Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH - CHÚA ĐẾN XÂY DỰNG MỘT THẾ GIỚI YÊU THƯƠNG

DIỄN NGUYỆN GIÁNG SINH

CHÚA ĐẾN XÂY DỰNG
MỘT THẾ GIỚI YÊU THƯƠNG


                           Luca 16, 19-31

      Chủ đề: Xóa bỏ lòng ích kỷ để sống quảng đại vị tha.

PHẦN GIỚI THIỆU
Kính thưa quý vị,
Hôm nay, nhân loại khắp nơi nô nức đón mừng một biến cố trọng đại đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm, ngày Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người.
Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian để làm gì? Việc Ngài bước vào lịch sử nhân loại và hiện diện trên thế giới nầy có mang lại lợi ích gì cho xã hội loài người không?

Thưa quý ông bà anh chị em,
Sở dĩ nhân loại ngày nay còn ngụp lặn trong lầm than, bất hạnh và đói khổ là vì có rất nhiều người tham lam, ích kỷ, chỉ biết thu vén thật nhiều cho bản thân mà không đếm xỉa gì đến phúc lợi của cộng đồng và của những người chung quanh.
Chính vì thế, Ngôi Hai Thiên Chúa đến trần gian để quyết liệt bài trừ thói ích kỷ là nguyên nhân phát sinh lầm than khốn khổ giữa thế gian và kêu gọi mọi người cố công xây dựng một thế giới yêu thương huynh đệ, sẵn sàng chia sẻ cơm áo cho nhau; hy vọng nhờ đó, cuộc sống con người sẽ chan hòa hạnh phúc.
Thế nhưng, điều đáng tiếc là vẫn còn nhiều người chưa đón nhận sứ điệp yêu thương của Chúa Giê-su. Họ để cho lòng tham lam, ích kỷ thống trị đời mình. Họ chỉ biết lo cho bản thân, tìm cách chiếm đoạt thật nhiều lợi lộc cho mình mà không màng đến những người anh em bất hạnh, đói khát.
Qua câu chuyện “Phú hộ và La-da-rô” sau đây, Chúa Giê-su lên án những hạng người ích kỷ đó; và sau nầy, qua đời sống hy sinh vô bờ bến của mình, Chúa Giê-su cổ vũ mọi người hãy sống quảng đại, vị tha, sẵn sàng hy sinh bản thân để phục vụ người khác.
Kính mời cộng đoàn cùng theo dõi kịch bản “Chúa đến xây dựng một thế giới yêu thương” được biên soạn lại theo lời kể của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Luca 16, 19-31.


CẢNH MỘT : CẢNH ĐỜI  PHÚ HỘ

Phòng khách nhà phú hộ dọn sẵn một bàn tiệc đầy cao lương mỹ vị. Phú hộ béo trục béo tròn, ăn vận lụa là gấm vóc, ngồi ăn với hai người bạn. Chung quanh có những người hầu lo tiếp rượu, quạt hầu, gắp thức ăn….
Phú hộ nâng chén rượu, khề khà:
- Anh Tư, anh Bảy biết không? Mùa nầy tôi trúng lớn rồi a nghen. Mới gặt sơ sơ ba chục mẫu ruộng mà lúa đã đầy nhà rồi đó. Kho lớn kho nhỏ đều đầy ắp cả. Còn bảy tám chục mẫu sắp gặt nay mai đây, không biết để vào đâu cho hết nữa chứ?
Anh Tư : - Chà, anh Hai lo gì chuyện đó. Gặt đến đâu ta bán đến đó là xong ngay chứ có gì đâu. Rồi sau đó, tha hồ ăn nhậu. Mà nhớ là đừng quên bọn nầy nha. Ha ha ha…
Phú hộ: - Không, phải tích cốc phòng cơ chứ! Bầy ong, đàn kiến còn biết lo thu tích nữa là…
Anh Bảy: - Nhưng anh định để vào đâu? Mới thu hoạch có một phần ba diện tích mà kho lẫm đã đầy ứ rồi. Số còn lại để đâu cho hết.
Phú hộ gật gù: - À, tôi tính thế nầy. Tôi sẽ cho xây thêm nhiều kho lẫm mới. Tôi sẽ dồn hết thóc lúa của tôi vào đó và tự nhủ lòng rằng: Hồn ta ơi! Mi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm. Vậy hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi! Hãy tận hưởng cuộc đời đi! Hãy tận hưởng nó đi! Ha ha ha…  (đứng dậy, nâng ly) Nào, mời anh Tư, anh Bảy, uống  đi chứ. (ba người cạn ly)
Anh Tư, anh Bảy: Dô đi! Dô đi! Hà! Không say là không về đó nha.
Phú hộ: - Quản gia!
Quản gia: - Dạ.
Phú hộ : - Mang thêm rượu thịt lên đây cho ta! Lẹ lên!
Quản gia nhìn vào bên trong, phất tay, ba, bốn tên hầu bưng rượu thịt ra, xếp dọn lên bàn.
Phú hộ: - Còn cái gì vui vui nữa chứ. Ừ, đúng rồi, ban nhạc đâu? Vũ nữ nữa nha!
Quản gia: - Dạ, có ngay. (rồi phất tay, nói với tôi tớ) Lẹ lẹ lên đi! Trời ơi! Chậm quá! (nhạc trổi lên, một vũ nữ vừa múa vừa tiến ra một vòng quanh bàn tiệc rồi vào bên trong .)
Phú hộ: Đó…đó…đó. Anh Tư, anh Bảy thấy chưa!
Anh Tư: Coi bộ tuyệt a ha!
Phú hộ: Chứ sao! Uống đi, uống đi anh Tư, anh Bảy, uống đi!
          ( vũ nữ tiến vào bên trong)
Anh Tư : - Còn đàn bò của anh thì sao rồi. Năm nay mưa thuận gió hoà chắc trâu bò phát lắm hả?
Phú hộ: - À, tôi quên nói chuyện nầy cho hai anh biết. Trâu bò, dê cừu của tôi hiện giờ đã tăng lên hàng vạn rồi đó… Tôi đang phải lo mở thêm chuồng trại, mướn thêm người chăn. Vừa rồi tôi mới bán đi ba trăm con bò, bảy trăm con cừu để tậu thêm ruộng đất, mở thêm trang trại, mua thêm đồng cỏ đó… Ờ, ruộng đất của tôi à, thẳng cánh cò bay đó nha. Hai anh mà đi bộ cả ngày không xem hết đó. Rồi mai đây, ừ, chỉ một ngày rất gần đây thôi, tôi sẽ là điền chủ giàu có nhất trên đất nước nầy! Không phải thường đâu!
Anh Tư : - Hà! anh thật là đại phúc a nghen. Làm gì trúng nầy, chẳng ai bằng. Tụi tôi phục anh sát đất. Nào, nâng ly chúc mừng sự thịnh vượng của anh đi. Nào, uống đi, uống đi!
Ba người cụng ly rồi uống cạn. Tôi tớ gắp thức ăn đút vào miệng cho phú hộ, có người quạt hầu đứng bên.
Anh Bảy: - Mà này, anh Hai làm chi cho lắm vậy? Rồi sau nầy của cải để lại cho ai?
Phú hộ: - Hừ, anh khéo lo…
Có tiếng chó sủa từ ngoài vọng vào.
Phú hộ: - Quản gia! ra xem có khách mới đến phải không, con?
Quản gia thưa: - Trình ông, hình như có khách mới đến ạ!
Phú hộ: Nhớ nha! Có khách sang thì mời vào; còn ăn mày, ăn xin thì tống cổ đi cho nhanh đó nha!
Quản gia chạy ra xem, một lát sau vào báo cáo:
- Thưa ông, có lão La-da-rô.
Phú hộ: - Lại cái lão La-da-rô khốn nạn nầy. Ngày nào cũng tới nhà tao ăn chực nằm chờ. Tao không thí cho nó chút gì đâu. Đừng hòng. Sao mày không tống cổ nó đi lẹ lẹ cho tao!
Quản gia: - Thưa ông, con đã đuổi lão đi, nhưng  lão xin ngồi nghỉ mệt tuốt ngoài cổng. Lão bảo con trình ông là lão đã nhịn đói ba hôm nay rồi, lão đi không nổi nữa đâu. Lão chỉ xin một ân huệ là cho lão được lượm những vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống.
Phú hộ: - Không! Không đời nào! Những con người ghẻ lở hôi hám như thế không bao giờ được bước vào ngưỡng cửa nhà ta.
Quản gia: - Thế con có được phép bưng ra cho lão ít cơm thừa, canh cặn?
Phú hộ: - Mày đừng dông dài. Mặc kệ lão. Việc gì mày mà mày lo. Mày tập quen cho lão rồi ngày nào lão cũng vác xác đến đây thì phiền cho tao. Tao không muốn những con người dơ dáy bẩn thỉu đó lảng vảng trước cổng nhà mình! Thôi, đi ra để cho ta nói chuyện.
Người khách (anh Bảy) chen vào: - Nói vậy chứ anh Hai cũng giúp lão chút gì chứ?
Phú hộ quay lại với hai người bạn: - Không! Trời cho ai nấy được. Tại sao tôi lại phải xót thương người khác? Ai có thân người nấy lo.Tôi thương xót lão thì ai xót thương tôi? Chủ trương của tôi ở đời là vậy đó. Khôn nhờ, dại chịu; mạnh được, yếu thua; đèn nhà ai, nhà ấy rạng... Tôi không hề thương xót ai. Tôi cũng chẳng cần ai thương xót mình…  Thôi, hơi đâu mà lo những chuyện tầm phào! Nào, uống đi! Uống đi, anh Tư, anh Bảy, uống đi!
Anh Tư, anh Bảy: - Dô, dô đi… uống hết luôn nha!

                   CẢNH HAI: CẢNH ĐỜI LA-DA-RÔ
HDV: Đang khi phú hộ sống trong nhung lụa, suốt cuộc đời no say thừa mứa, thì ngay trước cổng nhà ông, có lão ăn xin La-da-rô đang rên siết thở than vì đói rét và bệnh tật, mong được ăn chút bánh vụn từ bàn tiệc rơi xuống, nhưng cũng chẳng ai cho.
                           

Ngoài cổng nhà phú hộ, La-da-rô thân mình gầy gò, tiều tụy, đầy ghẻ chốc, đầu bù tóc rối, ăn mặc rách rưới, bị đeo trên vai, gậy cầm tay, ngồi than thân trách phận:
- (Thở dài) Đã ba hôm nay rồi, ta không có chút gì trong bụng. (giơ tay gãi ngứa rồi quơ tay đuổi ruồi) Ôi! Mệt lả người. Đời ta phải chịu trăm điều bất hạnh. Mồ côi cha mẹ từ thuở bé. .. Trong khi bao nhiêu đứa trẻ cùng trang lứa được cắp sách đến trường, thì ta… ta phải đi bới rác kiếm ăn… Lớn lên, người ta có đôi có bạn, có mái ấm gia đình, thì ta đây vẫn thui thủi một mình, không vợ không con, không bạn bè thân thuộc… Ai ai cũng có một mái nhà, còn ta đành phải màn trời chiếu đất…
Rồi bệnh tật, ghẻ lở, tuổi già… (ho lên một tràng rũ rượi) Cuộc đời ta… ôi cuộc đời ta thật nhiều bất hạnh… Ta biết tìm đâu nơi nương tựa bây giờ, tìm đâu một tấm lòng biết xót thương, một bàn tay nhân ái… (ho một tràng, đưa tay vuốt ngực)
Một con chó tiến lại vẫy đuôi, liếm ghẻ chốc của La-da-rô.
- Ôi, con Vện kia! Mầy đến an ủi tao đó hả. Mày là sinh vật duy nhất trên đời biết cảm thông với nỗi khốn cùng của tao. Dù sao, mày cũng đem lại cho tao nguồn an ủi. Ước gì con người giàu sang phú quý trong kia cũng biết cảm thương tao như mầy. ( tiếp tục vỗ về con chó) Ừ, mày như vậy mà có phúc đó, Vện à. Mày còn được chủ nuôi ăn, còn tao… còn tao thì chẳng ai thèm ngó đến. Tao chỉ cầu những vụn bánh từ bàn ăn rơi xuống, nhưng lão cũng chẳng cho. Tao còn bất hạnh hơn mày. (ôm con chó vào lòng, chó liếm La-da-rô cách thương mến)


       
CẢNH BA: QUA THẾ GIỚI BÊN KIA.

HDV: Thế rồi, người phú hộ và La-da-rô đều kết thúc cuộc đời dương thế. Người phú hộ chết và phải vào hỏa ngục; còn La-da-rô thì được các thiên thần đưa về trời, vui hưởng hạnh phúc bên lòng Abraham.


Trên sân khấu có hai cảnh trái ngược. Abraham và La-da-rô ngự trên toà cao, lung linh ánh sáng. La-da-rô mặc toàn đồ trắng, lóng lánh kim tuyến, đầu đội triều thiên, có các thiên thần chầu quanh, tay gảy đàn. Abraham tiên phong đạo cốt, áo chùng trắng, râu tóc bạc phơ.
Còn dưới thấp là gã phú hộ, mặc áo chùng đen, trên ngực có hình đầu lâu xương chéo, ngồi trong vòng lửa hừng hực.
Hai con quỷ đầu trâu mặt ngựa lôi cổ gã phú hộ tiến ra trong tiếng nhạc rợn người, rồi xô lão quỳ xuống đống lửa hừng hực.
          Gã phú hộ vò đầu bức tóc, quặn mình rên siết:
          - Ơ nóng! Nóng quá! Ôi! Khốn thân tôi! Khốn thân tôi. Cha mẹ ôi! Phải chi… phải chi đừng có ai sinh tôi ra trên cõi dương gian. Phải chi… phải chi tôi được nhắm mắt yên nghỉ ngay khi mới chào đời. Phải chi… phải chi đừng có cái ngày gọi là sinh nhật của tôi. Ôi! Có ai… có ai hiểu thấu nỗi đau thương khốn khổ nầy không! Tôi phải chịu nung đốt ngày đêm trong ngọn lửa phừng phực nầy. Nóng! Nóng quá! Sao trời đất… trời đất không để cho tôi chết đi! Sao núi đồi không đổ xuống vùi lấp tôi đi! (nức nở) Sao vực sâu không nuốt trửng tôi đi! Để tôi sống làm chi trong chốn cực hình nầy kia chứ. (Ngước nhìn lên, rất đổi ngạc nhiên )
          Ơ kià, kià ai như lão La-da-rô! Đúng, lão đang ở trên kia, trên thiên đàng vinh hiển kia mà. Đúng là lão rồi, gã La-da-rô khốn khổ ngày xưa. À ra thế! Rốt cuộc… rốt cuộc lão lại được hạnh phúc bên lòng Abraham. Còn ta… còn ta thì phải vô cùng đau khổ trong ngọn lửa nầy. Ôi, cảnh đời oan trái, ta có ngờ đâu!
          Nước! Ồ, khát quá, nước đâu? nước đâu? Có ai… có ai cho ta chút nước đi! Khát quá… khát quá! (Nhìn quanh mà chẳng thấy nước đâu). Ôi, lạy tổ phụ Abraham, xin hãy thương xót tôi… xin hãy thương xót tôi! Xin hãy sai La-da-rô  bố thí cho tôi chút nước đi! Tôi khát… tôi khát lắm rồi. Cổ tôi khô cháy rồi. Tôi… tôi phát cuồng lên đây rồi nè! Một giọt nước thôi. Xin hãy sai La-da-rô nhúng tay vào nước, một giọt nước thôi mà!… Nhỏ xuống một giọt nước làm mát lưỡi tôi, vì tôi phải bị thiêu đốt triền miên trong ngọn lửa nầy. (nức nở) Khát… khát….
          Abraham: - Không được đâu con ơi! Con hãy nhớ rằng: suốt đời con, con gặp toàn những điều may lành, phúc lộc, còn La-da-rô gặp toàn bất hạnh, khổ đau. Vậy mà con không hề biết thương xót và chia sẻ với La-da-rô. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con phải chịu đau thương, khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên nầy muốn qua bên các con cũng không qua được; mà bên đó có qua bên chúng ta cũng không được.
          - Nếu vậy… nếu vậy, tôi xin… tôi nài xin cha hãy sai La-da-rô đến nhà cha tôi, vì tôi hiện còn năm anh em nữa. Xin sai… xin sai La-da-rô đến cảnh báo họ, nhắc nhở họ biết yêu thương và chia sẻ, kẻo họ lại sa vào chốn cực hình nầy.
          - Chúng đã có Lời Thiên Chúa dạy bảo. Chúng hãy đọc, hãy nghe, hãy làm theo những lời răn khuyên đó.
          - Lạy tổ phụ Abraham, không được đâu... không được đâu mà! Họ cũng như tôi thôi. Họ không chịu  nghe đâu. Nhưng nếu có ai từ cõi chết hiện về răn bảo họ, thì may ra… thì may ra họ mới chịu ăn năn sám hối.
          - Lời Chúa mà họ chẳng chịu nghe thì cho dù người chết có về thuyết phục, họ cũng chẳng chịu nghe đâu.
          - Ôi… ôi! khốn thân tôi! (nức nở, rồi gục xuống, nhạc réo rắt đau thương)
Hai tên quỷ tiến ra dẫn lão phú hộ đi vào trong.
                                   
         
HDV:
NAM: Qua dụ ngôn “Lão phú hộ và La-da-rô” chúng ta vừa xem, Chúa Giê-su mạnh mẽ lên án nếp sống vô cảm, ích kỷ của người đời và kêu gọi mọi người yêu thương đùm bọc nhau.
Và cũng qua dụ ngôn nầy, Chúa Giê-su gửi đến cho mỗi người chúng ta một cảnh báo quan trọng, là những ai vô cảm với những nỗi đau của người chung quanh, những ai theo chủ nghĩa ma-kê-nô, có nghĩa là mặc kệ nó, chẳng biết xót thương chia sẻ với những kẻ khốn cùng, chắc chắn sẽ phải chịu đau khổ đời đời trong hỏa ngục như lão phú hộ trên đây.

NỮ: Đối lại với thái độ ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến người khác, đối lại với chủ nghĩa “ma-kê-nô”, sống vô cảm trước những đau thương của con người, Thiên Chúa luôn xót thương nhân loại lầm than, tìm mọi cách cứu họ khỏi đau khổ và sự chết, đồng thời mang lại cho họ hạnh phúc thiên đàng.
NAM: Thiên Chúa Ngôi Hai đã thể hiện lòng yêu thương vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại bằng cách hóa thân làm người sống giữa loài người và trở nên anh em, trở nên bạn bè của họ.
Ngài trở nên một trẻ sơ sinh nằm trong máng rơm giữa chuồng bò giá lạnh, để chia sẻ cuộc sống cơ hàn của kiếp nhân sinh.
Ngài vui với người vui, khóc với người khóc, đem ánh sáng cho người mù tối, trao ban lại sức khỏe cho người yếu liệt, trả lại sự sống cho người đã chết, đem lại niềm vui cho những  kẻ u sầu.

NỮ: Chúa Giê-su yêu thương thế gian đến nỗi trao ban chính bản thân mình cho nhân loại. Không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu của Người đã hiến mạng sống cho bạn hữu mình.
Chúa Giê-su mời gọi chúng ta tiếp tay với Ngài để mang hơi ấm tình thương đến với những tâm hồn băng giá.
Chỉ những ai tiếp nối sự mạng yêu thương và phục vụ của Chúa Giê-su thì mới được Chúa Giê-su nhìn nhận là môn đệ, là con cái của Ngài:
“Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng yêu thương nhau.”

NAM: Giờ đây, xin mời cộng đoàn theo dõi nội dung nói trên được trình bày qua hoạt vũ sau đây.

Một bài múa với chủ đề: Chúa trao chính bản thân mình cho nhân loại nhằm mang lại hạnh phúc cho mọi người.
Cảnh Chúa sinh ra trong chuồng bò, có mục đồng xúm xít chung quanh. Mẹ Maria ẵm con vừa đi vừa ru, rồi trao Chúa hài nhi cho các mục đồng nghèo khổ. Các mục đồng vui mừng ẵm Chúa hài đồng trao cho nhau, rồi trao Chúa cho những người mù (thì họ được sáng), trao Chúa cho người bại xụi (thì họ lành bệnh và nhảy mừng lên) trao Chúa cho người mang xiềng xích (thì xiềng xích đứt ra rơi xuống đất)…


Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét: