Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

GIÁO LÝ HƯỚNG ĐẾN PHỤNG VỤ VÀ BÍ TÍCH


Cuốn Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) gồm 4 phần.
1. Tuyên xưng đức tin
2. Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo
3. Đời sống trong Đức Kitô
4. Kinh nguyện Kitô giáo
Nhưng chúng ta có thể chia GLHTCG thành 2 trục chính.
 Trục thứ nhất: Tín lý và bí tích
Đặt con người trước Thiên Chúa và trước hoạt động của Chúa. Đây là trục dọc từ trên xuống. Thiên Chúa thể hiện tình yêu thương, chăm sóc, che chở… Cuộc sống con người trở nên ý nghĩa hơn qua việc soi chiếu cuộc đời của Chúa Giêsu, đặc biệt trong mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh. Tất cả được sáng tỏ trong phần tín lý. Bên cạnh đó con người được ngắm nhìn, lắng nghe con tim mình trở nên mềm nại, hòa nhịp với hơi thở của Ba Ngôi Thiên Chúa trong các bí tích
 Trục thứ hai: Luân lý và câu nguyện
Đây là trục ngang. Đặt con người nhìn qua mọi người với chỉ đạo của luân lý Kitô giáo giúp ta sống yêu thương như Cha trên trời. Đồng thời, đặt con người nhìn vào chính mình, vào chiều sâu tâm hồn qua cầu nguyện
Hai trục ngang – dọc đều có sợi chỉ đỏ xuyên suốt là để gặp Chúa và để Chúa quấn hút. Đó là lý do ta có thể nói: GIÁO LÝ HƯỚNG ĐẾN PHỤNG VỤ VÀ BÍ TÍCH
Để rõ hơn chúng ta cùng đi vào hai điểm sau:
 Giáo lý làm nổi bật Phụng Vụ Bí Tích
 Phụng vụ và Bí tích làm đời sống nên ý nghĩa.
1. GIÁO LÝ LÀM NỔI BẬT PHỤNG VỤ BÍ TÍCH
a. Bản chất của Giáo Lý
Bản chất giáo lý có nhiều biệt điểm nhưng một trong những biệt điểm không thể bỏ qua là dạy giáo lý là làm cho con người tiếp xúc, gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Nói một cách khác đi Giáo lý đưa ta đến một chiều kích hướng thượng. Mà “Phụng” là 崇奉 suy tôn , “Vụ” là 公 務 việc công[1]. Phụng vụ là việc suy tôn, việc hướng thượng.
Mọi hoạt động của Hội Thánh đều hướng tới tột đỉnh là Phụng Vụ; đồng thời, mọi năng lực của Hội Thánh đều phát xuất từ Phụng Vụ [2].Thật vậy, ta sẽ bắt gặp Phụng vụ ngay trong giờ giáo lý bằng những việc như: Làm dấu Thánh giá, kinh nguyện và đỉnh cao của giờ giáo lý là giờ cầu nguyện. Lời cầu nguyện có giá trị thúc đẩy lòng yêu mến, giúp tiến trình gặp gỡ, hiệp thông xích lại gần nhau hơn.
Như thế, học giáo lý chưa đủ, biết Thiên Chúa chưa đủ mà phải tiến xa hơn là yêu mến Chúa. Đó là hành động hướng thượng. Giáo lý phải nhằm dẫn người học viên đến gặp gỡ và kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, chú trọng đến việc xây dựng tương quan hơn truyền đạt kiến thức và khuyến thiện[3].
b. Mục đích của Giáo Lý
Hơn nữa, mục đích của giáo lý không chỉ nhằm giúp ta tiếp xúc, gặp gỡ, nhưng còn mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là làm cho con người không những tiếp xúc, mà còn được thông hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô”[4]. Chỉ mình Chúa Giêsu Kitô đưa ta đến với Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, hiệp thông với Ba Ngôi chí thánh[5]. Chính điều này làm đức tin được tăng trưởng.
Như thế, giáo lý làm nổi bật phụng vụ bí tích. Hay nói khác đi, phụng vụ bí tích có một tầm quan trọng đặc biệt như là trục cấu trúc kinh nghiệm Kitô giáo. Nếu Giáo lý chỉ dừng lại ở kiến thức thì chưa đủ. Vì giáo lý đưa ta đến cuộc sống. Muốn vậy cần phải có một cảm nghiệm của con tim, của tình yêu chứ không chỉ bằng lý trí.
Đôi khi ta thu gọn kiến thức Kitô vào bộ óc bé nhỏ và an tâm thê là đủ. Nhưng có rất nhiều người biết Chúa, hiểu đạo lý Kitô giáo. Nhiều em học giáo lý rất giỏi nhưng ra đời một biến cố đã làm lung lay đức tin. Kiến thức không đủ nhưng cần có cảm nghiệm của chiều sâu. Cảm nghiệm ấy đòi buộc ta phải đụng chạm đến Chúa.
Vì thế, việc dạy giáo lý phải giúp học viên có được một trải nghiệm thiêng liêng, nghĩa là kinh nghiệm gặp gỡ cá vị với Đức Kitô nhờ đọc Lời Chúa với tâm thế cầu nguyện (lectio divina), lãnh nhận bí tích, cách riêng bí tích Thánh Thể và Thống Hối và dấn thân phục vụ[6]. Chỉ khi học viên cảm nhận được tình yêu Chúa bằng kinh nghiệm Chúa rât riêng thì đức tin mới vững mạnh và đủ sức đứng vững trước những cám dỗ cuộc đời. Cảm nghiệm để đi tới gọi Thiên Chúa theo một cách rất riêng, rất sống động.
Nói một cách khác, Thiên Chúa trở nên tuyệt đối của mỗi người. Có như thể, ta mới có một kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, là kinh nghiệm về quyền năng của “Lời” và về sự chữa lành của “Lời”, cho phép người học viên thăng tiến cuộc sống và góp phần xây dựng một xã hội công bình, bác ái..
2. PHỤNG VỤ VÀ BÍ TÍCH LÀM ĐỜI SỐNG NÊN Ý NGHĨA.
a. Nhà thờ
Nhưng trước khi hiểu Phụng vụ và bí tích là gì? Học viên cần có cơ hội làm quen với ngữ điệu (Rhythm), hình ảnh (Sight), âm thanh (Sounds), mùi vị (smell)của phụng vụ và bí tích. Do đó việc cho trẻ nhỏ đến nhà thờ là đều cần thiết. Ngay cả các bạn dư tòng cũng vậy. Trước khi giới thiệu về Phụng vụ và Bí tích hãy mời học viên đến nhà thờ chỉ đơn giản để ngồi nghe và xem thôi. Nhưng đó chính là cơ hội cho họ cảm nến thế nào là Phụng vụ bí tích. Giống như trẻ nhỏ trước khi phát âm từ “mẹ” thì trẻ phải cảm nhận được mùi vị của mẹ. Như thế, để có thể cảm nhận sâu hơn về Phụng vụ bí tích, trước tiên ta cần giúp học viên đến với nhà thờ, đơn giản hơn là viếng Thánh Thể.
Việc viếng Thánh thể tuy đơn sơ nhưng qua đó giúp học viên gắn bó với Đức Kitô. Bên cạnh đó, thiết lập nền móng cho tòa nhà thiêng liêng của người Kitô hữu, bằng việc đưa họ vào sinh hoạt chung của cộng đoàn đang sống, đang cử hành và làm chứng cho đức tin[7]. Tòa nhà thiêng liêng còn được gọi là đời sống tinh thần.
b. Đời sống đức tin
Con người ngày nay phải đối diện với biết bao những sao động của những trào lưu: tục hóa, duy vật, hưởng thụ làm đời sống vô nghĩa không thể lấp đầy khát vọng của con người. Sống trong bối cảnh xã hội có những biến chuyển không ngừng và đối diện với những xu hướng tục hóa. Con người rất dễ bị mẫn cảm và mềm yếu hay như một bình pha lê dễ vỡ. Con người phải trực diện với biết bao những biến động của thiên tai, của sự vật bất toàn. Nó làm con người âu lo và vô định.
Vì thế, hơn bao giờ hết, con người có khuynh hướng trở về chiều sâu tâm hồn và mặc cho những sự vật thô một ý nghĩa nhân văn. Xưa nhu cầu của con người là ăn no, mặc ấm, nay ăn ngon mặc đẹp. Nhưng hơn nữa con người không chỉ ăn cái gì nhưng ăn để làm gì? Ví dụ: bàn tiệc không phải để ăn no bụng nhưng là nơi gặp gỡ yêu thương. Đó là giá trị cao hơn, giá trị nhân văn.
Cũng thế, mỗi một hành động trong phụng vụ như : dấu Thánh giá, kinh nguyện, chúc bình an… mặc lại cho sự việc thô một ý nghĩa nhân văn, tương tác chiều sâu. Nói một cách khác đi, những hành vi thực dụng là cho đời sống nên trống rỗng thì Phụng vụ lại làm cho đời sống thăng hoa qua những ý nghĩa của từng hành vi. Những việc phụng vụ được lập đi lập lại trở nên gõ nhịp yêu thương. Vì trong các bí tích, nhất là trong thánh lễ, Ðức Giê-su Ki-tô hoạt động cách trọn vẹn nhất để biến đổi con người [8]. Vì Thánh lễ là nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu[9].
Một khi tham dự Thánh Lễ sốt sắng và sống được tinh thần mỗi Thánh Lễ hàng ngày (tinh thần yêu thương tha nhân và nỗ lực đem Chúa đến cho mọi người) thì mỗi cá nhân sẽ đem được tinh thần đức tin thấm nhập vào đời sống thường nhật. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II khẳng định trong Tông thư Dominicea Cenae rằng: “Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể là linh hồn của mọi đời sống Kitô hữu. Thật vậy, nếu đời sống Kitô hữu được diễn tả trong việc chu toàn lệnh truyền cao cả, nghĩa là trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân thì tình yêu đó bắt nguồn từ chính Bí tích Thánh, thường được gọi là Bí tích Tình yêu… Việc tôn sùng đó xuất phát từ tình thương và phục vụ tình thương, là đối tượng ơn gọi của chúng ta trong Đức Giêsu Kitô[10]. 
Khi việc cử hành chấm dứt, Thánh Lễ vẫn không kết thúc. Thánh Lễ sẽ theo ta suốt cả ngày. Thức ăn nuôi dưỡng chúng ta bằng cách chuyển hóa trong cơ thể chúng ta. Nhưng Thánh Thể – thức ăn thiêng liêng – chuyển hóa chúng ta vào trong Chúa Giêsu. Vì vậy, cả ngày sống của chúng ta – hiệp nhất với Hy lễ nơi Bàn Thờ – trở nên một Thánh Lễ nối dài khiến những gì chúng ta làm – công việc, nghỉ ngơi, gia đình, các mối quan hệ xã hội có một giá trị linh thánh không còn ở bình diện thực dụng. Giá trị ấy làm cho đời sống con người nên cao cả.
Vâng. Chính Phụng Vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, như là nguồn mạch chảy tràn ân sủng vào trong chúng ta và làm cho con người được thánh hóa trong Chúa Kitô một cách hữu hiệu đồng thời Thiên Chúa được tôn vinh; đó là điều mà mọi công việc khác của Giáo Hội đều qui hướng về như là cứu cánh[11].
KẾT:
Qua những nét khái quát vừa trình bày, chúng ta thấy được mối liên hệ mật thiết giữa Giáo lý và Phụng vụ Bí tích; giữa Phụng vụ Bí tích và đời sống đức tin.
Giáo lý hướng đến Phụng Vụ nhằm đưa con người vào mầu nhiệm Chúa Ki-tô, dẫn từ hữu hình tới vô hình, từ dấu chỉ tới thực tại, từ các bí tích tới các mầu nhiệm [12]. Bên cạnh đó, phụng vụ bí tích dẫn đưa các tín hữu vào Sự Sống mới [13]. Đặc biệt, Thánh Lễ là cội nguồn và linh hồn của tín hữu. Vì thế, Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành phụng vụ cách trọn vẹn ý thức và linh động[14]. 
Đặc biệt, giáo lý hướng đến phụng vụ bí tích là đưa ta từ dấu chỉ đến niềm tin. Ta chỉ có thể đọc ra ý nghĩa xuyên qua mỗi một biến cố, một dấu chỉ thời đại bằng cặp mắt đức tin. Trong niềm tin ta mới nhận ra tất cả đều là hồng ân của Thiên Chúa. Có như thế ta mới có một cuộc sống lạc quan và hạnh phúc.
Do đó, là một Giáo Lý Viên, chúng ta không chỉ chuyển trao kiến thức Kitô giáo, nhưng còn phải quy hướng đến phụng vụ cho việc cử hành đức tin cá nhân trong việc tôn thờ và thưa chuyện với Chúa, để cá nhân có được kinh nghiệm gặp gỡ Chúa. Nhờ đó, đời sống đức tin được xây dựng trên nền tảng vững chắc. Hay nói một cách khác đi, Giáo Lý Viên cần đào tạo thường xuyên làm cho các Kitô hữu trưởng thành hơn trong đức tin, được nuôi dưỡng cách chính yếu qua việc tham dự Thánh Lễ, lắng nghe Tin Mừng và chia sẻ hy lễ của Đức Kitô với những cách thế như sau:
 Học Thánh Kinh, nhất là qua lectio Divina (Việc đọc và suy niệm Lời Chúa, và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày).
 Học hỏi về cầu nguyện, các dấu hiệu và cử chỉ trong Phụng Vụ Thánh, và hướng về sự tham dự trọn vẹn hơn vào Phụng Vụ Thánh.
 Sáng kiến đào luyện tâm linh giúp tăng cường những xác tín, giúp kiên trì cầu nguyện và trong những cam kết “bước theo Đức Kitô” để làm chứng nhân cho Nước Trời. [15]
Nt. Maria Bùi Thị Bích Mai OP
…………………………………………………………………………………
[1] Từ điển Hán Việt của tác giả Trần Văn Chánh
[2] SC 10
[3] HDTQMVGL 2015, 133
[4] DGL 5; x. HDTQ 80.
[5] X. DGL5
[6] HDTQMVGL 2015, 133
[7] HDTQ 67, 68.
[8] GLHTCG 1074
[9] X. LG 11.
[10] Gioan Phaolô II, Dominicea Cenae, số 5a.
[11] SC 10.
[12] GLHTCG 1075
[13] X. GLHTCG 1071
[14] SC 14
[15] X. HDTQMVGL 2015, 41

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét: