Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.
Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói: “Anh bạn! đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh. Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.
Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm nói: “ rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi.
Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ngài khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói : “ Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.
BạnThân mến,
Đọc chuyện trên tôi không thể không nhớ tới câu chuyện : “Những người khốn khổ” là tiểu thuyết của văn hào Pháp Victor Hugo. Nhân vật chính của tiểu thuyết là Jean Valjean, một cựu tù khổ sai sau 20 năm tù trở ra ông đã lao vào cái tội lỗi cũ khi lấy bộ đồ bạc của Giám mục Myriel, vị ân nhân của ông. Người cho ông ăn và ngủ qua đêm. Jean Valjean bị bắt lại sau đó nhưng lại được giám mục Myriel cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Valjean. Chính hành vi cao cả của Giám mục đã làm thay đổi cả đời người. Khi chia tay vị giám mục già nói với Jean Valjean nhất định ông phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người. Quả thật 6 năm sau Valjean, nay mang tên ông Madeleine, đã trở thành một chủ xưởng giàu có và là thị trưởng thành phố nhỏ nơi ông sinh sống va đã giúp đỡ cho nhiều người. Đó chẳng phải là Giám mục tặng cho Jean Valjean cả vầng trăng sáng sao?
Nếu bạn là thiền sư, là Giám mục Myriel bạn sẽ xử lý thế nào? Tôi nghĩ, người bình thường thì sẽ cùng tên trộm vật lộn hoặc sẽ la lớn lên “Trộm, trộm…”. Hay nếu là vị Giám mục chắc chắn bạn chỉ cần nói đúng sự thật “Hắn là tên trộm” thế là xong đời hắn. Hắn đáng phải thế. Nếu làm như vậy kết quả sẽ như thế nào nhỉ? Tôi nghĩ có thể xảy ra hậu quả thế này, tên trộm sẽ đánh bị thương hoặc giết chết vị thiền sư hoặc có thể vị thiền sư đánh tên trộm bị thương và tên trộm sẽ trở lại trả thù thiền sư vào một ngày gần đó. Hay nếu như Giám mục vạch mặtJean Valjean thì hắn sẽ phải vào vòng lao ly, làm sao có được một Madeleine.
Là người thường ta sẽ vạch mặt đặt tên kẻ lừa đảo, tên dối trá, người đạo đức giả … để làm trong sạch mặt đất này. Y như thể những con người tội lỗi kia là đá chắn cả bầu trời trong xanh cần phải phá bỏ nó. Có khi vì tính mạng, vì danh dự, vì của cải…hay đôi lúc ta nhân danh tình nghĩa cao cả để bảo vệ cái cương thường. Sẵn sàng lên án tội đồ, sẵn sàng nén đá kẻ phạm nhân. Mà cũng phải thôi, ta đâu có làm gì sai trái, ta bảo vệ đạo đức – luân lý – gia phong… hay có khi bảo vệ cả niềm tin kính ấy chứ. Đó là giá trị thực tại mà, ta đáng phục ta vì có ta sự an ổn, nếp sống đạo hạnh được gìn giữ. Đó là điều tốt mà. Ta phải là cảnh sát của nhân loại gìn giữ hòa bình thế giới.
Nhưng vị thiền sư, Giám mục Myriel xử sự không giống những người bình thường như chúng ta, mà lấy sự khoan dung đại trí, đại bi để tặng cho tên trộm cả vầng trăng, tặng cả lối về.
Là người thường ta coi hành động của hai con người này là ngu si, là tiếp tay cho tội ác hoàng hành. Ta không thể chịu được thế giới này sao lại có những con người như thể tồn tại. Cứ y như thể, không làm cảnh sát thì không còn giải pháp nào tốt hơn. Cứ y như thể không đưa ra ánh sáng phơi bày thì mọi sự trở nên hôi thối…
Nhưng kỳ thực khi trở về với lòng ta, nơi sâu thẳm. Ta phải nhìn nhận rằng “oán báo oán, oán oán trập trùng”. Con người không phải là thánh nhân nên tất nhiên có những sai trái, đối với những người phạm lỗi chúng ta nên có thái độ rộng lượng khoan dung. Bao dung mà hơn cả to tiếng trách móc đây là phương pháp giáo dục tốt nhất. Khoan dung là một phẩm chất đạo đức tốt, khoan hồng tha thứ lỗi cho người giống như ngọn gió mùa xuân mang mưa xuân đến thấm nhuần cây cỏ làm vạn vật thêm xanh tươi. Khoan dung còn hơn cả vàng, khoan dung là một phẩm chất không thể thiếu trong mỗi con người chúng ta. Khoan dung phát xuất từ tấm lòng từ tâm. Nó chẳng khác chi vầng trăng sáng.
Ta chỉ có thể hành sử như vị Thiền sư hay Giám mục Myriel khi ta có cả vầng trăng trong lòng. Bao lâu ta chưa chiếm trọn vầng trăng khi ấy ta thấy xung quanh là đêm tối nên cố gắng dùng sức mạnh, bạo lực và có khi ẩn danh là chính nghĩa để tặng cho người khác cái bánh của chính mình tạo ta. Ta cứ tưởng đó là tốt nhất. Nhưng cái của ta sẽ mãi mãi không giờ vừa khít với khuông của người khác được. Vầng trăng là tự trời cao trao tặng, ta chẳng thể vẽ ra hay nắn lấy để trao tặng. Nhưng nó xuất phát từ đáy lòng bao dung thì ta hiểu lòng ta hơn ai hết. Ta có thể đụng chạm vào sâu thẳm cung lòng mình. Trở về với chính mình mỗi ngày, ta sẽ khám phá ra : ta cũng là tội nhân để xót thương; ta cũng là bình sành dễ vỡ để biết nuâng niu gìn giữ nhân phẩm của anh em; ta cũng rất người cần lắm tình yêu thương trìu mếm để ngày ngày biết sống vị tha, bao dung hơn với anh em đồng loại.
Xuân Hy Vọng