(Ga 20,1.11 -18)
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria đi đến mộ” (Ga 20,1), lúc trời chưa hẳn sáng và bóng tối chưa đi qua, giữa lúc bóng tối và ánh sáng còn giao tranh nhau; cũng giống như lòng bà Maria còn ngờ ngợ một Đấng bà yêu thương bất biến trong tâm trí và cái thi hài của người bà thương mến đang còn  trong mấn mộ. Chính bà còn không biết phải làm cách nào để lăn tảng đá to kia đã ngăn cách bà với thi hài ra: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mồ giùm ta đây?” (Mc 16,3). Một sự giao tranh của tình yêu tồn tại mãi và tình yêu cho đi không cùng, có triết lý nào, bài học nào chỉ cho bà đâu. Nên từ nhà ra mộ, bà thấy lòng nặng trĩu, u buồn và dòng lệ cứ tự tuôn rơi dù đứng trước thực trạng ngôi mộ trống. Ngôi mộ trống đối với bà là nỗi khốn cùng trống vắng vì “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (Ga 20,2). Đó là sự mất mát tột cùng, không còn Chúa, không còn bóng hình bà thương mến tồn tại nữa. Bà mất Chúa là mất tất cả. Vì Chúa đối với bà như hình với bóng. Nay mất Chúa, bà sống cũng như chết. Một cái chết không phải là thể lý nên nó đau đớn làm bà không cầm được lòng mình, bà khóc. (Ga 20,11 -12)
Nước mắt làm mờ đôi mi, bà đã khóc nhiều nên không nhận ra được người đối diện với bà là thiên thần, cũng không nhận ra được Đấng bà đã từng yêu thương đang tồn tại, hiện diện trước bà nên cử tưởng đó là người làm vườn.(Ga 20,15). Bà còn tâm trí nào để nhận ra khi mà mải miết với thi hài đã mất. Bà đang đi tìm một người chết. Bà đi vào cõi chết. Đối diện với bà lại là một người đang sống. Làm sao bà có thể nhận diện được khi sự sống và cái chết nhập nhoạng với nhau, khi niềm hy vọng vụt tắt và hình bóng còn lờ mờ đâu đây.
Và Chúa đã gọi bà “Maria”(Ga 20, 16). Tên là gắn với người, gọi tên là gọi người. Bà quay lại, một cái xoay không phải của thực tại hành động nhưng là cái xoay của tâm trí. Vì Chúa đứng đó vẫn tồn tại và hiện hữu nhưng bà không thấy, nay xoay lại bà nhận ra đó là “Thầy”. Đó là cái xoay của hoán đổi. Hoán đổi từ sự giao tranh của sáng và tối đến bừng sáng, từ bóng hình mờ ảo đến hình dạng rõ ràng trước mắt, từ cõi lòng u uất đến hứng khởi reo vui,
Giữa lúc bà đi tìm thi hài Người đã mất thì bà gặp được Người đang sống, giữa lúc bà đi vào cõi chết  thì bà được sự sống, giữa lúc bà đi vào trong tăm tối của khốn cùng thì bà tìm thấy niềm hạnh phúc tột độ làm bà phải reo vang lên “Tôi đã thấy Chúa”. Vậy trong cõi chết vẫn còn có sự sống.
Thật vậy, có đứa trẻ nào muốn ra khỏi bầu nước tuyệt diệu của lòng mẹ bao giờ. Ra khỏi lòng mẹ đối với nó là một cái chết. Nhưng ngay cái mà xem ra nhưng chết thì nó lại được một sự sống sung mãn hơn. Có những hạt giống bị phân huỷ thối rữa, nó nhưng đã chết thì chính lúc ấy nó đã đâm mầm cho một chồi non của sự sống vươn lên. Có nhưng chú kén lột xác thật đau đớn, nó khác nào như chết lại được trở thành cô bướm lộng lẫy xinh tươi. Quả thật, giữa cái chết có sự sống. Giữa đêm đen vây phủ vẫn có ánh sáng của mặt trời chiếu dọi dù yếu ớt nhưng mặt trời vẫn tồn tại. Giữa những bão tố cuồng vây vẫn có những con sóng nhẹ trôi ên dịu. Giữa những đau thương khốn cùng vẫn có biết bao niềm hạnh phúc bên ta. Có một điều ta có nhận ra nó không, hay cần một cái xoay hoán đổi để :
Nhận ra ánh sáng cuối con đường dài mờ mịt,
Thấy đươc một niềm vui khi còn dang dở,
Hiểu được giá trị của thánh giá đau thương là ân tình,
Đọc được sự sống giữa sự chết
Nhờ đó ta reo vang lên như Maria Madalenna, dán khẳng khái tiến tới trên con đường gồ ghề,  mỉm cười với cuộc đời và xứng đáng  làm chứng nhân cho sự sống! Một sự sống viên mãn.
Xuân Hy Vọng.