Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

PHẦN I: GIÁO LÝ DỰ TÒNG


MỞ ĐẦU:
Giáo Lý là “Trường Dạy Đức Tin” và dạy Giáo Lý là một phần của tiến trình Phúc Âm hóa của Hội Thánh. Phúc Âm hóa là đem Tin Mừng đến cho anh chị em của chúng ta, ở mọi nơi, mọi lúc, để Tin Mừng có thể bén rễ trong lòng họ và làm cho nền văn hóa tình thương được mọc lên theo chương trình của Thiên Chúa. Việc Phúc Âm hóa được thực hiện nhiều cách: bằng việc rao giảng Tin Mừng, làm chứng nhân cho Tin Mừng, giảng dạy các tín lý, ban phát các Bí Tích, và yêu thương tha nhân. Phúc Âm hóa không thể được thu tóm vào bất cứ cách nào trong các cách này nhưng phải bao gồm tất cả: “làm chứng và rao giảng, lời nói và bí tích, thay đổi nội tâm và biến cải xã hội” (x HDTQ về việc DGL 46). Gíao lý dự tòng là giai đoạn đầu tiên của  tiến trình Phúc Âm Hóa và là vấn đề chúng ta đề cập đến trong tiết học này.
1.  CHƯƠNG TRÌNH “MỤC VỤ DỰ TÒNG”
Gíao lý Dự tòng không phải chỉ nhằm chủ đích “Dạy lẽ đạo” như nhiều người lầm tưởng, nhưng trong giai đoạn tiến bước từ Dự tòng đến Tân tòng, Giáo Hội mong muốn thực hiện nơi người dự tòng một cuộc đổi đời toàn diện. Họ phải trải qua những thời gian cần thiết để tập sống đời Kitô hữu, tham dự phụng vụ Lời Chúa, cộng tác vào việc rao giảng Tin Mừng và xây dựng Giáo Hội bằng chứng tá đời sống và tuyên xưng đức tin (x HDTQ về việc DGL 67.86), để việc “gia nhập Kitô giáo” là một cuộc “lớn lên của đức tin”, một chuyển biến nội tâm và toàn bộ cuộc sống thực sự. Chính vì thế không thể dạy giáo lý “cấp tốc” trong vài tuần, một vài tháng, không thể là một sự kiện tùy lúc, tùy thời hay cơ hội cho xong được, nhưng phải là một hoạt động tiệm tiến và liên tục. Mỗi giai đoạn đánh dấu bằng các nghi thức Phụng vụ (x AG 13,14;PV 64;HDTQ về việc DGL 67). Sách “Nghi thức Gia nhập Kitô giáo năm 1972” của người lớn, đã chia tiến trình huấn giáo và sống đạo của Dự Tòng làm 4 giai đoạn:
Thời tiền Dự tòng: loan báo Tin Mừng đầu tiên
Đây là thời gian khởi đầu chuẩn bị cho việc trở lại, là cuộc khởi hành tiến vào con đường đức tin Kitô giáo, là cuộc “gặp gỡ” ban đầu giữa người chưa có đức tin đang muốn tiến đến gặp gỡ Thiên Chúa, và Giáo Hội đang mở rộng vòng tay đón chờ. Trong thời gian này Giáo Hội loan báo Tin Mừng. Đó là chúng ta giới thiệu câu chuyện về Đức Giêsu: Cuộc đời, hoạt động, giáo huấn, cái chết và sự sống lại của Người.
Từ câu chuyện Đức Giêsu, nhất là từ Giáo Huấn của Người, chúng ta sẽ trình bày cho đương sự về Chúa Cha, về Chúa Thánh Thần và về Giáo Hội tiếp nối sứ mạng của Người.  Với dự tòng, đây là lúc tìm hiểu và nhờ ơn Chúa làm nảy sinh đức tin trong họ.
Kết thúc thời gian tiền Dự tòng có các cử hành phụng vụ với nghi thức tiếp nhận người Dự tòng.
Thời Dự tòng chính thức :
Đây là thời gian dài nhất, đòi hỏi nhiều cố gắng nhất. Mục tiêu chính của thời này là học hỏi Giáo lý hoàn thiện và các nghi thức liên hệ đến đương sự. Tựa như sau khi các tông đồ đi rao giảng tin mừng (kerygma – là công bố tin mừng), thì trách nhiệm kế tiếp là giảng dạy cho Kitô hữu nội dung Tin Mừng các ngài công bố.
Trong thời gian này, có một số các cử hành phụng vụ thích hợp để các dự tòng hội nhập sâu xa vào đời sống đức tin của Dân Chúa. Đó là các cử hành: Cử hành Lời Chúa – Nghi lễ Trừ tà – Nghi thức Cầu phúc – Nghi thức Xức dầu.
Thời thanh tẩy và soi sáng:
Đây là thời gian cao điểm của tiến trình Dự tòng. Thời gian này thường bắt đầu và kéo dài suốt Mùa Chay. Đây không phải là lúc học Giáo lý nữa, nhưng là lúc các người Dự tòng chuẩn bị tâm hồn và những hành trang thiêng liêng để được lãnh nhận các bí tích khai tâm.
Trong thời gian này, sẽ có Nghi thức tuyển chọn, khảo hạch, trao Kinh và đọc Kinh Tin Kính. Các nghi lễ này đem lại cho người Dự tòng nhiều ơn cần thiết.
Thời khai tâm:
Các Dự tòng lãnh nhận các Bí tích gia nhập Kitô giáo : Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Việc cử hành ba Bí tích nhập đạo sẽ được thực hiện trong chính đêm Vọng Phục Sinh như truyền thống lâu đời của Hội Thánh, hoặc có thể tuỳ nghi thực hiện vào một thời gian thích hợp như chúng ta thấy hiện nay.
Sau khi lãnh nhận các Bí tích nhập đạo, các dự tòng còn phải được đào sâu mầu nhiệm đức tin, tiếp cận gần gũi hơn, thân mật hơn các cử hành phụng vụ của Hội Thánh và dấn thân tích cực hơn, sâu xa hơn vào nhịp sống đức tin của Dân Chúa. (x HDTQ về việc DGL 88.91). Chính cộng đoàn Kitô hữu phải hết sức quan tâm nâng đỡ trong suốt tiến trình khai tâm, từ tiền dự tòng đến suốt thời gian đầu khi mới chịu phép Rửa tội (x HDTQ về việc DGL 256). Hiện nay nhiều giáo xứ cũng có những tổ chức quy tụ các tân tòng – với thời gian đã chịu phép Rửa tội từ 5,6 năm trở lại – cùng với những người đỡ đầu, trong dịp Mùa Vọng và Mùa Chay, giúp họ tĩnh tâm và xưng tội.v.v.
Qua những điều vừa nói, chúng ta thấy giáo lý tân tòng cũng là một phần quan trọng không thể bỏ trong chương trình giáo lý cho người muốn theo Kitô giáo.
(Hiện nay vể thời gian học giáo lý dự tòng tại các giáo xứ thường tổ chức khoảng 6 tháng. Các linh mục được cử hành những nghi thức một lần khi ban bí tích Rửa tội. Nhưng chúng ta cần biết những giai đoạn trên để giúp cho đương sự cũng như gia đình nhận ra tầm quan trọng của việc dạy gíao lý mà không vội vàng xin đốt giai đoạn).
2.  NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI DẠY GIÁO LÝ DỰ TÒNG
Tình trạng đa tạp:
Trong hoàn cảnh hiện nay, những người muốn tòng giáo đến với chúng ta có nhiều hoàn cảnh khác biệt:
- Về trình độ văn hóa: có học ( trí thức ) và ít học ( bình dân ).
- Thành phần xã hội,
- Về kiến thức tôn giáo đã có.
- Về lý do tòng giáo
-  Những khó khăn và những thuận lợi riêng.
- Về thời gian mà mỗi người có thể dành được…
Vì thế, việc dạy Giáo lý phải chấp nhận những phương pháp rất khác nhau, không thể phác họa một chương trình duy nhất cho mọi Dự tòng.
Giảng dạy bằng tất cả đời sống:
Do tình trạng khác biệt nhau như vậy, GLV phải cầu nguyện và Thánh Thần sẽ hoạt động trong ta, giúp ta biết chấp nhận và tìm cách thích ứng với hoàn cảnh một cách khôn ngoan, kiên tâm và tế nhị – biết dành nhiều thời gian tìm hiểu và đối thọai để biết hoàn cảnh sống cũng như khát vọng tâm linh của từng dự tòng. Qua GLV, người dự tòng chính thức gặp Giáo Hội lần đầu tiên. Ấn tượng của buổi tiếp xúc này sẽ còn mãi nơi họ. GLV phải là người họ có thể tin cậy được nhờ đời sống chứng tá của cá nhân và Cộng Đoàn Kitô hữu .
Hãy chiêm ngắm Đức Giêsu Thầy dạy, khi chinh phục các môn đệ đầu tiên, khi mời họ đến mà xem (x Ga 2,38-40 ), cũng như khi Người tiếp cận với mọi người: trẻ thơ, người lớn; trí thức, bình dân; bệnh tật; lúc vui như tiệc cưới (Ga 2,1-12), khi buồn như đám tang (Mc 5, 35…) kể cả khi Người im lặng… Tất cả không bao giờ có thể tách rời khỏi bản thân và đời sống của Người (x Th DGL 9). Vâng, đó là cách hữu hiệu nhất trong việc giới thiệu Kitô Giáo cho bất cứ ai!
Cách trình bày Giáo lý: 
Để có thể đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của người dự tòng, GLV phải nắm vững Giáo Lý và cẩn trọng để truyền đạt cho học viên thấy rõ được tầm quan trọng của thời gian học giáo lý Dự tòng.
-  Gíáo lý Dự tòng, trong giai đoạn tiền rao giảng, thường khởi đầu từ khái niệm đúng đắn về Thiên Chúa. Nhưng đừng quên, một khi đã tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế của Thiên Chúa tạo dựng thì tất cả giáo lý phải dựa vào thế giá của Đức Giêsu và quy hyướng về Người, vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành; và vì TC là Đấng không ai thấy bao giờ trừ Đấng từ Thiên Chúa mà đến nói cho biết (Ga 1, 18). Chính đời sống Đức Kitô sẽ làm cho mầu nhiệm tạo dựng có một sức thuyết phục mới, và một ý nghĩa đặc biệt.
- Khi giảng dạy Giáo lý nên khởi đi từ những kinh nghiệm đời thường để đưa dự tòng đến những chân lý cao siêu, như Đức Giêsu trao đổi chân lý với Nicôđêmô (Ga 3,1-21) hay người phụ nữ bên bờ giếng Giacob (Ga 47-42)
- Cần giúp dự tòng có cái nhìn đại cương về lịch sử cứu độ hơn là chuyên sâu một khía cạnh. Công việc đó nên để sau khi chịu Thanh tẩy trong các lớp giáo lý bồi dưỡng dành cho Tân tòng.
- Cần chú tâm vào những điều thiết yếu và căn bản của Đức Tin và việc sống Đức Tin, vì Đức Tin và việc thực thi Đức Tin của cá nhân sẽ được phát triển nhờ những hoạt động mục vụ của Hội Thánh.
- Cần đào sâu ý nghĩa sống đời sống mới trong Chúa Kitô, biết đi theo Đức Kitô trong đời sống thường nhật và biết hành xử theo Tin Mừng.
- Cần liên kết việc dạy Giáo Lý với “Phụng Vụ”, để các cử chỉ, biểu tượng, nghi thức, và kinh đọc trong Phụng Vụ trở thành một phần của việc trình bày Đức Tin.
- Cần tập cho dự tòng những thói quen đạo đức để nuôi dưỡng đức tin : học những bản kinh thông dụng, những lời nguyện tắt, những bài hát… sẽ in sâu vào lòng đạo các Tân tòng.
- Phương pháp trình bày Giáo lý góp phần rất lớn vào việc lãnh hội đức tin của dự tòng. Vì thế phải tùy theo thời gian, đối tượng và khả năng lãnh nhận của mỗi dự tòng. Có những dự tòng biếng nhác cần được hướng dẫn thế nào để họ hiểu và nhớ ngay trong giờ học. Có những điểm giáo lý chính yếu cần nhắc đi nhắc lại để học viên nắm vững và nhớ lâu.
- Ngoài những buổi học riêng, nên tổ chức các buổi gặp gỡ giữa GLV với các dự tòng cùng đang theo học, với người đỡ đầu, thân nhân có đạo thuộc gia đình dự tòng. Những cuộc trao đổi này giúp cho Dự tòng mở rộng kiến thức và tầm nhìn; hoặc những buổi cùng nhau cầu nguyện, suy niệm hoặc suy tôn Lời Chúa, làm việc tông đồ…  Đây là hình thức tốt nhất để dự tòng hòa mình vào đời sống Giáo Hội và hỗ trợ rất lớn cho đức tin của các dự tòng, giúp họ bền vững trong hành trình đức tin sau này. Điều đó đặc biệt cần thiết khi người dự tòng phải đối diện với những yêu sách của Tin Mừng và họ cảm thấy yếu hèn, hay khi họ ngỡ ngàng nhận ra lòng tri ân đối với Thiên Chúa trong cuộc đời mình (x HDTQ về việc DGL 85)
Chương trình Giáo lý :
Có thể dạy GLDT theo 4 lược đồ khác nhau: Lược đồ lịch sử, lược đồ Phúc âm, lược đồ phụng vụ và theo Kinh Tin Kính. Tất cả đều phải có tính “cơ cấu và liên kết” bởi vì nó là một cuộc tập tành tất cả đời sống Kitô giáo, một sự khai tâm Kitô giáo trọn vẹn, giúp cho cuộc sống đích thực theo chân Chúa Kitô, tập trung vào nhân cách của Người (HDTQ về việc DGL 67). Chương trình GLDT của GP Xuân Lộc trình bày theo lược đồ lịch sử, các chân lý được trình bày theo thứ tự thời gian, được chia làm 3 phần, gồm 37 bài. Để thực hiện tốt, chúng ta chú ý:
  • Phần Cựu Ước: Nên đề cập đến một số biến cố chính về việc chuẩn bị ơn cứu độ, và giải thích cho thấy sẽ được thực hiện trong Tân Ước.
  • Phần Tân Ước và Giáo Hội tiếp tục công cuộc cứu thế của Đức Giêsu: GLV phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và thái độ của Tin Mừng, để diễn giải cho thấy những giá trị sâu sắc của Tin Mừng: Đức Kitô chính là trung tâm là Đấng cứu độ duy nhất. Tất cả đều quy hướng về Người là khởi đầu và tận điểm.
  • Về Bí tích: hướng dẫn kỹ lưỡng về 3 bí tích gia nhập Kitô giáo và bí tích Thống hối; làm rõ nét mối tương quan giữa những nghi thức, những biểu tượng và những dấu chỉ.
Tương quan cộng đoàn:
Thời dự tòng là trách nhiệm của toàn thể cộng đoàn Kitô giáo, đặc biệt là người đỡ đầu –  chứ không chỉ là của các linh mục, tu sĩ, GLV. Nhìn vào tình trạng sống đạo của nhiều tân tòng hôm nay, chúng ta không khỏi chạnh lòng và tự vấn về “mục vụ dự tòng” mà chúng ta đã và đang được hạnh phúc góp phần vào việc truyền giảng Tin Mừng! Làm sao để có thể đáp lại lời mời gọi của Giáo Hội: Thời dự tòng phải trở thành trung tâm cơ bản của việc phát huy tinh thần Công giáo và trở thành một thứ men canh tân Hội Thánh. Bởi vì khi truyền đạt đức tin và sự sống mới qua việc khai tâm Kitô giáo, thi Hội Thánh đã hành động như một bà mẹ sinh những con cái được đầu thai bởi phép Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Thiên Chúa. (x HDTQ về việc DGL 78-79).
Vâng, để tìm thấy ánh sáng và sức mạnh cho việc canh tân chấn chỉnh công việc dạy Giáo lý Dự tòng mà chúng ta mong ước, chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Giêsu Thầy dạy, Người được sai đến để loan Tin Mừng cho kẻ nghèo khó và qua cuộc sống, Người đã khẳng định: Nước Trời đã được dành cho mọi người , bắt đầu từ những người cô thế cô thân nhất (HDTQ về việc DGL 163). Chúng ta hãy can đảm vì Người đã nói: “Cứ yên tâm! Chính Thầy đây! Đừng sợ!” (Mt 14,27).
TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO LÝ HÔN NHÂN
Những gì vừa trình bày về những điều cần thiết khi dạy giáo lý dự tòng cũng được hiểu để áp dụng trong việc dạy giáo lý hôn nhân, bởi đó cũng là một trong những cách truyền đạt giáo lý dành cho người trưởng thành, “khi phải chú ý nghiêm chỉnh đến kinh nghiệm đời sống, những điều kiện xung quanh và những thách đố mà họ gặp trong đời sống. Những vấn nạn và những nhu cầu đức tin của họ có rất nhiều và đa dạng” (x HDTQ về việc DGL 172).
Kinh nghiệm cho thấy tại nhiều lớp giáo lý hôn nhân mà chúng ta có dịp hướng dẫn, không thiếu những bạn trẻ mặc dù sinh ra trong một gia đình Kitô giáo, đã được rửa tội, nhưng  không được dạy giáo lý cho cẩn thận hay chưa hoàn thành quãng đường giáo lý khai tâm Kitô giáo, hoặc đã rời xa đức tin; hoặc khi còn là một em thiếu nhi, đã được học giáo lý phù hợp với tuổi họ, nhưng sau đó đã bỏ không hành đạo gì nữa, và khi đứng tuổi chỉ còn biết ấu trĩ về tôn giáo; đến những người do điều kiện sinh sống, không bao giờ được giáo dục về đức tin của mình, nên khi trưởng thành, họ chẳng khác gì người dự tòng xét về đời sống đức tin (x Th DGL 44). Chính vì thế, thời gian học giáo lý hôn nhân cũng là thời điểm tốt để đương sự có dịp học hỏi và luyện tập lại cách sống đời sống Kitô hữu của mình.
Khi suy nghĩ về những thực trạng trên – chính chúng ta, những người có trách nhiệm,  nhận ra sự cần thiết không thể bỏ qua của việc học giáo lý hôn nhân. Và tự bản thân, chúng ta phải thấm nhuần tinh thần và lời dạy của Tin Mừng; giáo huấn của Hội Thánh, đồng thời phải tìm cách nhận biết những hoàn cảnh trong đó hôn nhân và gia đình ngày hôm nay đang sống để có thể hướng dẫn họ tốt hơn trong đời sống đức tin.
1. Đồng cảm với Hội Thánh:
Trong thư gửi các gia đình 1994, chân phước Gioan Phaolo II nhận định ngay phần mở đầu: Vào thời đại chúng ta, gia đình đã bị ảnh hưởng do những biến đổi rộng rãi sâu xa, ồ ạt của xã hội và văn hoá. Trong hoàn cảnh đó, nhiều gia đình khác ngập ngừng và lạc hướng trước những trách vụ của họ, thậm chí còn rơi vào chỗ hoài nghi và gần như không biết gì về những điều liên quan đến ý nghĩa sâu xa và giá trị của đời sống hôn nhân và gia đình. Có những gia đình khác nữa bị cản trở không thực hiện được những quyền lợi căn bản của họ, do nhiều hoàn cảnh bất công khác, họ không được tự do sống những dự phóng của gia đình họ (FC 1).  Giữa những âu lo ấy, Hội Thánh muốn chúng ta đồng cảm với mối bận tâm lo lắng cho số phận của hôn nhân và gia đình, bằng cách quảng đại cộng tác trong việc giáo dục đời sống đức tin cho họ.
2. Sự cần thiết trong việc giáo dục đức tin
“Hoàn cảnh các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: một số khía cạnh là dấu chỉ cho thấy ơn cứu độ của Đức Ki-tô đang tác động trong thế gian, một số khía cạnh khác là dấu hiệu cho thấy sự chối từ của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa” (FC 6). Cuộc sống đan xen giữa ánh sáng và bóng tối ấy, không thiếu những dấu hiệu cho thấy một sự thoái hoá đáng lo ngại của nhiều gia đình hiện nay: Sự bất hòa, ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng, dẫn đến tình trạng những người con không có “mái nhà chung”; những vấn đề “sống thử” trước hôn nhân v.v và nhiều  vấn đề nan giải khác… khiến các mục tử trong Hội Thánh và những người cộng tác vào công việc dạy giáo lý phải suy nghĩ và đặt lại vấn đề thời gian và PP giáo dục đời sống đức tin cho người Kitô hữu nói chung, và về giáo lý hôn nhân nói riêng, cho dầu có những lúc đương sự đến với chúng ta như lâm vào “đường cùng” vì sự đã rồi!
Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù thuận tiện hay bất tiện, bằng sự cố gắng hết sức có thể, Hội Thánh mong muốn và có trách nhiệm chính thức về cả luân lý và tự nhiên, trong việc rao giảng Lời Chúa: “Phải đặc biệt giáo dục đức tin về hôn nhân mà chính Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban nhiều ơn phúc…  Huấn giáo phải làm cho Hôn nhân nên nền tảng gia đình về những giá trị của nó, và luật Chúa buộc giữ một vợ một chồng, bất khả phân ly, và về những bổn phận của tình yêu mà đặc tính tự nhiên của nó là hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái” (x Chỉ nam HG đại cương 59).
Hiện nay, dưới sự hướng dẫn của Hội Thánh, chương trình giáo lý hôn nhân của các giáo phận nói chung và của GP Xuân Lộc nói riêng đã nhằm thực hiện những điều Hội Thánh mong muốn, để giúp học viên hiểu biết về:
  • Nguồn gốc và ý định của Thiên Chúa về hôn nhân
  • Đặc tính và mục đích của hôn nhân Công giáo theo Kinh Thánh, nhất là Tân Ước
  • Trách nhiệm luân lý trong đời sống hôn nhân và gia đình
  • Những phương thế thích hợp để đạt tới một gia đình hạnh phúc
  • Tầm quan trong của gia đình trong việc giáo dục con cái
  • Lời Chúa và Kinh Nguyện trong đời sống gia đình
THĐGM về Lời Thiên Chúa nhận thấy trong việc truyền đạt giáo lý, GLV cần phải nhấn mạnh mối quan hệ giữa Lời Thiên Chúa, hôn nhân, và gia đình Kitô giáo. Phải lấy Lời Chúa làm nền tảng cho đời sống, vì Lời TC ở tại nguồn cội của hôn nhân và con người từ nguồn cội thì tốt lành, đã được tạo thành có nam có nữ, và được mời gọi để yêu thương nhau bằng một tình yêu trung thành, hỗ tương và phong phú (x St 2,4). Hơn nữa, Lời Thiên Chúa còn là một nâng đỡ quý báu giữa các khó khăn của cuộc sống lứa đôi và gia đình mà biết bao người không tìm ra lối thoát, để qua tình yêu chung thủy, quảng đại, bao dung và sự hiệp nhất gia đình, vợ chồng là những người đầu tiên công bố Lời Thiên Chúa cho con cái (x FC 6).
Vâng,  Hội Thánh xác tín sâu xa rằng, chỉ khi nào biết tiếp nhận Tin Mừng, người ta mới có thể chắc chắn thực hiện được trọn vẹn tất cả những gì mà con người đang hy vọng cách chính đáng nơi hôn nhân và gia đình (x FC 3).
KẾT LUẬN:
Như thế, trong việc giáo dục đức tin, các Dự tòng, Tân tòng hay những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, họ cần được huán luyện để đứng vững, để sống trong một thế giới mà phần lớn không biết về Thiên Chúa hay tôn giáo, thường sa lầy trong sự lãnh đạm và sa lầy tất cả. Họ cần được hướng dẫn về Giáo lý để luôn sáng suốt và mạch lạc trong đức tin của mình, bình tĩnh và khẳng định mình là Kitô hữu và Công giáo, “nhìn thấy cái vô hình” và bám chặt vào cái tuyệt đối của Thiên Chúa đến nỗi họ có thể làm chứng về cái tuyệt đối này trong một nền văn minh duy vật chất, là nền văn minh chối bỏ Thiên Chúa (Th DGL 57). Điều này thật khó khăn đối với chúng ta! Nhưng không có gì mà Thiên Chúa không làm được, miễn là chúng ta đến học với Ngài và lắng nghe Ngài dạy bảo..
Nguyện Lời Chúa cư ngụ dồi dào trong chúng ta, làm cho chúng ta “trở thành những thông dịch viên của Hội Thánh giữa những người thụ giáo; biết đọc những dấu chỉ đức tin và dạy người khác đọc” (Th DGL 35).
Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Phượng
RELATED POSTS


  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét: