Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

THỰC HIỆN GIÁO ÁN GIÁO LÝ HỒNG ÂN 2018

 

DẪN NHẬP: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28, 19a)

 

I.                  VIỆC CANH TÂN GIÁO LÝ

A.    TRONG HỘI THÁNH.

1.     Đáp ứng nhu cầu giáo dục đức tin trong HT, vì dạy GL là ưu tiên hàng đầu trong sứ vụ mục vụ của Hội Thánh (Th DGL số 1).

a.     Thánh GH Gioan Phaolô II: Tông huấn “Việc dạy giáo lý trong thời đại chúng ta” (16/10/1979)

b.     Thánh Bộ Giáo sĩ: Hướng dẫn tổng quát về việc dạy Gíao lý (15/8/1997)

c.      Sách GLHTCG (1992) àToát yếu sách GLHTCG (2005)  àYoucat (2011)  à docat (2017)   …Tất cả là để đáp ứng nhu cầu giáo dục đời sống đức tin trong Hội Thánh hôm nay

B.    TRONG GIÁO HỘI VIỆT NAM:

Bộ giáo lý hồng ân

1.     Sách “Bản hỏi Thưa Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo” 2013

2.     HĐGMVN: Hướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lý tại VN.2017

2.     ĐHGL toàn quốc lần V 2017 tại TGMXL với chủ đề: “Đào tạo giáo lý viên nên con người  hiệp thông”: tức là giúp học viên giáo lý viên bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi người, để từ kinh nghiệm ấy họ biết dạy giáo lý theo mô hình hiệp thông.

C.    TRONG GIÁO PHẬN XUÂN LỘC:

1.       Bộ sách giáo lý Hồng Ân gồm 3 cấp được thai nghén, sinh ra và lớn lên như “hạt giống nảy mầm” giữa hoàn cảnh đổi thay biến động của đất nước,nó khởi đầu thật khiêm tốn, nhiều lúc như phải “giấu mặt ẩn mình”, không thiếu lúc gian nan “thay mưa mùa, Chúa đổ toàn mưa đá”, nhưng rồi chính Chúa lại dẫn bước để Bộgi áo lý Hồng Ân có thể xuất đầu lộ diện một cách chính thức và đem lại niềm vui cho giáo phận như tác giả Tv 126,5: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặp mai sau khấp khởi mừng”, khi ĐC Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, GMGPXL vào năm 1997  với văn thư công bố cho toàn giáo phận: “Đây là Giáo lý căn bản tối thiểu cho mọi người tín hữu trưởng thành vào thiên niên kỷ thứ 3. Vì thế, tất cả những người có trách nhiệm giáo dục Đức tin đều nhất thiết sử dụng sách GLHÂ vào chương trình giảng dạy và giáo dục đức tin tại các giáo xứ, giáo họ. Chỉ những ai đã học xong cuốn GLCG ít nhất 3 cấp giáo lý thiếu nhi này mới được học Giáo lý Hôn phối và tiến hành hôn lễ.

2.     Trải qua bao thời gian, bộ giáo án giáo lý Hồng ân đã được các vị có trách nhiệm luôn cập nhật thăng tiến cho thích hợp với hoàn cảnh, nhu cầu cuộc sống. Riêng Bộ giáo án GLHÂ 2018 mà chúng ta sắp áp dụng cho thủ bản mới của 3 cấp, là một nỗ lực cố gắng của Ban Huấn giáo giáo phận, để có tải liệu chắc chắn và trung thành với giáo huấn của Hội Thánh, đặc biệt hướng dẫn giáo lý viên và học viên đi vào 3 chiều kích “Hiệp thông”với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi người theo hướng của ĐHGLTQ tại VN năm 2017 đề ra.

a.     Hình thức: Sách đẹp, trình bày rõ ràng với những hình ảnh phụ họa.  Tiến trình lên lớp được chia thành 2 phần: HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO LÝ VIÊN / HOẠT ĐỘNG CỦA HỌC VIÊN

b.     Bố cục: Vẫn giữ số câu, phân đoạn và chủ đề của 3 cấp theo sách Thủ bản GLHÂ trước đây, chỉ thay đổi một số từ ngữ, hoặc thêm một câu nào đó cho thích hợp với  Bản Hỏi Thưa Gíao lý Hội Thánh Công Giáo” của UBGLĐT trực thuộc HĐGMVN.2013.

c.      Nội dung: Dựa theo SGLHTCG, trình bày cách sống động lịch sử cứu độ và các nội dung đức tin của Giáo Hội, để đào sâu đức tin của mỗi người theo từng giai đoạn thích hợp (3 cấp GLHÂ) theo hình soắn ốc.

GA.GLHA 2018 đặc biệt chú ý đến vị thế của Lời Chúa: Trong Bộ giáo án này, chúng ta sẽ gặp thấy nhiều hoạt động nhằm giúp học viên làm quen, tiếp xúc và đi sâu vào Lời Chúa, vì Kinh Thánh là linh hồn của việc giảng dạy giáo lý, và đặc tính trung tâm của Lời Thiên Chúa, là việc dạy giáo lý, nên tự bản thân các GLV “phải thấm nhuần và nắm vững tư tưởng, tinh thần và các thái độ Kinh Thánh và Tin Mừng” , bởi ví chúng ta không thể cho cái mình không có. “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” (T. Giêronimo).

“Quả thật, Kinh Thánh, với tư cách là ‘Lời Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần’ và Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, với tư cách là cách thế diễn tả đương thời Truyền thống sống động của Giáo Hội và là nguyên tắc chắc chắn để giáo huấn đức tin, cả hai, mỗi bên theo cách thức và uy thế riêng, đều được mời gọi chúng ta quan tâm để làm phong phú việc giảng dạy giáo lý trong Giáo Hội và đưa chúng ta vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội Thánh và giữa chúng ta với nhau, điều này sẽ thực hiện được nhờ Lời Thiên Chúa, vì Lời Chúa là nguồn mạch bất tận luôn đổi mới. (x Th DGL số 74)

d.     Phương pháp trình bày: Sách Giáo án GLHÂ 2018 áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, hay còn gọi là phương pháp giáo dục chủ động,  là những phương pháp, cách thức, kỹ thuật khác nhau giúp cho lớp học trở nên sinh động và hấp dẫn, tạo cho cơ hội cho học viên được tham gia làm việc một cách chủ động và sáng tạo – trong đó người học là trung tâm trong quá trình dạy học, người dạy giữ vai trò định hướng, dẫn dắt.

Chuyển từ phương pháp  giảng dạy một chiều, như chúng ta thường dạy ở nhiều nơi trước đây sang phương pháp giảng dạy tích cực,  không chỉ là một quá trình chuyển biến phương pháp - mà cón là quá trình chuyển biến chất lượng và hiệu quả học tập. Do đó cả giáo lý viên và học viên đều cần phải tư duy và nỗ lực làm việc để người dạy không chỉ là người thầy mà còn là người tạo điều kiện, người cố vấn, người điều phối, người đánh giá, người lập kế hoạch giúp cho học viên giáo lý tham gia khám phá, tìm kiếm và thực hiện điều mình đã học,  hầu giữa GLV và HV có một sự tương tác thân tình, dễ dàng dẫn đến sự hiệp thông với Chúa, với Hội Thánh và với con người …

 

II.                VAI TRÒ CỦA GÍAO LÝ VIÊN:

Áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, vai trò GLV thật quan trọng, tất cả đều cần đến sự hy sinh tích cực hướng dẫn của GLV: “không thầy đố mày làm nên”, câu nói nghe nôm na nhưng lại nói lên giá trị cần thiết của vai trò GLV, sẵn sàng chấp nhận thay đổi, chấp nhận rời bỏ những thói quen để thực hiện một điều tốt hơn, dầu phải mất thời gian.  Cụ thể, chính sự thay đổi phương pháp này đòi chúng ta phải thay đổi cách dạy và học như thế nào để có hiệu quả. Đôi khi việc áp dụng phương pháp giảng dạy  tích cực này hay còn gọi là phương pháp trực quan nghĩa là sử dụng bảng, chữ viết, tranh, ảnh, hình vẽ, sơ đồ, bảng biểu, hay một đoạn video clip, phim tư liệu .v.v  bắt buộc chúng ta dành thời gian nào đó để đầu tư, chuẩn bị…Ngay cả việc sử dụng phương tiện hỗ trợ trong bài giảng chủ yếu là tấm bảng quen thuộc hàng ngày cũng sẽ được tận dụng cach hiệu quả và có sức thuyết phục thật sự khi được kết hợp sinh động với các phương pháp giảng dạy khác .

Điều này được thực hiện bằng cách GLV phân nhóm, đặt câu hỏi, nêu chủ đề thảo luận ….để khuyến khích tính chủ động, tích cực tham gia học tập, khai thác nội dung giáo lý của học viên.

Thực hiện phương pháp giảng dạy  tích cực này có thể gây cho GLV một áp lực vì phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chu đáo hơn cho một tiết học giáo lý, nhưng chắc chắn nó đem lại ích lợi và nâng cao chất lượng cho việc truyền đạt và học giáo lý của Chúa, đồng thời giảm bớt được những giải thích dài dòng không cần thiết, và tăng thêm sự tích cực, sự hiệp thông của học viên đối với Chúa, với Hội thánh và với tha nhân trong một tiết học giáo lý.

Muốn thực hiện được phương pháp giảng dạy tích cực này, GLV cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cụ thể về việc sử dụng những phương tiện hỗ trợ giảng dạy và học tập, để giúp chúng ta có thể thực hiện giờ giảng dạy giáo lý tốt  hơn theo các phương pháp hiện đại một cách hiệu quả, vì hiện nay các học viên giáo lý của chúng ta đã từng tiếp xúc, làm quen với lối giảng dạy này tại các môi trường giáo dục văn hóa. Tuy nhiên, thực hiện được phương pháp giảng dạy tích cực này đều do sự nhiệt thành học hỏi chuẩn bị của giáo lý viên: “không có gì tốt mà dễ cả”, “95% sự thành công là nhờ ở cố gắng”.

III.             CÁCH THỰC HIỆN tại lớp giáo lý:

a)    GLV đến lớp sớm để chuẩn bị các phương tiện (phải dành thời gian chuẩn bị các công cụ trực quan)

b)    Các hình vẽ, tranh ảnh, biểu bảng,… phải dễ hiểu, sát với chủ đề và nội dung giáo lý muốn tình bày. Ưu tiên cho những gì liên hệ đến Kinh Thánh, lịch sử Hội Thánh, các thánh…

c)     Hình ảnh, bảng biểu được hiển thị theo thứ tự trình bày.

d)     Các hình ảnh bảng biểu phải được sắp xếp ở vị trí dễ quan sát

e)     Sử dụng ngôn từ phải chính xác, rõ ràng để người học hiểu đúng nội dung muốn truyền đạt.

f)      Chuẩn bị những phương tiện phù hợp để có thể treo, ghim, dán tranh ảnh, hình vẽ. Chữ viết và hình ảnh đủ lớn để mọi người có thể nhìn dễ dàng.

g)     Những nội dung chính, cốt lõi, quan trọng nên được hiển thị suốt buổi học.

h)    Cuối giờ, kiến thức được tổng hợp trên bảng và trong vở của học viên để nội dung giáo lý thấm sâu vào mỗi học viên sau mỗi hoạt động.

IV.  LỢI ÍCH CỦA PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY TÍCH CỰC :

Kiến thức lý thuyết có thể được học viên ghi nhớ trong những giờ kiểm tra, nhưng sau khi thi xong, kiến thức đó sẽ biến mất. Tất cả những gì chúng ta học phải giúp chúng ta lý giải về cuộc sống của người Kitô hữu,  để từ đó tìm kiếm phương hướng thay đổi chính mình sống theo cung cách của Tin Mừng là điều quan trọng, hầu có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.

Cha ông ta dạy: “Trăm nghe không bằng một thấy”. Các nhà sư phạm Đức có câu: “Một bức tranh hơn cả ngàn lời nói”; Lý thuyết và thực hành phải gắn bó với nhau như ngày với đêm.  Đức Phanxicô trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” đã nói: “Muốn bài giảng của chúng ta phong phú và hấp dẫn hơn. Một trong những điều quan trọng nhất là học cách sử dụng hình ảnh…các hình ảnh giúp người nghe nhiều hơn trong việc quí chuộng và chấp nhận sứ điệp chúng ta muốn truyền đạt. Một hình ảnh hấp dẫn có thể làm cho người nghe cảm nếm được sứ điệp, đánh thức ước muốn và đánh động ý chí hướng tới Tin Mừng” (Th NVTM số 157)

 Nhưng chúng ta phải cẩn thận trong việc chọn lựa hình ảnh, truyệt đối phải tránh: làm cho tiết học trở thành như một buổi triển lãm tranh ảnh tùy hứng…!

Ngoài những ích lợi trên, con còn thấy có những ích lợi sau:

-         Phát huy óc sáng tạo và năng động cho học viên

-         Rèn luyện ý thức tập thể, tính tương trợ và đoàn kết

-         Tạo sự gắn bó với các học viên

-         Phát huy những tài năng mới.

V.     KẾT LUẬN:

·        Khi thi hành sứ vụ dạy giáo lý, GLV sẽ bước vào một mạng lưới tương quan (Linh mục, tu sĩ, các bạn GLV, phụ huynh, học viên…). Vì thế, để có thể phục vụ tốt, GLV cần thiết lập những tương quan hiệp thông với mọi người, được khởi đi từ sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Giáo Hội, như thế mối tương quan mới có thể bền chặt và lợi ích thiết thực cho việc giáo dục đức tin

·        Để canh tân việc dạy giáo lý theo chiều kích hiệp thông, chúng ta phải dũng cảm mở lòng mình ra cho hoạt động Thánh Thần, để nhờ quyền năng Thánh Thần, chúng ta mới có thể trở thành người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần thực sự, vì không ai có thể cho cái mình không có.

·        Việc sử dụng những phương pháp và kỹ năng sư phạm hiện đại phải thực sự là phương tiện tốt để truyền thông toàn thể chứ không phải chỉ một phần “các lời ban sự sống đời đời” “các con đường sống”.(Th DGL số 31)

·        Muốn sử dụng giáo án Giáo Lý Hồng Ân 2018 cách tốt nhất, các bạn GLV  cần ý thức chuẩn bị giáo án một cách tích cực, cho dầu giáo trình đã được chuẩn bị sẵn, vì đó là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi chúng ta phải dành một lượng thời gian dài cho việc cầu nguyện, tra cứu, suy tư và óc sáng tạo mục vụ. Chúng ta hãy chiêm ngắm, lắng nghe và bước theo Đức Giêsu khi người đồng hành với hai môn đệ Emmau, đó là biểu thị khuôn mẫu của việc dạy giáo lý “Hiệp thông” giữa thời đại chúng ta (x Th NVTM số 145; x Th Lời TC số 75).

·        Cầu chúc các bạn trở thành người loan báo Tin Mừng Cứu Độ tốt nhất của Đức Giêsu, Đấng vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi mãi đến muôn đời (Dt 13, 8).

Sr. Maria Bùi Thị Bích Mai

Tài liệu tham khảo:

1.     Tông huấn “Việc dạy giáo lý trong thời đại chúng ta” (Thánh GH Gioan Phaolô II)

2.     Tông huấn “Lời Thiên Chúa”(Đức giáo hoàng Benedicto XVI)

3.     Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Đức giáo hoàng Phanxicô)

4.     Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý tại Việt Nam (HĐGMVV 2017).

5.     Tài liệu Đại Hội Giáo lý toàn quốc V (2017) tại TGM Xuân Lộc

6.     Cẩm nang Phương Pháp Sư phạm ( Nguyễn Thị Minh Phương, Phạm Thị Thúy, Lê Viết Chung)

 

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét: