Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

GIÁO LÝ VIÊN – ƠN GỌI ĐẶC BIỆT


Đã bao giờ bạn tự hỏi "Mình là Giáo viên bởi do đâu?" Đó phải chăng là sở thích cá nhân, sự nhiệt tâm, tài năng riêng của bản thân, hay từ đâu ra??
Các bạn Giáo Lý Viên thân mến ! Như các bạn đã biết, trong Hội Thánh, mỗi tín hữu được Chúa Thánh Thần mời gọi một cách riêng để góp phần vào việc làm cho Nước Thiên Chúa mau đến. Và trong bậc Giáo Dân cũng có nhiều ơn gọi khác nhau hay nhiều cách thế hoạt động Tông Đồ khác nhau miễn sao phù hợp với khả năng của mỗi người.
Ơn gọi Giáo Lý Viên không ngoài số đó, một ơn gọi khó định hướng và xếp loại, vì nó không những bắt nguồn từ Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, mà còn do lời mời gọi cách đặc biệt của Chúa Thánh Thần, một đặc sủng riêng được Giáo Hội nhìn nhận và ủy quyền sứ vụ tiếp nối việc loan báo Tin Mừng Chúa Ki-tô cho mọi người, đặc biệt là các em nhỏ, những người tín hữu tí hon đã được gieo mầm Đức Tin qua Bí Tích Rửa Tội, nhưng chưa đủ sâu để phát triển và trưởng thành niềm tin của mình. Thế nhưng, khi được mời gọi, có mấy ai dám mạnh dạn đáp trả như Ngôn Sứ I-sai-a: “Này con đây, xin hãy sai con” ( Is 6, 8 ). Có thể bạn sẽ biện minh là mình không xứng đáng, hay không có khả năng để trở thành một Giáo Lý Viên cho Chúa và Giáo Hội.
Vâng, bạn lo lắng là thế, băn khoăn là thế nhưng các bạn thử gẫm lại xem: ai trong chúng ta có đủ điều kiện, ai trong chúng ta là ngườii có đủ khả năng để làm người hứơng dẫn người khác học hỏi về Giáo Lý của Chúa, ai trong chúng ta là ngườii xứng đáng được tham gia vào tác vụ Tông Đồ để gieo trồng và phát triển Hội Thánh của Chúa Ki-tô. Nhưng chúng ta có quyền tin tưởng rằng, chúng ta sẽ làm được tất cả trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta ( x. Pl 4,13 ).
Hẳn các bạn đã đọc hoặc đã nghe câu chuyện kể về ông Mô-sê khi đuợc Thiên Chúa mời gọi, trao nhiệm vụ, hay nói đúng hơn là khi ông được Chúa truyền đi đến gặp Pha-ra-ô, thuyết phục ông vua ấy phải để cho con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai Cập. Ông Mô-sê hình dung ra thế nào ông vua kia cũng đùng đùng nổi giận, quát mắng – vì ông sẽ mất đi những công dân nước ngoài làm việc chăm chỉ với giá rẻ như bèo – vì thế ông Mô-sê đã cố gắng đưa ra những lý do để thoái thác trách nhiệm nặng nề ấy, bằng cách lần lượt đưa ra những chứng cớ: “Chúa coi, tôi là ai mà dám đi gặp Pha-ra-ô”, nào là: “Tôi là người ăn nói không được dễ dàng, không văn hoa làm sao vua Pha-ra-ô chịu nghe tôi”; thậm chí ông còn thưa với Chúa rằng: “Chúa ơi, xin xá lỗi cho con, xin Chúa sai ai đi làm môi giới thì sai, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi... Xin Chúa hãy sai A-ha-rôn anh con, anh ấy ăn nói hay hơn con nhiều” ( Xh 4, 10 – 13 ). Nhưng Đức Chúa đã trấn an ông bằng lời hứa: “Ta sẽ ở với ngươi, Ta sẽ đặt lời ta vào miệng ngươi, và ta sẽ chỉ cho ngươi biết những gì ngươi phải làm” ( Xh 4, 15 ). Kể từ đó, ông an tâm, mạnh dạn cùng với anh mình là A-ha-rôn lên đường thi hành sứ vụ.
Hay như ngôn sứ I-sai-a cũng thế, khi ông đang ở trong Giê-ru-sa-lem đuợc Thiên Chúa bày tỏ cho thấy thị kiến; khi phải đối diện với vinh quang của Thiên Chúa , ông thấy mình bất xứng: “Khốn thân tôi, tôi chết mất ! Vì tôi là một người môi miệng ô uế ! Làm sao tôi có thể nói nhân danh Đấng Thánh được ?” ( Is 6, 1 – 8 ) Khi đó, thần sứ Xê-ra-phim bay về phía ông, tay cầm một hòn than hồng gắp từ bàn thờ và đưa hòn than ấy chạm vào môi miệng ông . Và thế là mọi vấn đề đã được giải quyết, ông đã quảng đại đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa: “Dạ, con đây, xin Người sai con đi” ( Is 6, 8 ).
Hay như Mẹ Ma-ri-a cũng vậy. Mẹ cũng có thể nhõng nhẽo với thần sứ Gáp-ri-en: Thôi ! Xin tha cho cháu, vì cháu vừa mới đính hôn với chàng Giu-se, người đẹp trai nhất làng này, chúng cháu đang tính chuyện đám cưới rồi. Xin Ngài hãy mời người khác, trong làng này còn ối người khôn ngoan, giỏi dang hơn cháu và chưa có ai “sờ đến”. Nhưng không, khi chưa biết thánh ý của Thiên Chúa, Mẹ còn lưỡng lự, nhưng khi hay Chúa muốn Mẹ cộng tác vào chương trình cứu độ của Người, Mẹ đã mạnh dạn thưa: “Xin sứ thần cứ làm cho tôi như Sứ Thần nói” ( Lc 1, 38 )
Như thế, mới thấy “con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm” ( Tv 8, 5 ); vậy mà, Chúa vẫn muốn dùng những con người vốn bất toàn, yếu đuối để làm Ngôn Sứ, làm phát ngôn viên giới thiệu Tình Yêu của Người cho thế giới hôm nay.
Do đó, bạn cứ an tâm, can đảm dấn thân vào việc giảng truyền giáo của Chúa cho các em nhỏ – giúp các em lớn lên trong đời sống Ki-tô hữu nhiệt thành – để khám phá, nhận định và vun trồng ơn gọi làm Giáo Lý Viên của mình.
Thưa các bạn Giáo Lý Viên, nói như thế, hẳn các bạn sẽ cho là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, hay nói như thế, các bạn sẽ cho là lên mặt dạy đời; nhưng không, đây là tấm chân tình của một người đi trước, xin được động viên, khích lệ và mong các bạn hãy mạnh dạn trở thành “chiến sĩ bảo vệ Đức Tin”, liều mình làm Giáo Lý Viên như Mẹ Ma-ri-a đã liều mình thưa “xin vâng” với thần sứ Gáp-ri-en, hay như tổ phụ Áp-ra-ham đã liều mình đi theo lời đề nghị của Đức Chúa dù không biết mình đi đâu ( x. St 11, 8 )
Thân chào các bạn, cầu chúc các bạn luôn hăng say và gặp nhiều niềm vui trong công tác chăm sóc “mảnh vườn Đức Tin” của Giáo Hội ngày càng lớn mạnh.
Lm. LÊ TIẾN, Dòng Đa Minh

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS