. Khi họp, các em
phải đến sớm nhất và bắt đầu buổi họp đúng giờ. Không chờ các em tới trể dầu
chỉ mới có hai người, em và đội phó.
2. Mỗi buổi họp phải đổi mới : Nếu không
mới về nội dung thì cũng mới về hình thức. Họp ở góc đội, họp ngoài trời, tại
nhà em đội phó. Một buổi họp bắt đầu từ dấu đi đường. Một buổi họp khác bắt đầu
bằng thư gửi cho các đội viên để tổ chức một trò chơi quan sát lúc mấy giờ.
Đừng có sợ quá thay đổi, càng mới nhiều càng hay và linh động hơn.
3. Các em đừng ra lệnh, hãy khích lệ, động
viên, dẫn dìu. Đứng nói “Làm việc kia” hay “ Tôi sẽ làm việc kia”, “ anh
hãy giúp tôi”. Nhưng các em hô to tiếng đội rồi nói “Chúng ta hãy làm việc này
và làm cho bằng được”. Nếu các em tìm ra được một bài hát để bắt tay vào việc
thì lại càng tốt.
4. Các em hãy giải thích sự ích lợi về
điều các em dạy và hướng dẫn. Học nút dây thì nút dây dùng vào việc gì? Thông
tin thì để đưa tin đi xa . . .
5. Tất cả mọi đội viên đều có việc, muốn
thế, phải sẳn cẩm nang trong túi về trò chơi, câu chuyện, bài hát, và cả chương
trình buổi họp của các em dự định nữa.
6. Họp ngoài trời nếu có thể được, chúng
ta không phải là những người tu dòng kín.
7. Mỗi lần họp phải có ít nhất là một trò
chơi vui cho sinh động.
8. Các em phải giảng rõ ràng, nếu cần
giảng đi giảng lại hai ba lần rồi thực hành cùng với các đội viên trong đội.
9. Các em có thể thành công nếu áp dụng
được “dạy mọi điều bằng trò chơi”. Dạy nút dây, thông tin, chuyên môn . . .
cũng bằng trò chơi. Muốn dẫn trò chơi nên bắt đầu từ một câu chuyện.
10. Đội viên của các
em “ngủ” à, hãy đánh thức chúng bằng một băng reo, một bài hát. Nếu chúng ồn ào
thì hãy cho chúng một trò chơi im lặng. Khi nào cũng sẵn trò chơi cả. Dầu cho
trời mưa, các em cũng đã chuẩn bị trước. Phải sẵn sàng luôn để không khi nào bị
cháy chương trình bất ngờ. Đó chính là bản lãnh của các em đấy.
Anh cần lưu ý các em vài điều trong cách
tổ chức trò chơi :
- Nên xen lẫn trò chơi trong
lúc làm việc, lúc ăn, lúc học tập.
- Trước khi chơi nên quan sát
chung quanh để xem đội mình chơi có ảnh hưởng đến sự làm việc của các đội khác
không?
- Khi chơi, động viên tất cả
đội viên cùng tham gia, tránh tình trạng một vài đội viên đứng ngoài cuộc chơi
với mọi lý do.
- Đừng cho trò chơi ồn ào lúc
bắt đầu hay lúc tan họp.
- Chấm dứt một trò chơi khi các
em còn thích chơi là giữ hy vọng thành công cho lần chơi sau.
- Trong trò chơi nên chú ý và
giúp các em kém ưu thế.
- Sau trò chơi, các đội viên
được phép tỏ ý kiến của mình, nhưng đội trưởng vẫn là Trưởng của đội.
Vì
các em còn mới trong “nghề đội trưởng” do đó có thể kinh nghiệm các em
chưa được phong phú, vì thế điều cần thiết nhất là các em nên cố gắng soạn thật
kỹ càng tất cả chương trình họp đội hay sinh hoạt đội. Các em phải ước lượng
được những tình huống xảy ra. Sau mỗi lần sinh hoạt, các em nên kiểm điểm lại,
các em sẽ thấy mình còn thiếu sót rất nhiều. Dần dần với số vốn được tích lũy,
các em sẽ dễ dàng điều khiển một buổi họp hay sinh hoạt đội một cách đầy đủ và
tự tin hơn.
Các em cần lưu ý rằng :
Các đội viên đến với các em để học
và chơi, các em không nên để chúng thất vọng. Nếu các em tổ chức họp đội trong
tuần, chớ nên kéo dài buổi họp quá một giờ. Còn như họp ngày Chủ nhật, ta có
thể lồng thêm vào một trò chơi lớn, các trò chơi vận động, nấu nướng . . .
nhưng chớ làm luôn một việc dễ sinh ra nhàm chán.
Các
em nên soạn ra một chương trình chung trong một năm, sau đó chia ra từng quý,
từng tháng sẽ thực hiện những gì, các em có thể nhờ Trưởng phụ trách góp ý cho
chương trình này được phù hợp.
BÀI
7: ĐỜI SỐNG ĐỘI TRONG ĐOÀN
Vì đội là một bộ phận của Đoàn, do đó đội
phải luôn đặt lợi ích và quyền lợi của đoàn lên trên hàng đầu – luôn tuân giữ
và thi hành các quyết định của Đoàn một cách tin tưởng và tuyệt đối :
-
Tham dự các buổi thi đua toàn Đoàn một cách tích cực, nhiệt tình, cũng như luôn
có nặt trong các buổi triệu tập bất thường.
-
Luôn phấn đấu để đưa đội của mình trở thành đội mạnh nhất của Đoàn, nhưng không
vì đó mà kiêu căng, ngạo mạn coi thường các đội khác.
-
Không đố kỵ hoặc ganh tỵ với các đội khác khi họ mạnh hơn mình, mà phải tìm
cách trong sáng vượt qua họ bằng sức mạnh học tập của đội.
-
Luôn nhiệt tình hoan hô các đội thắng và động viên các đội thua, tránh chê bai
dè biểu, ganh tỵ hoặc có cử chỉ khiêu khích, kích nhục, khinh miệt, nói xấu sau
lưng.
- Thi đua các chương trình Giáo lý, nhân bản . . .
do Đoàn đề ra.
- Phải luôn biết phân biệt việc chung và việc
riêng, việc nào của đội, việc nào của đoàn và luôn đặt việc đoàn lên trên việc
của đội.
- Nên tạo cho mình một phẩm cách chân chính để các
đội viên noi gương, cũng như học tập gương thánh bổn mạng của đội mình.
-
Luôn tạo các điều kiện để tự rèn luyện tính tình của mình, cũng như tạo điều
kiện cho các đội viên. Không nên chú trọng quá thi đua chạy thành tích mà không
áp dụng được gì cho chính bản thân mình và đội viên một cách trung thực.
-
Luôn tìm hiểu tính tình, sở thích của đội viên để khuyến khích và phân công
đúng sở thích của đội viên đó. Đội viên sẽ hoạt động tích cực hơn cho công việc
đội.
-
Luôn tạo sự đoàn kết, không những cho đội mình, mà cho toàn đội trong Đoàn
(Giao lưu, sinh hoạt liên đội, kết giao . . .) kết hợp với nhau trong công việc
Đoàn.
-
Chọn cho đội mình một mật hiệu riêng để đội viên dễ dàng nhận ra tiếng gọi của
đội.
Các em thân mến, là một Tông Đồ Đội
Trưởng, ai cũng muốn thành công trong trách vụ điều khiển, hướng dẫn hay chỉ
huy. Người Tông Đồ Đội Trưởng cần phải biết mọi vấn đề liên hệ đến công việc
của mình với nguyên tắc “ Không phải làm gì cả, nhưng có thể làm được tất cả”
Trong bài này với chủ đề là “nghệ
thuật”, do đó anh chỉ chia sẽ với các em một vài kinh nghiệm để các em trang bị
thêm tay nghề của mình hy vọng trở thành một chỉ huy giỏi và bản lĩnh.
I. NGUYÊN TẮC HÀNH ĐỘNG .
A) LÚC BÌNH THƯỜNG :
1. Xem : Xem người, xem hoàn cảnh, xem
việc . . . vì đội trưởng phải biết rõ về tính tình, lý lịch, khả năng người
dưới quyền. Nhất là tìm hiểu hoàn cảnh hiện tại để xếp đặt công việc, chương
trình cho thích hợp.
2. Xét : Xét mình, xét phương
tiện.
Chỉ thực hiện những gì thuộc phạm vi
của mình.
Lượng sức khả năng của mình, đắn đo
cân nhắc, sử dụng những phương tiện thích ứng trong thuật điều khiển.
Sáng kiến những vật dụng để làm.
3. Làm :
Luôn tin tưởng vào công việc mình
làm, tránh do dự.
Phân chia công việc rõ ràng cho
người thừa hành đúng với khả năng của họ, luôn sống tinh thần hòa đồng vui vẻ.
Năng kiểm soát công việc và có thể tiếp tay mọi việc nếu thấy trục trặc, ngưng
trể, thiếu sót, đóng góp và quyết định kịp thời, chuẩn xác.
C) LÚC KHÓ KHĂN :
1. Điều phải tránh :
Những thái độ hốt hoảng, thiếu bình
tĩnh.
Bi quan, chán nản, phóng đại cái khó
phải vượt qua.
2. Điều phải giữ :
Cầu nguyện để tìm ý Chúa, nhất là
dùng Phúc Âm .
Chấp nhận mọi hy sinh và luôn bình
tĩnh.
Khôn ngoan bàn hỏi với cấp trên,
trưởng phụ trách, cha Linh hướng, .v.v. . .
II. ĐIỀU HÀNH CÔNG VIỆC .
A) QUYẾT ĐỊNH CÔNG VIỆC :
Ai không biết quyết định thì không biết
dìu dắt, mà Tông đồ đội trưởng là người dìu dắt, nên cần phải biết quyết định
thẳng thắn, dứt khoát, rõ ràng trong cách đối xử với người đồng cấp hay người
dưới cấp.
1. Với người đồng cấp :
- Có tinh thần đoàn kết hợp lực.
- Luôn nêu cao công ích, thông cảm, tìm
hiểu và tha thứ.
- Luôn tươi vui, niềm nở, tựa như bóng mát
lúc trưa hè.
2. Với người dưới cấp :
- Có tinh thần khiêm
nhu, phục vụ, có ý muốn dìu dắt đàn em nên tốt.
- Lòng luôn chân chính không thiên
vị ai.
- Khéo léo khi ra lệnh, xếp đặt thứ tự
nghiêm chỉnh khi truyền lệnh cho họ.
B) TRUYỀN LỆNH (Bất Kể)
1. Thích đáng, tránh những lệnh vớ vẫn,
lung tung.
2. Rõ rệt, đơn sơ, ngắn gọn, mọi người có
thể hiểu để thi hành.
3. Bình tĩnh, không dọa nạt, quát tháo.
4. Truyền những việc hợp khả năng, có thể
thực hiện.
5. Truyền lệnh một cách cương quyết, không
úp mở, do dự.
6. Truyền lệnh bằng cách cùng làm. Thay vì
nói “ Hãy làm” bằng cách nói “ Chúng ta cùng làm”.
7. Truyền lệnh như đã thực hiện rồi. Nhắc
lại những cố gắng đã làm để đưa đến việc sắp làm. Gợi ý hơn là ra lệnh.
8. Theo dõi và nhắc nhở khôn khéo. Tránh
xâm phạm vào lãnh vực kẻ thừa hành mà mình đã trao trách nhiệm.
Trên
đây chỉ là một trong rất nhiều phương cách đối với “Nghệ thuật chỉ huy”, Nghĩa
là, chúng ta Tông Đồ Đội Trưởng, cần phải thu thập thật nhiều kiến thức và rèn
luyện cho mình nhuần nhuyễn các nguyên tắc trên, hy vọng các em sẽ đạt kết quả
tốt, thành công nhiều mà lại tránh được nhiều lầm lỡ đáng tiếc, có thể làm mất
uy tín của người Tông Đồ Đội Trưởng .
Phần
2
Bài 9: VAI TRÒ CỦA
TÔNG ĐỒ ĐỘI TRƯỞNG
Vai trò của Tông Đồ Đội Trưởng (TĐĐT) thực
sự là một vai trò rất quan trọng trong tổ chức và sinh hoạt của Đoàn. Từ trước
tới nay, chúng ta thường chú trọng vào vai trò Huynh trưởng, huấn luyện và đào
tạo Huynh trưởng khá nhiều và thường coi nhẹ vai trò của người TĐĐT. Chúng ta
can phải xác định lại một cách rõ rệt rằng TĐĐT cũng là một cấp chỉ huy, một
cấp lãnh đạo cho một đơn vị là Đội chứ không phải chỉ là một em Ấu, Thiếu hay
Nghĩa sĩ. Hơn thế nữa, vai trò của TĐĐT cũng chính là người anh, người chị trong
một Đội, có trọng trách hướng dẫn và coi sóc các em trong Đội và Đội là đơn vị
căn bản trong tổ chức Đoàn. Một cách tổng quát, vai trò của TĐĐT được liệt kê
như sau:
1. Là một nhà Lãnh Đạo
TĐ ĐT là một người chỉ huy, lãnh đạo một
đơn vị Đội, có trách nhiệm hướng dẫn và huấn luyện các đội viên trong đội. Thi
hành và trực tiếp truyền lệnh từ các cấp trên trao xuống. Trực tiếp liên hệ và
chịu trách nhiệm với Đoàn Trưởng. Với cương vị là một cấp chỉ huy, người TĐ ĐT
can phải hội tụ đủ các điều kiện sau:
- Có tư cách và tác phong lãnh đạo.
- Có tinh thần trách nhiệm.
- Có kiến thức và khả năng vượt trội hơn
các đội viên.
- Có đầu óc tổ chức và khả năng hoạch định
chương trình làm việc.
2. Là một người Anh/ Chị của Đội:
Ngoài vai trò chỉ huy, TĐĐT còn là một người
anh, người chị của Đội. Luôn thong yêu và săn sóc các đội viên, đùm bọc che chở
các đội viên và luôn luôn giúp đỡ các đội viên của mình từ tinh thần đến vật
chất như anh chị em trong gia đình. Với cương vị là người anh, người chị, người
TĐĐT có các đức tính như sau
- Lòng bác ái, vị tha.
- Công bằng.
- Hy sinh.
- Vui vẻ, hòa nhã.
- Nêu gương tốt.
3. Là một Huấn Luyện Viên
Hướng dẫn và huấn luyện các đội viên theo
chương trình thăng tiến Đoàn sinh của Đoàn đã đề ra. Đồng thời cũng chỉ bảo
thêm cho các Đội viên những gì mình đã học hỏi được từ cấp trên. Không những
thế, TĐ ĐT còn phải có trách nhiệm khảo sát khả năng các đội viên, nâng đỡ và
khuyến khích các đội viên kém cỏi, tưởng thưởng các đội viên giỏi trong Đội.
Với cương vị là một huấn luyện viên, người TĐ ĐT cần hội đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có tinh thần cầu tiến, luôn học hỏi và
trao dồi kiến thức, khả năng lãnh đạo.
- Nhẫn nại khi học hỏi và nhẫn nại khi
hướng dẫn.
- Luôn chu toàn bổn phận và quyết tâm
hướng dẫn đội mình được tiến triển, nổi bật về mọi mặt.
- Sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm khi được
giao phó và hướng dẫn cả Đội hoàn thành trách nhiệm cách chu đáo.
BÀI
10: TỔ CHỨC ĐỘI VÀ HUẤN LUYỆN
I. DẪN NHẬP
Trong hoàn cảnh hiện tại các Giáo xứ trong Giáo Phận, quan điểm về Tông
Đồ Đội Trưởng còn nhiều khác biệt giữa nơi này với nơi khác, người này với
người khác. Nhưng thực chất đều quy hướng về việc giáo dục Thiếu Nhi theo
phương pháp hàng đội tự trị, cũng cố nề nếp trong Đoàn và tạo nên một lớp Dự bị
trưởng có khả năng chuyên môn đáp ứng cho nhu cầu cũng cố lực lượng Giáo Lý
Viên trong tương lai.
Với việc nhìn nhận về vai trò của
Tông Đồ Đội Trưởng cũng như cách áp dụng Tông Đồ Đội Trưởng của một số Giáo xứ
trong Giáo Phận cho thấy có hai “trường phái” đang nổi bật:
- Trường phái 1: Tông Đồ Đội Trưởng là những Thiếu Nhi
được sinh hoạt tập trung, nhằm giúp các em hòa hợp với môi trường rèn luyện,
sống tinh thần đội. Sinh hoạt dẫn tới niềm đam mê đến với ơn gọi Giáo Lý Viên.
Chủ yếu mục tiêu của trường phái này là đào tạo lớp Dự bị trưởng thay thế. Vì
thế Thiếu Nhi được huấn luyện chung không phân ngành.
- Trường phái 2: Tông Đồ Đội Trưởng là những Thiếu Nhi
được tuyển chọn đặc biệt để trở thành trợ thủ đắc lực cho các Huynh Trưởng
trong việc quản lý, tổ chức, sinh hoạt của các Đội trong các ngành. Mục tiêu
của trường phái này là đào tạo những anh cả chăm lo đời sống sinh hoạt cho các
phân ngành trong Đoàn, ngoài ra còn tạo lớp Dự bị trưởng thay thế. Vì thế Thiếu
Nhi được huấn luyện theo phân ngành, theo vai trò. Với trường phái này, vai trò
của người Huynh Trưởng sẽ nhẹ nhàng hơn vì các Tông Đồ Đội Trưởng đã một phần
chia sẽ một phần gánh nặng.
Theo mỗi cách áp dụng thì việc tổ
chức huấn luyện cũng như chọn lựa, vai trò của Tông Đồ Đội Trưởng sẽ khác nhau.
Nhưng rõ ràng dù theo trường phái nào thì người Tông Đồ Đội Trưởng đều phải
được huấn luyện tối thiểu về kỹ năng, kiến thức và bản lãnh đủ để điều hành
Đội. Hiện tại Giáo xứ Kim Long chúng ta thực hiện theo trường phái thứ hai nên
trong cuốn sách này anh xin nói đến việc Huấn luyện Tông Đồ Đội Trưởng theo
trường phái này.
III. TIẾN TRÌNH HUẤN LUYỆN.
- Huấn luyện Tông Đồ Đội Trưởng là bước
khởi đầu và căn bản cho việc tổ chức và giáo dục Thiếu Nhi. Theo phương pháp
hàng đội, việc huấn luyện Tông Đồ Đội Trưởng nên theo tiến trình sau:
1. Thành lập Đội kiểu mẫu:
v Đội kiểu mẫu là gì?
Đội kiểu mẫu là một nhóm những em được tuyển
lựa trong các lớp giáo lý, được huấn luyện kĩ càng trước để sẽ là những người
giữ vai trò Tông Đồ Đội Trưởng, làm nòng cốt cho Đoàn sau này.
Đây là việc làm đầu tiên mà Đoàn
phải thực hiện được khi mới bắt đầu áp dụng Tông Đồ Đội Trưởng. Đội kiểu mẫu là
yếu tố quyết định đến khả năng tiếp tục áp dụng Tông Đồ Đội Trưởng trong những
năm tiếp theo hay không. Chính vì thế cần phải xác định được đúng đối tượng để
thành lập Đội kiểu mẫu. Chẳng hạn nếu ban đầu sử dụng các em ngành Ấu để lập
đội kiểu mẫu thì chắc chắn sự vững chắc và chuyên môn sẽ không đáp ứng được yêu
cầu đặt ra.
v Lợi ích của Đội kiểu mẫu
Tổ
chức huấn luyện Đội kiểu mẫu là trực tiếp cho trẻ và các Huynh trưởng làm quen
với phương pháp hàng đội, một phương pháp tổ chức giáo dục thiếu nhi hiệu quả
để phát huy hết năng lực của trẻ, được phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể sử dụng
trong việc điều hành Đoàn, đã mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp.
Huấn luyện Đội kiểu mẫu rất có lợi cho
việc điều hành Đoàn, vì khi các em được huấn luyện kỹ càng sẽ có thể chia sẻ
công việc điều hành Đoàn, đảm trách việc điều khiển Đội. Công việc chung trở
nên nhẹ nhàng, vui vẻ và các em sẽ trưởng thành hơn.
Huấn
luyện Đội kiểu mẫu tốt, theo đúng đường lối của phong trào sẽ có được những
Tông Đồ Đội Trưởng năng động, tích cực như thế là chúng ta đã chuẩn bị cho đội
ngũ kế thừa sau này vì các em Đội trưởng thành thạo trong công việc điều khiển
đội thì nhất định sẽ là một Huynh trưởng giỏi trong tương lai.
Việc giáo dục trẻ là
công việc thường xuyên và kéo dài nhiều năm tháng. Thực hiến đúng mục đích của
phong trào là đào luyện các em trở thành những con người kiện toàn và những
Kytô hữu hoàn hảo, chúng ta không thể vội vàng, làm cho có hình thức. “Dục tốc
bất đạt”, nguyên tắc giáo dục cho trẻ là kiên nhẫn, tiệm tiến và vui tươi.
a. Chọn lựa.
Việc chọn lựa có thể tiến hành theo
nhiều cách. Thực tế cho thấy, mỗi cách đều có ưu và khuyết điểm riêng. Nhưng
không nên cực đoan, đặt nặng về hình thức hay mô hình tổ chức: phải là cách này
hoặc cách khác. Vấn đề cần quan tâm là tùy hoàn cảnh từng nơi, từng thời điểm
để chọn lựa cách huấn luyện sao cho có hiệu quả giáo dục và hiệu quả tổ chức.
Đối với Giáo xứ chúng ta việc lập Đội kiểu mẫu phải đáp ứng được tạo cho các em
có sự tự tin vào bản thân cũng như yêu mến Đoàn. Vì vậy Gx chúng ta đã lập Đội
kiểu mẫu theo cách dùng tất cả các em thuộc ngành Nghĩa sĩ làm nền tảng và sinh
hoạt lâu dài.
b. Tiến trình
- Lên kế hoạch tạo một chiến dịch sinh
hoạt dài hạn 3 – 4 tháng.
- Chiến dịch này sẽ huấn luyện cho các em
một số kỹ năng như nghiêm tập, nút dây, sinh hoạt vòng tròn, thi đua trò chơi,…
với các em hằng tuần để tạo sự hứng thú cho các em. Việc này sẽ giúp phát hiện
ra những em tích cực thông qua sự chuyên chăm tham dự các buổi sinh hoạt cũng
như trụ vững trong 3 -4 tháng này để trở thành Tông Đồ Đội Trưởng cho năm tiếp
theo.
- Tập họp các em thuộc ngành đã lựa chọn,
phổ biến cho các em biết ý định thành lập Đội kiểu mẫu( tùy vào hoàn cảnh của
từng Giáo xứ mà việc chọn ngành làm Đội kiểu mẫu sẽ khác nhau. Nhưng thông
thường thì nên chọn ngành Thiếu hoặc Nghĩa để thực hiện).
- Chia ngành đã được chọn lựa thành nhiều
Đội( tùy vào số lượng các em). Mỗi Đội từ 8 – 10 em. Mỗi Đội chọn ra một Đội
trưởng, một Đội phó và một Thư ký – Thủ quỹ.
- Mỗi Đội sẽ được một Dự trưởng hoặc một
Huynh trưởng nắm Đội( Tông Đồ Đội Trưởng kiểu mẫu)
- Các Tông Đồ Đội Trưởng kiểu mẫu sẽ là
người hướng dẫn các kỹ năng chuyên môn cho các Đội.
- Cần tạo sự thi đua giữa các Đội với
nhau. Có thể mỗi tháng sẽ trao cờ danh dự cho một Đội xuất sắc nhất thông qua
các bài kiểm tra nghiêm tập, nút dây,… hay Đội dành chiến thắng trong các trò
chơi thi đua mà Đoàn đưa ra.
- Sau khi kết thúc chiến dịch, tổ chức một
Sa mạc huấn luyện Tông Đồ Đội Trưởng để chọn ra các em có ước muốn cũng như khả
năng trở thành Tông Đồ Đội Trưởng thay thế các anh chị Dự trưởng hoặc Huynh
trưởng vào năm sau để nắm ngành của mình và những ngành thấp hơn.
- Sa mạc sẽ giúp các em sống hoàn hảo cuộc
sống Đội, học tập thêm các kỹ năng chuyên môn còn thiếu cũng như hiểu rõ hơn
vai trò của một Đội kiểu mẫu, của một người Tông Đồ Đội Trưởng.
2. Thăng tiến Đoàn sinh và huấn luyện Tông
Đồ Đội Trưởng.
Sau khi đã có được một Đội kiểu mẫu
cũng như một lớp Tông Đồ Đội Trưởng hoàn thiện thì Đoàn cần tiếp tục thực hiện
hai khóa thăng tiến để có thể duy trì Đoàn.
- Khóa thăng tiến Đoàn sinh: mở rộng sinh
hoạt Đội sang hai ngành Ấu và Thiếu. Đưa các TĐĐT vừa được tuyển chọn vào nắm
các Đội Ấu và Thiếu.
- Khóa thăng tiến
Tông Đồ Đội Trưởng: huấn luyện cho các Tông Đồ Đội Trưởng về cách nắm Đội, quản
trò, đặc biệt là khả năng hướng dẫn các kỹ năng chuyên môn. Vì nhiệm vụ của một
người Tông Đồ Đội Trưởng theo trường phái này là: hướng dẫn Đoàn sinh các kỹ
năng chuyên môn sinh hoạt – nhiệm vụ mà trước giờ đè nặng trên vai các Huynh
trưởng( Tông Đồ Đội Trưởng Nghĩa), nắm Đội và cũng cố nề nếp Đội( Tông Đồ Đội
Trưởng Ấu và Thiếu).
a. Thăng tiến Tông Đồ Đội Trưởng.
- Sau chương trình sinh hoạt Đội kiểu mẫu
cũng như khóa Sa mạc chắc chắn chưa đủ để các Tông Đồ Đội Trưởng có thể đủ khả
năng đảm trách nhiệm vụ của mình. Vì thực chất hai điều trên chỉ hướng tới việc
chọn lựa cũng như định hướng ơn gọi cho các em. Vì vậy sau khóa Sa mạc cần có
một khóa thăng tiến dành riêng cho các Tông Đồ Đội Trưởng để điều khiển các Đội
ngành Ấu và Thiếu trong năm tiếp theo.
Nội dung huấn luyện:
- Thành thạo các kỹ năng chuyên môn: đặc
biệt là nghiêm tập.
- Thuật điều khiển Đội: vai trò, nhiệm vụ
Đội trưởng, phân công, hành chánh, cách họp Đội, kỹ năng dạy khóa, sinh hoạt,….
- Cách thực hiện nếp sống đạo đực cho Đoàn
sinh: cách thực hiện hoa thiêng, chầu Thánh Thể, Chia sẻ Lời Chúa….
- Bước vào năm thứ hai, đan xen với
chương trình thăng tiến Đoàn sinh là chương trình thăng tiến Tông Đồ Đội Trưởng
các ngành. Tông Đồ Đội Trưởng ngành Nghĩa vừa được tuyển chọn sẽ hướng dẫn thực
hiện chương trình thăng tiến Đoàn sinh cho cả ba ngành. Kết thúc một năm thăng
tiến cần có một Sa mạc huấn luyện Tông Đồ Đội Trưởng để tổng kết khóa.
b. Thăng tiến Đoàn sinh:
- Cần đề ra một chương trình sinh hoạt cho
các ngành trong năm học mới đan xen với chương trình học Giáo lý.
- Chương trình sinh hoạt thăng tiến Đoàn sinh
cần dựa vào chương trình thăng tiến Tông Đồ Đội Trưởng. Vì các Tông Đồ Đội
Trưởng là những người sẽ nắm và hướng dẫn sinh hoạt cho các Đội. Nếu chương
trình nằm ngoài khả năng các Tông Đồ Đội Trưởng thì việc thăng tiến của chúng
ta xem như vô nghĩa.
- Chương trình thăng tiến này nên có sự
liên tục từ ngành này sang ngành khác, nâng cao dần và không có sự lặp lại giữa
các ngành.
Nội dung huấn luyện( áp dụng trong Gx Tùng
Nghĩa):
Đội Ấu
Ø Hiệu lệnh tập họp: khẩu hiệu, thủ
hiệu, hiệu lệnh còi.
Ø Các thế đứng trong nghiêm tập( có
cờ và không cờ).
Ø Cách chào của Thiếu Nhi Thánh Thể(
có cờ và không cờ).
Ø Tập họp Đội:
hàng ngang, hàng dọc, vòng tròn( có cờ và không cờ).
Ø So hàng và trình diện( có cờ và
không cờ).
Ø Các bài ca
ngành: Ấu Nhi ca, Kinh Đội Trưởng, Lời Nguyện Tông Đồ,…
Đội Thiếu
Ø Ôn tập nội dung huấn luyện ngành
Ấu.
Ø Đội hình tập họp chữ U( có cờ và
không cờ).
Ø Tổ chức Đội – các chức vụ – nhiệm
vụ.
Ø Sổ sách hành chánh.
Ø Họp Đoàn – Họp Đội
Ø Cách làm hoa thiêng.
Ø Các nút dây căn bản dùng trong lều
trại.
Ø Mật thư căn bản
Ø Bài ca ngành.
Đội Nghĩa.
Ø Ôn tập nội dung huấn luyện ngành
Thiếu.
Ø Gửi và nhận More
Ø Hệ thống mật thư và mật thư Thánh
Kinh.
Ø Nút dây: lều trại, bộ nút nối, bộ
nút neo – treo – kéo.
Ø Dựng lều.
Ø Lãnh nhận Lời Chúa
Ø Kỹ năng quản trò, quản ca, kể
chuyện.
Những bài tiếp theo chúng ta cùng nhau học
tập một số nội dung huấn luyện ở trên.
A. Định nghĩa :
Hành chánh là yếu tố
cần có đủ của một tổ chức để sinh hoạt, liên lạc và tồn tại lâu dài. Trong
Phong Trào Thiếu Nhi: Hành chánh giúp Phong Trào thông báo, truyền đạt đường
lối từ Trung Ương đến Địa Phương. Do đó, hành chánh phải giống nhau từ gốc đến
ngọn.
B. Sự quan trọng của Hành Chánh
1. Tạo sự liên lạc từng cơ cấu với nhau
2. Thống nhất đường lối từ trên xuống
3. Thông hiểu nhu cầu để bổ túc cho nhau
4. Ghi nhận ưu khuyết điểm để thăng tiến
và sửa đổi
C. Hành Chánh cần có của Đội
1. Danh Sách Đội
- Tên, địa chỉ, điện thoại, tên phụ huynh
- Khả năng, học vấn...
- Đội trưởng
2. Sổ Điểm Danh
- Theo dõi tình hình đi sinh hoạt của đoàn
sinh
- Đội phó
3. Bó Hoa Thiêng
- Phương pháp nên thánh
- Đội phó
4. Sổ Đội
- Ghi tổ chức của đội
- Theo dõi chương trình sinh hoạt hàng
tuần
- Thư ký
5. Sổ Quỹ:
- Tài chánh chi thu
- Thủ quỹ
6. Sổ Tay Đội Trưởng
- Ghi các buổi họp Đội
- Ghi điều mới lạ học hỏi được
- Ghi nhận xét để xây dựng
III. SỔ SÁCH ĐỘI
1. SỔ DANH SÁCH:
Hướng dẫn : Đội Trưởng hoặc Đội Phó phải
ghi đầy đủ :
+ Tên thánh, họ và tên của đội viên mình,
năm sinh.
+ Cấp bậc : tập sự hay chính thức.
+ Chức vụ : ĐT, Đội phó, Thư ký, Thủ quỹ,
Quản trò, quản ca…
+ Văn hoá : ghi lớp của đội viên đang học
tại trường.
+ Nhập đội : ghi ngày vào Đội.
2. SỔ LÝ LỊCH :
Đội Trưởng phải nắm vững danh sách trong
Đội. Để thực sự quan tâm đến các em được Đoàn giao, Đội Trưởng sẽ ghi chú về
từng em (nhưng chỉ mình Đội Trưởng biết mà thôi) trong sổ lý lịch. Đội Trưởng
nên ghi lý lịch của mỗi đội viên vào một trang tập với những nội dung sau đây :
SỔ LÝ LỊCH ĐỘI VIÊN
1. Tên thánh: ...Họ và tên:
2. Sinh ngày: tại:
3. Con Ông : nghề nghiệp
4. Và Bà : nghề nghiệp
5. Thường trú: ĐT :
6. Rửa tội ngày : Tại :
7. Rước lễ lần đầu ngày: Tại :
8. Thêm sức ngày: Tại :
9. Đang học lớp : Kết quả học tập :
10. Ngày gia nhập Đội : Chức vụ trong Đội
:
11. Ngày tuyên hứa :
12. Đã dự trại huấn luyện : Tại :
13. Khả năng hiện có :
14. Sở thích :
15. Tình trạng gia đình:
16. Thành tích đặc biệt :
17. Thuộc Giáo xứ: Hạt:
3. SỔ PHÂN CÔNG :
Sau một thời gian sinh hoạt, Đội
Trưởng sẽ để ý đến tinh thần, khả năng và điều kiện của từng em trong Đội để
phân công, phân nhiệm cho chính xác và hiệu quả. Đây là lúc các Đội Trưởng áp
dụng phương pháp hàng Đội một cách triệt để. Tuyệt đối không được phân công dựa
trên cảm tính và phải hoàn toàn tin tưởng vào đội viên của mình. Các chức vụ
được phân nhiệm phải thật đúng người. Có như thế khả năng thăng tiến của Đội sẽ
rất cao.
Ví dụ : Giao trách nhiệm điểm danh
cho Đội Phó mà em này không có điều kiện để sinh hoạt thường xuyên, là người
hay vắng mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần chung của cả đội.
4. SỔ ĐIỂM DANH :
Ghi chú: Hiện diện ghi dấu : +, vắng
có lý do : v; vắng không lý do : 0. Để tiện việc thăm hỏi, động viên đội viên
của mình, lý do vắng Đội Trưởng nên ghi chép vào sổ tay của mình như sau :
5. SỔ TÀI CHÁNH :
Mỗi cuối tháng, Thủ quỹ và Đội
Trưởng phải trình sổ lên Đoàn Trưởng xác nhận. Người chịu trách nhiệm về tài
chánh phải có tính trung thực và thẳng thắn.
Ngoài ra Thủ quỹ chịu trách nhiệm về
những dụng cụ chung của Đội như : lều, dây, cọc, gậy…. Và cũng báo cáo tình
trạng dụng cụ Đội hàng tháng.
7. BIÊN BẢN HỌP ĐỘI :
Thư ký Đội chuẩn bị một cuốn tập để ghi
lại các buổi họp Đội theo mẫu sau :
Buổi họp Đội ngày :……………………………………
1- Tập họp hình tròn.
2- Kinh khai mạc: Làm
dấu, đọc kinh dâng ngày. Xướng đáp 2 lần câu:
X: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Đ: Chớ gì Nước Chúa trị đến.
3- Ý cầu nguyện trong tháng:…
4- Đội Trưởng nhắc nhở : tháng này các em
cố gắng không đùa giỡn trong nhà thờ
5- Tình hình Đội : có một số em hay vắng,
có một số xích mích nhỏ phải được giải quyết…
6- Học tập : Giáo lý, Phong Trào..
7- Sinh hoạt : bài hát mới, trò chơi, băng
reo…
8- Cầu nguyện đặc biệt cho em…. có ba đang
bệnh nặng.
9- Linh tinh :
10- Kinh bế mạc: Làm dấu, đọc Kinh
Sáng Danh.
- X: Lạy Trái tim vẹn
sạch Đức Bà Maria.
- Đ : Cầu cho chúng con.
+ Hát : Ca tạm biệt.
+ Hô khẩu hiệu Đội, chào nhau và giải tán.
8- SỔ HOA THIÊNG :
Các việc đạo đức gồm có : dâng ngày, dự
lễ, rước lễ, viếng Chúa, kinh mân côi, hy sinh, nguyện tắt, việc tông đồ. Mỗi
Đội viên đều phải thực hiện sổ hoa thiêng. Cuối tháng Đội Trưởng cộng chung các
tuần và nộp cho Đoàn Trưởng để làm phúc trình.
Tất cả những sổ sách kể trên phải được ghi
rõ số trang, viết rõ ràng, không ai được quyền xé bỏ bất cứ trang nào, nhất là
sổ tài chánh và dụng cụ. Các sổ này mỗi tháng sẽ được Đoàn Trưởng phê nhận và
Cha Tuyên Úy hay Hộ Úy kiểm nhận.
- Đội Trưởng phải làm và chịu trách nhiệm
về sổ danh sách và sổ lý lịch.
- Thư ký thực hiện Sổ biên bản họp đội.
- Thủ Quỹ thực hiện và giữ Sổ Tài Chánh và
Sổ Dụng Cụ. Phải thường xuyên kiểm tra để ghi nhận chính xác và đầy đủ vào Sổ.
- Đội Phó chịu trách nhiệm về Sổ hoa
thiêng.
BÀI
12: HỌP ĐỘI – HỌP CHI ĐOÀN
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dùng các
buổi hội họp là môi trường chính cho công việc giáo dục đoàn sinh.
- Là thành viên của Phong Trào Thiếu
Nhi Thánh Thể, các bạn phải tham dự các buổi Họp Đội, Chi Đoàn, Phân Đoàn, Xứ
Đoàn để học tập, sinh hoạt, gây tinh thần đoàn thể.
- Bất cứ buổi họp nào cũng cần phải
có nội dung, tức là phải có chuẩn bị trước, tinh thần buổi họp phải dân chủ,
thân ái, đạo đức, vui tươi, sinh động.
- Phải bắt đầu và kết thúc đúng giờ.
Sinh hoạt Đội, Chi Đoàn… hàng tuần là hình
thức sinh hoạt thường xuyên để huấn luyện Đoàn sinh theo chương trình Thăng
Tiến. Đối với các em Ngành Ấu, họp Chi Đoàn mang lại nhiều hiệu quả hơn là họp
Đội. Cịn cc Ngnh khc, họp Đội lại đóng vai trị quan trọng hơn
I. Chương trình Họp Đội :
1. Chủ tọa : Đội trưởng
2. Tập họp – điểm danh – đọc kinh đầu giờ
– đọc một đoạn Lời Chúa. Xướng đáp 2 lần câu :
Xướng : Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Đáp : Chớ gì Nước Chúa trị đến.
3. Các Đội viên báo cáo kết quả những công
việc mình lnh nhận trong tuần – việc nào xong – việc nào chưa xong? – việc nào
cần giúp đỡ.
4. Đội trưởng nhận xét chung các công việc
trong tuần – khen đội viên hoàn thành nhiệm vụ – nhắc nhở, đôn đốc những công
việc đang cịn dở dang.
5. Ôn hoặc học : Gio lý, Thnh Kinh, Nội
Quy, nghi thức, chuyên môn. Rèn luyện các kỷ năng . …v.v…
6. Chơi một trị chơi, hoặc tập một bài hát
7. Linh tinh : phân chia công tác cho các
đội viên, Thực hiện Bó Hoa Thiêng
8. Bế mạc: Đội trưởng nhắn nhủ ý chỉ cầu
nguyện trong tuần.
9. Làm dấu, đọc Kinh Sáng Danh. Xướng đáp
1 lần :
Xướng : Lạy Trái tim vẹn sạch Đức Bà Maria.
Đáp : Cầu cho chúng con.
10. Ca tạm biệt. Hô khẩu hiệu Ngành,
chào nhau và giải tán.
Chương trình họp đội có thể thực hiện mỗi
tuần một lần, tuỳ theo yêu cầu công việc và quy định riêng của đội.
II. Chương trình Họp Chi Đoàn :
Họp chi đoàn ngày nay chính là một buổi
sinh hoạt gio lý tại các giáo xứ, trong buổi họp này, người điều khiển chương
trình chính l cc anh chị Huynh trưởng chịu trách nhiệm chi đoàn ( lớp ) đó.
Trong các buổi họp bao gồm 2 hình thức sinh hoạt :
Định kỳ :
- Là các buổi học giáo lý, người Huynh
trưởng khéo léo chuyển tải đến cho các em nền tảng đức tin ( giáo lý) nhân bản
và các khả năng theo chương trình Thăng tiến đã vạch sẵn.
- Là các buổi sinh
hoạt theo quy định, giúp các em giảm tải việc học và tạo điều kiện cho các em
hội nhập – liên kết – kết thân với nhau.
Bất định kỳ :
- Là những buổi gặp gỡ ngoài chương trình
nhằm thực hiện một chiến dịch thi đua nào đó.
- Là những buổi tổ chức xuất du, nhằm thay
đổi môi trường tạo cho các em thật sự vui tươi – làm quen với x hội.
Một buổi họp chi đoàn thường theo thứ tự
như sau :
1. Chủ tọa :
Chi đoàn trưởng, (có thể mời Phân đoàn trưởng tham dự)
2. Tập họp – đọc kinh dâng ngày – đọc một
đoạn Lời Chúa – Xướng đáp 2 lần câu :
Xướng : Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Đáp : Chớ gì Nước Chúa trị đến.
3. Hát : Bài Ca Ngành
4. Các Đội Trưởng báo cáo sĩ số, nu r lý
do vắng.
5. Hát : Bài hát mới.
6. Ôn hoặc học : Giáo
lý, Thánh Kinh, Nội Quy, nghi thức, chuyên môn.
Trò chơi –
băng reo – vũ điệu …v.v..
7. Linh tinh : phân chia công tác cho các
đội. Nhắc qua những Lễ trong tuần. Phát Bó Hoa Thiêng.
8. Bế mạc : Trưởng nhắn nhủ ý chỉ cầu
nguyện trong tháng.
9. Làm dấu, đọc Kinh Sáng Danh. Xướng đáp
1 lần :
Xướng : Lạy Trái
tim vẹn sạch Đức Bà Maria.
Đáp : Cầu cho chúng con.
10. Hát : Ca tạm biệt. Hô khẩu hiệu
Ngành, chào nhau và giải tán.
BÀI 13: THỰC HIỆN
HOA THIÊNG
A. BÓ HOA THIÊNG
1. Bó Hoa Thiêng là một trong những phương
pháp giáo dục độc đáo của Phong Trào để giúp Thiếu Nhi sống bốn khẩu hiệu: Cầu
Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, Làm Việc Tông Đồ
2. Bó Hoa Thiêng là một phương pháp giáo
dục siêu nhiên giúp Thiếu Nhi sống Ngày Thánh Thể, sống kết hiệp với Chúa Giêsu
qua tác động Dâng Ngày, Dâng Đêm và các việc lành như Đọc Kinh Thánh, Cầu
Nguyện, Lần Hạt, Rước Lễ Thiêng Liêng, v…v… đến giờ phút cao điểm nhất là Thánh
Lễ và Rước Lễ.
3. Ba việc làm của người Thiếu Nhi Thánh
Thể mỗi ngày không thể thiếu xót là: Dâng Ngày, Rước Lễ Thiêng Liêng và Dâng
Đêm.
4. Bó Hoa Thiêng là một phương thế kiểm
điểm đời sống, một lối tu đức khi nhìn lại đời sống của mình. Thực hiện Bó Hoa
Thiêng giúp ta xét mình, ăn năn tội, dâng tất cả mọi việc tốt lành lên Chúa và
tất cả những khuyết điểm, thiếu xót để xin Chúa tha thứ và bổ sức.
5. Bó hoa thiêng là một phương pháp nên
thánh của người Thiếu Nhi Thánh Thể.
B. CHIẾN DỊCH BÓ HOA THIÊNG
1. Phát Động Chiến Dịch Bó Hoa
Thiêng
Chiến Dịch Bó Hoa
Thiêng là một phương thế giúp cho Thiếu Nhi tập các đức tính tốt, giúp cho Đoàn
Thiếu Nhi thăng tiến về mặt đạo đức.
Khi phát động
chiến dịch Bó Hoa Thiêng, nên đặt tên cho mỗi chiến dịch:
- Chiến Dịch Chuỗi Mân Côi
- Chiến Dịch Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn
- Chiến Dịch Một Món Quà Cho Chúa Hài Đồng
- Chiến Dịch Một Bông Hoa Cho Mẹ…
Khi phát động
chiến dịch, đừng bắt các em phải làm nhiều việc một lúc nhưng phải biết phân
chia, chọn lọc cụ thể tùy theo mùa phụng vụ và mục đích của chiến dịch bó hoa
thiêng.
2. Thời Gian Phát Động Chiến Dịch Bó
Hoa Thiêng
Nên phát động bó hoa
thiêng trong:
Các dịp lễ lớn
- Lễ Mình Máu Thánh Chúa (Rước Lễ)
- Lễ Giáng Sinh (Viếng Chúa)
- Lễ Phục sinh (Hy Sinh)
Các biến cố quan trọng:
- Bổn Mạng Đội.
- Bổn Mạng Đoàn.
Theo Mùa Phụng Vụ
- Mùa chay (Hy Sinh)
- Mùa Giáng Sinh (Việc Lành)
Theo tháng của Chương Trình Sinh
Hoạt
- Tháng 9: Ghi
danh Dâng Ngày, Rước Lễ Thiêng Liêng, Dâng Đêm
- Tháng 10: Tháng Mân Côi Lần Hạt
- Tháng 11: Tháng các Linh Hồn Cầu cho các
Linh Hồn
- Tháng 12: Giáng Sinh Việc Lành
- Tháng 1: Đầu năm Cầu Nguyện
- Tháng 2: Rước Lễ
- Tháng 3: Mùa Chay Hy Sinh
- Tháng 4: Mùa Phục Sinh Làm Việc Tông Đồ
- Tháng 5: Tháng Hoa Lần Hạt
- Tháng 6: Thánh Tâm Rước Lễ
- Tháng 7: Nghỉ hè Tham dự Thánh Lễ
- Tháng 8: Nghỉ hè Tham dự Thánh Lễ
3. Tổng kết chiến dịch Bó Hoa
Thiêng.
Điểm quan trọng mỗi
khi phát động chiến dịch Bó Hoa Thiêng là phải:
1. Theo dõi
2. Thúc đẩy
3. Đúc kết
4. Khen thưởng
4. Của lễ Bó Hoa Thiêng
_ Cuối mỗi chiến Dịch Bó Hoa
Thiêng, Thủ Quỹ nên tổng kết Quỹ Hoa Thiêng đã thực hiện được trong chiến dịch
vừa qua và ghi vào mẫu Bó Hoa Thiêng Đoàn.
_ Trong
Thánh Lễ của tuần kết thúc chiến dịch Bó Hoa Thiêng, một em Thiếu Nhi sẽ dâng
Bó Hoa Thiêng Đoàn trong lúc dâng của lễ.
_ Bó Hoa
Thiêng của Đoàn được dâng trong Thánh Lễ như một Của Lễ Thiêng Liêng góp phần
vào Hiến Tế Hy Sinh của Anh Cả Giêsu tiến dâng lên cho Chúa Cha.
C. BÓ HOA THIÊNG THEO PHƯƠNG PHÁP HÀNG ĐỘI
Các mẫu Hoa thiêng dưới đây
được soạn thảo với chiều hướng áp dụng Phương Pháp Hàng Đội cho cả Đoàn và có
thể biến hoá để dùng cho Liên Đoàn, Miền và lên tới Trung Ương.
Để đạt được mục đích, mỗi
thành viên – Đoàn Sinh, Đội Trưởng, Chi Đoàn Trưởng, Ngành Trưởng và Thủ Quỹ –
phải làm đúng và tròn trách nhiệm của mình khi tổng kết Bó Hoa Thiêng mỗi
tuần.
5. Mẫu Hoa Thiêng Đoàn Sinh
Mỗi Đoàn Sinh sẽ dùng
mẫu Bó Hoa thiêng Đoàn Sinh để điền “Hoa thiêng” của mình mỗi ngày.
Khi kết thúc một tuần, Đoàn Sinh có trách
nhiệm tổng cộng mỗi mục bảy ngày và điền vào cột “Tổng Cộng” trước khi nộp lên
cho Đội trưởng.
6. Mẫu Hoa Thiêng Đội Trưởng
Đội Trưởng điền tên
và tổng số “Hoa Thiêng” của từng Đội Viên vào mỗi cột của mẫu Hoa Thiêng Đội.
Tổng cộng cho từng mục và điền vào
cột “Tổng Cộng” trước khi nộp lên cho Chi Đoàn Trưởng.
7. Mẫu Hoa Thiêng Ngành
Tông Đồ Đội Trưởng
ngành điền tên và tổng số “Hoa Thiêng” của từng Đội vào mỗi cột của mẫu
Hoa Thiêng Ngành.
Tổng cộng cho
từng mục và điền vào cột “Tổng Cộng” trước khi nộp lên cho Thủ Quỹ.
8. Mẫu Hoa Thiêng Đoàn
Thủ Quỹ Đoàn điền tên và tổng số
“Hoa Thiêng” của từng Ngành vào mỗi cột của mẫu Hoa Thiêng Đoàn
Tổng cộng cho từng mục và điền vào
cột “Tổng Cộng” trước khi dâng trong Thánh Lễ hay nộp lên cho Đoàn.
D. TÂM HỒN NHẬT KÝ
Tâm Hồn Nhật Ký có thể thay thế cho việc
làm Bó Hoa Thiêng.
Tâm Hồn Nhật Ký thích hợp cho ngành Nghĩa,
Hiệp Sĩ, Huynh Trưởng và Trợ Tá.
Tâm Hồn Nhật Ký viết lại những gì xẩy ra
trong ngày.
I. ĐẶC TÍNH
1. Liên tục
2.Trung thực
3. Riêng tư
4. Viết dưới ánh sáng Phúc Âm
II. CÁCH GHI
1. Ghi việc xẩy ra trong ngày với nhận xét
bằng cái nhìn Đức Tin
2. Kiểm điểm việc đạo đức trong ngày
3. Ghi lại một đoạn sách, thư
4. Lời cầu nguyện đơn sơ
III. LỢI ÍCH:
Khách quan:
- Giúp biết cuộc sống của con người
Chủ quan:
- Giúp kiểm điểm đời sống
- Giúp ghi nhớ việc xẩy ra
- Phương pháp hóa đời sống tâm hồn qua
việc góp nhặt hoa thơm cỏ lạ
- Giúp thấy sự hiện diện đầy yêu thương
của Chúa trong đời
- Giúp viết văn giỏi, diễn tả tư tưởng lưu
loát
- Giúp cập nhật hóa Đức Kitô nơi ta
KIẾN THỨC THÊM
HUẤN LUYỆN ĐỘI TRƯỞNG
Đội trưởng được học giáo lý, phong
trào và kỹ năng chuyên môn trước khi cùng học với đoàn sinh chi đoàn, giúp đội
trưởng hiểu biết hơn để có thể ôn tập cho đội sinh của mình.
Đoàn phó nội vụ có nhiệm vụ huấn
luyện đội trưởng. Các trưởng khác trong đoàn được phân công cộng tác theo khả
năng, hoàn cảnh và điều kiện thuận tiện nhất của từng người.
* Giờ Thánh Thể:
Thường được tổ chức vào tối Thư Năm
hoặc Chủ Nhật tuỳ hoàn cảnh của đoàn.
Đoàn trưởng, đoàn phó nội vụ và
trưởng phụ trách phụng vụ soạn và tổ chức.
Khi trưởng còn non yếu, việc tổ chức
Giờ Thánh Thể nên nhờ các trợ uý.
Trong giờ Thánh Thể hàng tuần, nên
giúp các em xét mình, sám hối và xưng tội, mỗi ngành xưng tội một tuần.
* Thực hiện hoa thiêng:
. Đoàn sinh thực hiện hoa thiêng cá
nhân hàng ngày, cuối tuần cộng góp cho đội trưởng.
. Các đội trưởng cộng hoa thiêng của
đội mình góp cho đoàn trưởng theo hệ thống Chi đoàn, Phân đoàn, Đoàn.
. Hoa thiêng của cả đoàn được góp
lại làm của lễ dâng trong Thánh lễ Chủ Nhật.
* Tuần liễm đoàn sinh:
. Mức góp tuần
liễm do ban Quản trị ấn định tuỳ hoàn cảnh của đoàn.
. Đội trưởng thu tuần liễm, nộp lên
đoàn theo hệ thống.
. Tỷ lệ phân chia cho đội, chi đoàn,
phân đoàn và đoàn do ban quản trị nghiên cứu và ấn định tuỳ hoàn cảnh của
đoàn.
. Hiện nay việc thu tuần liễm còn
gặp nhiều khó khăn, không nên bắt buộc khi hoàn cảnh chưa thuận tiện, nhưng cần
lưu ý: Việc thu tuần liễm nhắm vào mục đích giáo dục ý thức trách nhiệm xây dựng
đoàn là chính; gây quỹ là mục đích phụ.