· Không rước lễ chỉ vì mặc cảm phạm tội.
Chỉ một vài tuần sau dịp lễ lớn như Chúa Giáng Sinh hay Phục Sinh, số người rước lễ giảm sút nhanh chóng. Không lẽ họ đã phạm tội trọng? Hỏi ra mới biết họ không lên rước lễ chỉ vì nghĩ rằng mình đã phạm tội. Nhiều người không phân biệt được chỉ tội nặng mới ngăn cản họ thông hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu phạm tội nhẹ, họ càng nên rước lễ để được Chúa tha thứ, thanh tẩy và bồi bổ sức mạnh, tiến mau trên đường đạo đức.
Nên chăng cần có một bài giáo lý hay bài giảng giúp họ phân biệt tội trọng hay tội nhẹ?
· Rước lễ để làm yên lòng người thân.
Một ít người đã coi việc rước lễ như thước đo lòng đạo đức của người khác và tạo nên những áp lực không đáng có. Họ quan sát và nếu người thân không lên rước lễ, họ sẽ tỏ thái độ nghi ngờ, dò hỏi, bực bội, thậm chí khinh thường, khiến cho người thân có khi liều mình rước lễ “phạm sự thánh” để tìm yên ổn trong gia đình hoặc tìm sự đồng thuận, tin tưởng nơi người khác. Một ông chồng rước lễ để tránh bị vợ nghi ngờ hay một chàng trai lên rước lễ để tạo niềm tin nơi người yêu.
Nên chăng có một bài chỉ dẫn về ý hướng ngay lành phải có khi rước lễ và nhắc nhở người thân tôn trọng hành động đạo đức của người khác để đừng dùng việc rước lễ như một chiêu bài?
· Chẳng biết dọn mình rước lễ ra sao.
Nhiều bạn trẻ và ngay cả người lớn không biết chuẩn bị tâm hồn thế nào để xứng đáng rước Chúa. Họ nghĩ chỉ cần đọc: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa chỉ phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Có người còn chẳng đọc câu này nhưng vẫn cứ lên rước lễ, vừa đi vừa nhìn ngang nhìn ngửa. Một vài người đứng tuổi thành kính đấm ngực khi đọc câu trên để nói lên lòng khiêm nhường thống hối, chẳng xứng đáng đón nhận một Thiên Chúa vô cùng cao sang đến ngự trong nhà mình với muôn vàn ơn phúc.
Nên chăng có một lời kinh ngắn gọn để xin Chúa thứ tha và xin các thần thánh giúp trang điểm tâm hồn mình xứng đáng đón tiếp Chúa?
· Chẳng biết cám ơn chịu lễ thế nào.
Nhiều người rước lễ xong chẳng biết làm gì để cám ơn Chúa. Họ vội vã hát theo ca đoàn như sợ những giây phút im lặng thánh thiêng là một kiểu thời gian chết không nên có trong thánh lễ! Có người ngồi say mê lắng nghe ca đoàn “biểu diễn” vì đây mới là giờ để ca đoàn trổ tài. Nhưng làm như thế là kéo con người ra khỏi những giây phút thân mật và quí báu nhất trong cuộc kết hợp với Chúa Thánh Thể.
Hồi nhỏ tôi được dạy sau khi rước lễ phải làm đủ 4 việc: thờ - tạ - dâng – xin. Trước hết, thờ lạy Chúa đang ngự trong lòng mình, hợp cùng Đức Mẹ, các thần thánh và muôn loài muôn vật. Tiếp theo là tạ ơn Chúa Giêsu Thánh Thể đã ban Mình Máu và ân phúc để ta được hòa nhập thành một với Người. Kế đó, ta dâng linh hồn, thân xác, tình yêu, công việc, niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại trong ngày hôm nay hay trong tuần này của ta, của người thân và tất cả những ai chưa biết dâng cho Ngài để cảm tạ Ngài. Sau cùng, trong giây phút cận kề bên lòng Chúa, ta có thể xin bất cứ ơn nào cho mình, cho người thân, bè bạn, cho người sống cùng như người chết, cho Giáo Hội, quê hương và gia đình nhân loại…
Nên chăng có một vài phút yên lặng thánh thiêng sau khi rước lễ để cả cộng đồng dân Chúa ý thức về 4 hành động này hoặc đôi khi một vài lần trong tháng, người dẫn lễ có thể hướng dẫn cộng đoàn theo 4 ý trên?
Anh Tôn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét