“Chân lý ” là gì? “Sự
thật” là gì? Đó là câu hỏi mà bao đời, bao người nối tiếp nhau tìm kiến câu trả
lời cho vấn đề này. Hành trình đi tìm chân lý là hành trình của kiếp người.
SỰ PHẢN TỈNH
Cuộc sống ta không phải là một chuỗi ngày bằng phẳng nhưng luôn
luôn có những biến cố làm cho cuộc sống phải năm chìm, bảy nổi, chín cái lênh
đênh. Nhưng như một khuôn nhạc có nhiều loại hình dấu tạo thành những trường độ
âm giai khác nhau, kết nên những bản nhạc bất hủ. Những biến cố đời thường
chính là những chặng dừng chân giúp ta cảnh tỉnh, thể hiện thái độ “tỉnh thức”
mà Chúa Giêsu đã kêu gọi. Để tạo nên những chất thi vị cho cuộc đời. Để như
Phêrô khiêm nhu sau khi chối Chúa, Phaolô trở lại sau khi té ngựa, Augustinô từ
bỏ tất cả sau khi thương tật, Anphongsô theo Chúa sau khi thất bại nơi tòa đời.
Phản tỉnh là điểm khởi đầu cho bước đột phá mới, hay khởi đầu
cho sự biến đổi. Khởi đầu ấy là chất xúc tác cho ta lên đường kiếm tìm chân lý.
LÊN ĐƯỜNG KIẾM TÌM
Con người còn kiếm tìm là con người còn sức sống và thái độ
“kiếm tìm” là thái độ cao quý của con người. Vì những người không kiếm tìm là
người an phận thủ thừa. Con người ấy sống cũng như chết. Abraham ra đi và đi
mãi mà không nản chí, không sờn lòng; hoặc như ba nhà chiêm tinh mất ánh sao
vẫn không bỏ cuộc… Họ quyết tâm kiếm tìm như vị thương gia tìm được viên ngọc
quý đã đi bán tất cả những gì mình có để mua viên ngọc ấy. Họ lên đường
bằng việc ra khỏi nếp sống cố định của mình, lên đường bằng việc thay đổi lối
sống, tư tưởng hành vi mới. Họ lên đường không nghỉ ngơi và không chần chừ.
TÂM HỒN MỞ RỘNG
Nhưng dẫu chúng ta có kiếm tìm đến đổi mồ hôi, sôi con mắt mà
chỉ bằng lý trí, hay trên lý thuyết thì vẫn là những từ ngữ khoa trương không
thấm nhập vào da thịt. Chân lý, sự thật không phải là một định đề vật lý, một
công thức toán học, hay là định nghĩa của một vấn đề của khoa học nhân văn, sự
thật là vấn đề của siêu nhiên. Nên sự thật không thể nắn bắt bằng lý trí uyên
bác mà phải bằng con tim. Như Đức Giêsu đã nói “Lạy Cha, con cảm tạ Cha vì
Cha giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết
điều này, nhưng đã mặc khải cho những người bé mọn”. Những người bé mọn là
những người có tâm hồn rộng mở. Họ rộng mở trước khổ đau – vui mừng hoan hỉ,
hay thất bại khinh khi … Mở rộng với tình yêu tha thứ để đến với mọi
người và hòa chung với dòng đời, cùng thao thức trăn trở với kiếp nhân sinh, để
cảm mến hương vị dịu ngọt của vũ hoàn, để lắng nghe bản nhạc đời thường bằng cả
con tim. Có thế ta mới tiếp nhận được chân lý toàn thiện.
Chân lý toàn thiện là chính Đức Kitô, vì Ngài đã nói “Ta là
đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Hành trình đi tìm chân lý là hành
trình đi tìm Đức Kitô. Đức Kitô không ở đâu ngoài cuộc đời, nhưng ở trong và
giữa cuộc đời. Ngài vẫn đồng hành với ta trong cuộc sống nhưng để thấy Ngài và
lãnh hội ý Ngài thì chúng ta cần chạy đến với Chúa Thánh Thần. Bởi chính “Chúa
Thánh Thần sẽ hướng dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13)
Ta tin chắc rằng: cuối cùng con đường hành trình kiếm tìm
là chân lý, ở đó ta gặp được chân lý, gặp được Đức Kitô. Nhưng gặp gỡ mới
chỉ là khởi điểm. Trọn vẹn hành trình là ở lại và sống với chân lý. Sống
chân lý là thể hiện sự thật trong cuộc sống mình.
Xuân Hy Vọng