Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ

PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ Nt. Maria Bùi Thị Bích Mai Lệnh truyền Rao giảng Tin Mừng của Giêsu trao lại cho Hội Thánh luôn là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng của mỗi người Kitô hữu, đặc biệt là những người đáp trả ơn gọi phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong việc hướng dẫn và giáo dục đức tin cho các em thiếu nhi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28, 19a) Và theo sự phát triển của xã hội, cũng như bối cảnh thời đại mỗi ngày một thay đổi, đòi hỏi các Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên cũng phải cập nhật những phương thế mới, hữu hiệu và tích cực hơn, nhằm làm cho việc “loan báo Tin Mừng” qua những lời giảng dạy và chia sẻ trở nên sinh động và có chiều sâu hơn. Tuy nhiên, việc cập nhật này không rời xa nền tảng là Kinh Thánh và đời sống cầu nguyện, mà trái lại, nhờ nền tảng ấy, việc cập nhật này còn đưa học viên vào cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa “là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn”, “là Cha” và “là Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”. Muốn đạt tới mục tiêu trên phải. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể sẽ thỏa đáng với 2 phương pháp giáo dục: - Phương pháp Giáo Dục Siêu nhiên - Phương pháp Giáo Dục Tự nhiên. A. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC SIÊU NHIÊN TRONG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ Mục đích của việc giáo dục TNTT cốt để giúp các em đạt tới mức trưởng thành về thể chất và tinh thần. Để được như vậy phải có thời gian, việc giáo dục thường tiệm tiến trải qua những giai đoạn khác nhau cả về mặt sinh lý lẫn phương diện lý trí và đời sống tâm linh. Về mặt sinh lý, giúp cho các em vui sống, phát huy các tiềm năng vốn có nơi mỗi em. Về mặt tâm linh, giúp các em đi vào mối tương quan thân tình và sống hòa hợp với Chúa và với anh chị em. Phương pháp siêu nhiên TNTT nhằm giáo dục các em về đời sống tâm linh. Phương pháp siêu nhiên đặt nền trên hai bàn tiệc là Lời Chúa và Thánh Thể. Thánh Kinh và Thánh Thể là hai bàn tiệc nuôi dưỡng đời sống tâm linh cũng như hướng dẫn công tác giáo dục. 1. Sống ngày Thánh Thể “Dù anh em ăn uống hay làm việc gì, anh em hãy làm tất cả vì Danh Chúa Giêsu Kitô” (1Cr 10,31). Sống ngày Thánh Thể chính là cách thức nên Thánh của đoàn sinh Thiếu Nhi Thánh Thể. a. Mục đích : Giúp đoàn sinh biết kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong suốt một ngày sống của mình, từ lúc thức dậy cho đến lúc nghỉ đêm, bằng ý thức và việc làm. b. Thực hiện : - Sáng thức dậy : Dâng ngày - Trong ngày : Sống và làm điều tốt, chu toàn bổn phận. Tham dự Thánh lễ, rước lễ. Cầu nguyện trước và cám ơn sau mỗi quyết định, mỗi việc làm. Sẵn sàng vượt qua những khó khăn bằng tinh thần hy sinh... - Đêm xuống : Đọc kinh tối, đọc Lời Chúa, xét mình, ghi bó hoa thiêng. 2. Giờ Thánh Thể Thiếu Nhi tôn sùng Thánh Thể Siêng năng chịu lễ, viếng Chúa hằng ngày (Điều 2, 10 điều tâm niệm) Thánh Thể đóng vai trò quan trọng trong đời sống đức tin Kitô giáo, vừa là quà tặng cao qúi của Thiên Chúa vừa là thần lương cho chúng ta trên đường dương thế. Thánh Thể có vai trò đặc biệt, vì vừa là bí tích trao ban ân sủng mà còn là chính Đấng ban ân sủng. Chúa Trời đất trở nên tấm bánh nhỏ bé để gần gũi con người, để hòa nhập với con người. Để họ đến tâm sự và giãi bày cùng Ngài mà không e sợ, để Ngài ở trong ta và ta ở trong Ngài. a. Mục đích : Giờ Thánh Thể nhằm giúp các em : - Năng viếng Chúa nơi nhà chầu để thăng tiến nhân đức tin, cậy, mến. - Biết thờ lạy, cảm tạ, chiêm ngắm, gần gũi và tâm sự với Chúa trước Thánh Thể. Chính vì vậy, Giờ Thánh Thể là cao điểm của việc sống Ngày Thánh Thể. b. Thực hiện : - Trong các buổi huấn luyện, sinh hoạt, vào sa mạc, cần phải chuẩn bị sao cho thuận tiện để đoàn sinh có thể đến trước nhà tạm Thánh Thể. Nếu ở những nơi cách xa hoặc không có nhà thờ, thì cần có lều Thánh Thể để đoàn sinh viếng Thánh Thể. - Số lượng đoàn sinh, hay cách thức viếng Thánh Thể có thể thay đổi cho phù hợp với thời lượng, khung cảnh, lứa tuổi của mỗi đoàn sinh miễn là đạt được mục đích là giúp các em đến gần và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. 3. Lãnh nhận Lời Chúa Thánh Giêrônimô: “Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”. Lời Chúa là sức mạnh và là nguồn sống mới, hiểu và xác tín điều đó, nên Thánh Phêrô mới tuyên tín “Bỏ Thầy con biết theo ai, vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Lời Chúa là nền tảng của mọi sinh hoạt và huấn luyện của PT TNTT. a. Mục đích : Hướng dẫn các em biết cách đọc, suy niệm, hiểu và sống Lời Chúa. Nhờ đó, các em biết suy nghĩ, đánh giá và phản ứng trước các tình huống của cuộc sống theo tinh thần Tin Mừng. b. Thực hiện : - Hát hay đọc một kinh để bắt đầu - Sau đó, mọi người cùng đọc một đoạn Tin Mừng theo chủ đề ( ngày lễ, huấn luyện, hội họp…) - Thinh lặng suy gẫm, và có thể chia sẻ. - Khi kết thúc có thể hát một bài hát. 4. Khung cảnh Thánh Kinh Là việc tái tạo một không gian nhất định trong lịch sử mà đã được Kinh Thánh ghi chép lại. Những con người, những lời nói, những sự việc được tái hiện một cách chân thực sẽ giúp cho các em như đang tận mắt chứng kiến những sự việc ấy, giúp các em có được cái nhìn trực quan và những tâm tình riêng được Chúa đánh động nơi mỗi đoàn sinh. a. Mục đích : - Phong trào TNTT khơi gợi cho các em khung cảnh Thánh Kinh một cách sinh động để các em sẽ dễ hòa mình vào những câu chuyện, nhân vật trong thánh Kinh nhằm dễ gặp gỡ Thiên Chúa, tiếp thu những tâm tình và bài học Chúa muốn nói. - Trong Khung cảnh đó Thiên Chúa đã phán Lời, đã hành động, đã cứu độ… - Khung cảnh Thánh Kinh sẽ cung cấp cho các em một mẫu gương sống phù hợp với lứa tuổi, giúp các em dễ dàng bắt chước và học theo cách sống của Chúa Giêsu. b. Thực hiện : Tổng Liên Đoàn chọn 3 giai đoạn của cuộc đời Chúa Giêsu làm khung cảnh huấn luyện chung cho ba Ngành. - Với Ngành Ấu là khung cảnh tuổi ấu thơ của Chúa Giêsu : Cảnh gia đình đầm ấm, yêu thương, là khung cảnh thích hợp cho các em Ấu nhi. Tập cho các em sống ngoan hiền, yêu thương mọi người. Châm ngôn sống của các em là NGOAN. - Với Ngành Thiếu là khung cảnh thời niên thiếu của Chúa Giêsu : Tập cho các em biết sống âm thầm hy sinh, vâng phục, chăm chỉ học hành, vâng lời cha mẹ, biết phụ giúp cha mẹ, cần cù lao động … giống như Chúa Giêsu sống ẩn dật nơi làng Nasazét. Châm ngôn sống của các em là HY SINH. - Với Ngành Nghĩa là khung cảnh thời rao giảng của Chúa Giêsu : hình ảnh Chúa Giêsu dong duổi khắp nơi loan báo Tin Mừng, thực thi Thánh Ý Chúa Cha, chinh phục, cứu độ muôn dân là lý tưởng của tuổi Nghĩa sĩ, những người trẻ tràn trề sức sống, sẵn sàng tham gia, nối tiếp bước đường rao giảng của Chúa Giêsu, như Thánh Phaolô lên đường truyền giáo. Châm ngôn sống của các em là CHINH PHỤC. Tóm lại : Với khung cảnh Thánh Kinh, PT.TNTT.VN không chỉ dạy về Chúa Giêsu, mà còn tập cho các em sống và hành động theo mẫu gương Chúa Giêsu. 5. Bầu khí Thánh Kinh a. Mục đích : - PT nhằm đưa Thánh Kinh vào từng ngóc ngách nhỏ nhất của cuộc sống các em, nên từ lời ăn tiếng nói, đến những thái độ cử chỉ, sinh hoạt vui buồn, ý tưởng nghĩ suy… đều theo khuôn mẫu của Thánh Kinh. - Tạo môi trường toàn yếu tố Thánh Kinh (bài hát, vũ, trò chơi, băng reo, ý lực, tên đội … trong các sinh hoạt cũng như Sa Mạc) để đoàn viên thấm nhuần Kinh Thánh và sống theo Tin Mừng. - Nhờ quen đọc và suy gẫm Thánh Kinh, tư tưởng của Thánh kinh thấm vào trong suy nghĩ dựa trên Thánh Kinh, đoàn sinh sẽ dễ dàng vận dụng Thánh Kinh làm mẫu mực cho cuộc sống và có thể nói như Thánh Phaolô : “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Ðức Kitô sống trong tôi”(Gl 2, 20) b. Thực hiện : - Trong các trò chơi, bài hát, băng reo, các buổi trại, các sa mạc, các chiến dịch thi đua ngay cả việc đặt tên cho Đoàn, Đội . . . cũng phải đưa những chất liệu của Thánh Kinh vào, lấy Thánh Kinh làm nền tảng. Dưới đây là một vài thí dụ : - Đặt tên Đội cho Ngành Ấu theo tên một số nhân vật trong Thánh Kinh : 1. Gabriel – Truyền Tin! 2. Micae – Chiến Thắng! 3. Kêrubim – Sốt Mến! 4. Sêraphim – Mến Chúa! Biết và yêu mến Chúa Kitô chính là châm ngôn sống của Thánh Augustino : “Hãy yêu đi rồi bạn muốn làm gì thì làm”. Và đây cũng chính là châm ngôn sống của các thiếu nhi. Biết và yêu mến Chúa Kitô là gì nếu không phải là giúp các em tiếp cận với Chúa Giêsu qua khung cảnh Thánh Kinh bằng những lời nguyện, bài hát, trò chơi, băng reo, vũ khúc đượm mầu Thánh Kinh tạo nên môi sinh thấm đậm Lời Chúa. Đạt được mục đích tối hậu như thế thì khung cảnh Thánh Kinh được tổ chức thành công. Thánh Kinh và Thánh Thể là hai lãnh vực sinh hoạt trong đời sống tâm linh của TNTT ; chính Thánh Kinh, Thánh Thể như sức mạnh, nguồn sống của các em. Đồng thời, Thánh Kinh và Thánh Thể là nền tảng của giáo dục. Như Thánh Gioan Bosco nói : “Đứa trẻ không phải chỉ được yêu nhưng các em phải cảm thấy mình được yêu. Thánh Thể và Thánh Kinh thắm đẫm trong phương pháp siêu nhiên và tự nhiên bảo đảm cho việc giáo dục thiếu nhi, góp phần làm phát triển toàn diện cả về phương diện thể chất lẫn tinh thần. B. PHƯƠNG PHÁP TỰ NHIÊN TRONG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ 1. Hàng Đội a. Khái niệm Phương pháp hàng đội là hình thức thực hiện cơ cấu tổ chức cho một tập thể (Liên đoàn- Hiệp đoàn- Xứ Đoàn), trong đó tập thể này được chia thành những tập thể nhỏ, tập thể nhỏ nhất và căn bản là Đội. Mỗi Đội có một người đứng đầu là Đội trưởng, Đội trưởng được trao quyền để điều động các đoàn sinh thực hiện các hoạt động theo hoạt động chung của tập thể trên mình. Ngay chính Chúa Giêsu cũng đã thực hiện phương pháp hàng đội: ngoài các tông đồ, Ngài “chỉ định bảy mươi hai người khác và sai các ông từng hai người một” (Lc 10,1) để thực hiện việc rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành người đau yếu. Ngài không làm một mình mà tin tưởng trao quyền cho các môn đệ, như thế Giáo Hội mới tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Trong Xã hội, người sử dụng phương pháp Phân cấp- Phân quyền. Việc tổ chức theo phương pháp này có lợi ích trên mọi mặt hoạt động, từ việc điều động nhân sự, chủ động và chịu trách nhiệm trong công tác được giao, phát huy sáng kiến trong sản xuất kinh doanh… b. Mục đích: Mục đích của Phương pháp hàng đội bao gồm: - Huấn luyện tinh thần đồng đội, tinh thần trách nhiệm cá nhân và liên đới tự quản với nhau để hoàn thành công việc chung của Đội - Giúp các em có cơ hội tự đào luyện và giúp nhau thăng tiến, qua đó các em sẽ biết đoàn kết yêu thương, biết quan tâm săn sóc nhau - Giúp việc tổ chức và giáo dục đạt hiệu qủa cao, mọi người tham gia công việc một cách ý thức và tự nguyện. - Giúp từng em được quan tâm và giáo dục, cảm thấy mình được tôn trọng và có ích trong hoạt động chung. c. Tổ chức thực hiện Phương pháp hàng đội trong Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể thực hiện đối với từng ngành Ấu - Thiếu – Nghĩa - Hiệp sĩ có thể theo nội dung như sau: - Tổ chức:  Tìm kiếm, từ trong các lớp Giáo lý chọn lựa những em có phẩm chất tốt, Huấn luyện Đội kiểu mẫu (nội dung huấn luyện thay đổi theo ngành từ đơn giản đến phức tạp). Sinh hoạt như một Đội chính quy với mục đích cho các em biết rõ ràng hoạt động của Đội.  Tổ chức họp định kỳ các Đội trưởng để trao đổi và rút kinh nghiệm trong việc điều động Đội. - Tùy theo ngành các Huynh trưởng sẽ trao nhiệm vụ cho Đội trưởng nhiều hay ít. Trong việc trao nhiệm vụ cho Đội trưởng, Huynh trưởng cần chú ý các điểm sau:  Tin tưởng đội trưởng, giám sát hỗ trợ và hướng dẫn đội trưởng, giúp các em hoàn thành nhiệm vụ  Thường xuyên trao đổi lắng nghe ý kiến của Đội trưởng, nắm bắt những ưu tư của đội trưởng, giúp các em giải toả những vướng mắc trong việc điều hành đội.  Tổ chức các buổi họp chung các đội trưởng cùng ngành để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau.  Tận dụng cơ hội cho các em làm việc tự lập, tạo điều kiện cho các em được trưởng thành, giữ uy tín cho đội trưởng trước mặt các đội viên của em. Áp dụng nguyên tắc phân quyền rõ rệt. 2. Hội Họp: a. Mục đích: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18,19-20). Chính vì thế, hội họp là một sinh hoạt không thể thiếu của Thiếu Nhi Thánh Thể. Thông qua hội họp, các em được: - Gặp nhau thường kỳ. Từ đó nảy sinh tình thân ái, tình đồng đội, biết sống cho và sống với tha nhân - Biết phát biểu ý kiến cá nhân để góp phần vào hoạt động tập thể và giúp tập thể tiến bộ. - Học tập để đào sâu đời sống tâm linh, nhân bản; trau dồi kỹ năng chuyên môn, chuẩn bị cho đời sống trưởng thành mai sau. b. Hình thức: Hội họp được tổ chức dưới hai hình thức: Họp thường kỳ và Họp bất thường - Họp thường kỳ: Được tổ chức hàng tuần, là các giờ giáo lý, có thể vào trước hay sau giờ lễ dành cho các em vào ngày Chúa nhật, hoặc vào buổi tối ngày thường trong tuần nhưng cần chú ý ngày thuận tiện nhất để đông đảo các em có thể tham gia. - Họp bất thường: Được triệu tập theo nhu cầu đột xuất, tuy nhiên cần báo trước cho các em ít nhất một ngày, và họp vào buổi tối nếu đó là ngày thường. 3. Sinh Hoạt Vui: a. Mục đích: Sinh hoạt vui là điều kiện cần trong việc giáo dục thiếu nhi “Học mà vui, vui mà học”. Sinh hoạt vui như “chất dẫn, chất xúc tác” với mục đích: - Giúp các em dễ dàng hấp thụ nội dung học tập. - Giáo dục các em ngay trong sinh hoạt, như lòng ngay thẳng, thành thật, sự hăng hái, tình đồng đội… - Giúp củng cố và ghi sâu các bài học. - Khi vui tươi, thoải mái, các em sẽ bộc lộ bản ngã của mình, qua đó Huynh trưởng có thể nhận biết cá tính của từng em và điều chỉnh cách giáo dục cho phù hợp. b. Các hình thức sinh hoạt vui - Các hình thức sinh hoạt vui TNTT: Bài hát, Mini vũ, Băng reo, Trò chơi… Bài hát, Mini vũ, băng reo, Trò chơi... rất cần thiết vì giúp các em hoạt động vui chơi. Đây là những kỹ năng người Huynh trưởng, Đội trưởng cần có khi tổ chức sinh hoạt cho các em. Tuy nhiên ở đây chỉ nêu những ý niệm tương đối khái quát. Để thực hiện, cần có sự linh hoạt, chế biến riêng, như thế mới tạo được sự sinh động. - Bài hát :  Huynh trưởng phải nắm vững bài hát về nội dung, điệu nhạc, tiết tấu tương đối chính xác, nếu được nên thuộc lòng bài hát dự định tập.  Có nhiều loại bài hát sinh hoạt nhưng nên chọn những bài hát vui tươi, ngắn gọn khoảng 4 câu, lời trong sáng và cần nhất là phù hợp với lứa tuổi: • Ngành Ấu: Đơn giản, vui tươi, câu chữ ngắn gọn, tượng hình để các em dể nhớ. • Ngành Thiếu: Đơn giản, có nhịp mạnh, câu chữ dứt khoát rõ ràng. • Ngành Nghĩa: Mang tính nghệ thuật, có nội dung sâu sắc hơn các ngành nhỏ. - Mini Vũ:  Là những cử điệu dùng để kết hợp với bài hát, do đó động tác cần phù hợp với nội dung bài hát.  Chú ý đừng để động tác giống nhau lập đi lập lại nhiều lần, nên đơn sơ không quá cầu kỳ.  Nên sử dụng phương pháp đối xứng, ví dụ có một câu đi qua bên phải, sau đó nên có câu đi qua trái, hoặc có câu đi vào trong thì nên có câu đi trở ra.  Tương tự như tập bài hát, cũng áp dụng hình thức tập từng câu rồi kết hợp 2 câu. - Băng reo:  Có thể kết hợp với bài hát và mini vũ, tuy nhiên cũng có thể sử dụng đơn lẻ, kết hợp với động tác như vỗ tay, giơ tay lên trời, nhảy lên cao  Băng reo cần ngắn gọn, sát với chủ đề bài hát hay bài giảng.  Tương tự như tập bài hát, cũng áp dụng hình thức tập từng câu rồi kết hợp 2 câu. - Trò chơi:  Giúp giáo dục thể chất, tinh thần, phản xạ nhanh nhẹn, ý thức, luyện tập giác quan, dạy các đức tính nhẫn nại, ngay thẳng, tinh thần tập thể.  Các em đa phần hiếu động, do đó trò chơi phải giúp các em phản ứng với động thái ngược lại như: cẩu thả - cẩn thận; nóng nảy - trầm tĩnh; nhút nhát – gan dạ …  Phải sửa soạn kỹ nội dung, phổ biến rõ ràng, nắm thật vững luật chơi, phải cho chơi nháp và phát hiện tình huống không phù hợp hay có tính nguy hiểm.  Luật phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu từ hình thức chơi đến các trường hợp vi phạm luật chơi. Bài hát hay băng reo thường có nội dung mang tính giáo dục về Tôn giáo hay nhân bản. Trò chơi thì không có, do đó Huynh trưởng biết cách Tôn giáo hóa trò chơi như thế sẽ hấp dẫn và tạo ý thức cho các em. 4. Chương Trình Thăng Tiến : Chương Trình Thăng Tiến là hệ thống giáo dục đoàn sinh, được soạn thảo theo tiến trình từ dễ đến khó; từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với đặc tính tâm lý của từng lứa tuổi. Xuân Lộc sử dụng bộ giáo lý Hồng Ân - Ngành Chiên Con : Khai Tâm - Ngành Ấu: Đến Bàn Tiệc Thánh - Ngành Thiếu: Lớn lên trong Chúa Thánh Thân - Ngành Nghĩa: Sống Đạo - Ngành Hiệp sĩ: Giáo lý Hồng Ân 5. Sa Mạc: a. Định nghĩa: Sa Mạc huấn luyện là một cuộc cắm trại được tổ chức giữa thiên nhiên với mục đích huấn luyện, đào tạo những người tham dự theo một chương trình đã được hoạch định trước (trích: “Vào Sa Mạc – Sổ tay HLHT cấp 1). b. Yêu cầu của Sa Mạc huấn luyện của Thiếu Nhi Thánh Thể: Sa Mạc huấn luyện của Thiếu Nhi Thánh Thể phải nhắm tới và đạt được đủ 4 ý lực sống: Cầu nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Việc Tông Đồ. Mỗi ý lực sống phải giúp các Sa Mạc Sinh hiểu rõ về đỉnh cao của từng ý lực: - Cầu nguyện: đỉnh cao là Chầu Thánh Thể. - Rước lễ: đỉnh cao là đêm “Lửa Thiêng Thánh Thể”. - Hy sinh: đỉnh cao là “Hành trình sa mạc”. - Làm Tông Đồ: đỉnh cao là “Nghi thức sai đi”. c. Khung cảnh sa mạc: - Sa mạc được tổ chức giữa khung cảnh thiên nhiên (núi rừng, thôn quê, …). Khi trở về với thiên nhiên, rời xa môi trường sống hằng ngày, tách mình khỏi những tiện nghi vật chất, Sa mạc sinh sẽ cảm thấy thảnh thơi, gần gũi Thiên Chúa và sẵn sàng gặp gỡ Thiên Chúa để được chiêm ngắm, trò chuyện và lắng nghe Người qua những việc: Viếng Chúa, tham dự Thánh Lễ, thực hiện Hoa Thiêng, … - Sa Mạc huấn luyện là nơi để các Sa mạc sinh gặp gỡ anh chị em, bạn bè cùng lý tưởng để chung sống, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau thăng tiến trong mối dây liên kết tha nhân. - Sau mỗi Sa Mạc huấn luyện, Sa mạc sinh phải tiến thêm về mặt đức tin, kinh nghiệm gặp Chúa, vì chỉ khi người tông đồ có đủ kinh nghiệm gặp gỡ Chúa thì mới có đủ nhiệt tình truyền thông Tin Mừng trong cuộc đời phục vụ của mình. - Sa Mạc huấn luyện không phải là nơi để các Sa mạc sinh họp bạn, giải trí, vui chơi, hay lửa trại thân hữu, mà là nơi để Sa mạc sinh noi gương Chúa Giê-su ăn chay – hãm mình, tiết chế bản thân để kết hơp với Chúa trong mối dây tha nhân. - Sa Mạc huấn luyện cũng không phải là trại huấn nhục – nơi mà mọi người chỉ thấy luật lệ, đe doạ, hình phạt, … mà phải là nơi để các Sa mạc sinh cầu nguyện, hy sinh, học tập và vui chơi (trò chơi để huấn luyện, mang tính giáo dục. Ưu tiên sức khoẻ của Sa mạc sinh) theo sự phối hợp hài hoà giữa tinh thần sa mạc và quy luật tâm lý giáo dục, là nơi sa mạc sinh cảm nghiệm tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. d. Tâm tình Vào Sa Mạc: Các Sa mạc sinh phải mặc lấy tâm tình của dân Do Thái xưa: phó thác, cậy trông, tin tưởng vào sự dẫn dắt, chở che của Thiên Chúa. - Gác lại những lo toan vướng bận công việc đời thường để toàn tâm, toàn ý vào sa mạc gặp gỡ Chúa, gặp gỡ anh em, qua đó chính Chúa sẽ hướng dẫn ta. - Vào sa mạc để ta “nạp lại pin yêu thương”, múc lấy nguồn năng lượng dồi dào nơi Chúa Giê-su Thánh Thể, cùng chung một nhịp đập với anh em. Tất cả các thành viên trong sa mạc, từ Ban điều hành đến các Sa mạc sinh đều cùng tham dự chung với nhau. - Cuộc đời mỗi người là cuộc lữ hành vào sa mạc mênh mông, nhưng trong sa mạc đó, chúng ta luôn tin rằng: Chúa luôn đồng hành với ta. - Cuộc đời mỗi người là cuộc lữ hành vào sa mạc mênh mông, nhưng trong sa mạc đó, chúng ta luôn tin rằng: Chúa luôn đồng hành với ta.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét: