Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

SINH HOẠT VUI – MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ

SINH HOẠT VUI – MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHONG TRÀO THIẾU NHI THÁNH THỂ 1. DẪN NHẬP Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là một Đoàn Thể, một phong trào giáo dục đức tin cho thanh thiếu niên. Bên cạnh những tiết giáo lý, những giờ gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể qua những giờ cầu nguyện, viếng Chúa, chia sẻ Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ để lãnh nhận những ơn thiêng của Thiên Chúa mà phong trào gọi là phương pháp Siêu Nhiên. Để giáo dục và phát triển con người tự nhiên, phong trào dùng những sinh hoạt lành mạnh vui tươi để ôn lại những bài giáo lý, những câu chuyện Kinh Thánh cách sinh động, dễ nhớ, dễ thuộc để đưa vào cuộc sống. Bên cạnh đó, các sinh hoạt này còn tạo nên sự vui tươi, năng động, qua đó các em được hòa mình với mọi người, dễ dàng cảm thông và chia sẻ với bạn bè. Mục tiêu của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là giáo dục thiếu nhi trở nên toàn diện: nên thánh và nên người. Cả 2 phương pháp luôn song hành, hòa quyện, lồng ghép và phối hợp nhịp nhàng với nhau. Trong quá trình huấn luyện đoàn sinh, việc áp dụng phương pháp tự nhiên tương hỗ cho phương pháp siêu nhiên sẽ mang lại nhiều hiệu quả. Khi đó phương pháp tự nhiên trở thành chất xúc tác, chất dẫn cho việc tiếp thu nội dung từ phương pháp siêu nhiên đưa ra. Ngược lại, việc lồng ghép cách khéo léo nội dung giáo dục (PP Siêu Nhiên) vào trong các phương pháp tự nhiên sẽ khiến mỗi hoạt động của phương pháp tự nhiên trở nên hoàn hảo hơn. Chính vì thế, Sinh Hoạt Vui – trong phương pháp giáo dục Tự Nhiên của PT Thiếu Nhi Thánh Thể mà chúng ta đang chia sẻ sẽ là điển hình cho sự hòa quyện, phối hợp và lồng ghép cách khéo léo và nghệ thuật giữa phương pháp Tự Nhiên và Siêu Nhiên. 2. NHỮNG KHÁI NIỆM a. Khái niệm Sinh Hoạt Vui Sinh hoạt vui trong PT Thiếu Nhi Thánh Thể là phương cách giáo dục vui tươi, sinh động qua việc áp dụng các bài hát, băng reo, trò chơi, chuyện kể, câu đố… để như một “chất xúc tác” giúp: - Các em dễ dàng tiếp thu, củng cố và ghi sâu nội dung giáo lý, Kinh Thánh, nhân bản. - Trình bày nội dung các bài học giáo lý cách sinh động, vui tươi, dễ nhớ, dễ thuộc - Qua việc vui chơi, người huynh trưởng sẽ dễ dàng nhận biết các tính của các em, như thế sẽ dễ dàng cho việc giáo dục các em nên hoàn thiện trước mặt Chúa. b. Các loại hình trong sinh hoạt vui: Sinh hoạt vui trong PT Thiếu Nhi Thánh Thể gồm các loại hình sau: - Trò chơi sinh hoạt - Ca vũ - Bài hát + băng reo - Chuyện kể - Câu đố - Kịch nghệ - Ảo thuật 3. MỤC ĐÍCH CỦA SINH HOẠT VUI: Có nhiều quan niệm, suy nghĩ chưa đánh giá đúng tầm quan trọng và ý nghĩa của sinh hoạt vui trong việc giáo dục thiếu nhi và thanh thiếu niên từ đó dẫn đến cấm đoán hoặc lạm dụng sai mục đích. Với thiếu nhi, ngoài sự giải trí, sinh hoạt vui còn là một nhu cầu cần thiết cho sự phát triển Trí, Đức, Thể và Nhân Cách con người. Các hình thức sinh hoạt vui là một lợi khí chính yếu trong những phương pháp giáo dục, giúp trẻ em rèn luyện và phát triển các giác quan chính, làm cho trẻ khéo léo hơn, trí tưởng tượng phong phú hơn. Sinh hoạt vui còn giúp trẻ biết quan sát và phản ứng nhanh, biết tôn trọng kỷ luật, biết tự chủ, từ đó nảy nở tình đồng đội, đoàn kết thương yêu nhau.... - Trong phương pháp giáo dục hiện đại, trò chơi là một môn huấn luyện quan trọng. Nước Bỉ đứng hàng đầu về tiến bộ sư phạm, thấy rõ sự quan trọng và ích lợi của trò chơi trong công tác giáo dục, nên đã đưa bộ môn trò chơi vào trong chương trình giáo dục quốc gia. Nhà tâm lý học Kunkel người Anh nói: “Trò chơi là một phương tiện để tái tạo lại tâm lý ổn định cho một số em khó tính, dở người, vô trật tự... vì trong lúc chơi, trẻ em không thu mình lại, chúng sẽ vui vẻ hẳn lên, thích hoạt động hơn... Khi bị khép vào luật chơi, các em sẽ dần dần có trật tự, kỷ luật và sinh động hơn....” - Thông qua các hình thức sinh hoạt vui, người huynh trưởng sẽ hiểu rõ hơn về tính tình và khả năng của từng em như: mạnh bạo, nhút nhát, ích kỷ, vị tha, nóng nảy, điềm đạm, thông minh, khéo léo, vụng về... Tóm lại: Không giống như tên gọi của nó, sinh hoạt vui trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể vẫn chỉ nhắm vào mục đích quan trọng nhất là GIÁO DỤC. 4. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VUI Có 3 hình thức sinh hoạt vui trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể: a. Sinh hoạt trong giờ giáo lý - Trong mỗi giờ giáo lý, sinh hoạt vui được lòng ghép vào cách khéo léo với thời lượng vừa đủ và vào thời điểm thích hợp. Qua đó, ngoài việc thay đổi bầu khí trong lớp học giáo lý, giảm sự nhàm chán, người huynh trưởng giúp minh họa, hiện thực, làm rõ hơn … những nội dung giáo lý cần truyền đạt. - Ví dụ: o Trò chơi tạo dựng: núi – biển – sông đảo. o Bài hát kèm băng reo: Tha thứ (thương thì tha thứ thứ tha…)…. o Bài hát có cử điệu o Hoặc 1 trò ảo thuật, hay sắm vai… b. Sinh hoạt ngoài giờ giáo lý - Ngoài giờ tại lớp giáo lý, với quy mô lớn hơn, thời gian dài hơn ( 1 giờ đến vài ngày), người huynh trưởng huấn luyện các em thông qua các hình thức khác nhau: trò chơi sinh hoạt vòng tròn, trò chơi Thánh Kinh, game show đố vui giáo lý, kịch nghệ ... - Tùy theo đối tượng, mục đích người huynh trưởng khéo léo lựa chọn và lên kế hoạch tổ chức sinh hoạt vui cho phù hợp để đạt kết quả GIÁO DỤC tốt nhất. 5. BỐN YẾU TỐ QUAN TRỌNG KHI LỰA CHỌN VÀ THỰC HIỆN NỘI DUNG SINH HOẠT VUI Để đạt được mục đích giáo dục toàn diện các em thiếu nhi, người huynh trưởng phải hết sức lưu ý 4 yếu tố sau đây khi lựa chọn và tổ chức các nội dung sinh hoạt vui: - Xây dựng bầu khí - Rèn luyện kỹ năng - Giáo dục chiều sâu - Phù hợp với nội dung bài học và người chơi Nếu thiếu 1 trong 4 yếu tố trên, sinh hoạt vui sẽ không đạt được hiệu quả giáo dục như mong muốn, có khi trở nên phản giáo dục nhất thời hoặc lâu dài. a. Xây dựng bầu khí Các hình thức sinh hoạt phải góp phần xây dựng một bầu không khí vui tươi, sống động, lôi kéo mọi người cùng tham gia, xóa bỏ ngại ngùng, khép kín, thụ động, giải tỏa mọi căng thẳng, đem lại niềm vui và nụ cười và đưa mọi người gần nhau hơn. b. Rèn luyện kỹ năng Qua nhiều lần chơi với các trò chơi khác nhau, các em mặc nhiên được rèn luyện từ từ để hình thành các kỹ năng sống, những phản xạ, có tác dụng hơn hẳn những bài khóa dài dòng tốn công sức và thời gian. Làm sao để cho các bài tập thể dục biến thành trò chơi phản xạ nhanh, tháo vát... (con cò con bò con sò, thụt thò, dài ngắn cao thấp...). Các bài khóa huấn luyện kỹ năng khô khan, biến thành trò chơi ứng dụng thực hành hiệu quả và hấp dẫn (đua xe tam mã, tìm vàng...). Các bài toán rối trí biến thành trò chơi động não, suy luận, phân tích lý thú (em học toán)... c. Giáo dục chiều sâu. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong 3 yếu tố thường hay bị bỏ quên. Chính từ đây đã gây những lo lắng, trăn trở nhất cho những người có trách nhiệm. Bởi lẽ, mục đích chính của phương pháp Sinh hoạt vui chính là GIÁO DỤC. Chính vì thế, trong công tác giáo dục thiếu nhi việc đặt một trò chơi, một bài hát, một trò ảo thuật hay một băng reo vào trong bầu khí và khung cảnh Thánh Kinh là hết sức quan trọng và người huynh trưởng phải ý thức đúng đắn và áp dụng nó thật khéo léo. Qua đó mang lại hiệu quả cao trong việc giáo dục toàn diện các em thiếu nhi. 4. Phù hợp với nội dung bài học và người chơi Khi cho một trò chơi, bài hát có cử điệu, băng reo, câu đố... Huynh trưởng cần chú ý đến nội dung của loại hình sinh hoạt vui ấy cho phù hợp với nội dung bài học và bầu khí của lớp, của đội, của chi đoàn. Tránh tình trạng nội dung giáo lý, Kinh Thánh một đàng sinh hoạt một nẻo không đem lại hiệu quả bao nhiêu. Cũng cần chú ý đến lứa tuổi, trình độ, hoàn cảnh của người chơi để tránh nội dung hay cách chơi khó quá hay dễ quá làm cho sinh hoạt vui mất tác dụng. Tóm lại, cả 4 yếu tố trên đều quan trọng trong việc giáo dục các em thiếu nhi. Thực tế, việc áp dụng khéo léo và đầy đủ cả 4 yếu tố trên vào trong một hình thức sinh hoạt vui là không hề đơn giản. Và việc cân đối sự nhấn mạnh của cả 4 yếu tố trên trong một trò chơi, bài hát, băng reo không phải lúc nào cũng đồng đều. Sẽ có những khi yếu tố bầu khí chiếm ưu thế, hoặc có khi rèn luyện kỹ năng hay giáo dục chiều sâu được đặt trọng hơn. Tuy vậy, không có nghĩa là ta loại bỏ 4 trong 3 yếu tố này ra khỏi nội dung của sinh hoạt vui. Thực hành và quan sát nhiều lần, có những lần thành công vang dội, có những khi thất bại te tua, huynh trưởng sẽ có kinh nghiệm để tận dung lợi ích của sinh hoạt vui để đạt được hiệu quả cao nhất là giáo dục theo đường hướng của phong trào. 6. VỐN LIẾNG – KHO TRÒ CHƠI. Điều mà đa phần các huynh trưởng quan tâm nhất trong phương pháp sinh hoạt vui là “vốn liếng” hay “kho trò chơi”. Chính việc sở hữu lượng bài hát, trò chơi, câu đố, ảo thuật, băng reo… càng phong phú thì việc thành công trong phương pháp này càng cao. Đồng thời, nguồn “vốn” ấy lại phải thích hợp với phương pháp giáo dục toàn diện của phong trào TNTT. Điều đó lại càng khó khăn hơn. Để phần nào đó giúp cho huynh trưởng tự trang bị cho mình những vốn liếng ấy, xin được chia sẻ với quý trưởng 2 nguồn tài nguyên sau đây: a. Nguồn “tài nguyên” thuần nội dung GIÁO DỤC KINH THÁNH. - Đây là những trò chơi, bài hát, băng reo, câu đố… đã thuần túy mang theo nội dung Thánh Kinh thông qua nội dung của chính trò chơi, bài hát đó. - Ví dụ: o Trò chơi: Chúa gọi, hiệp nhất, Chúa chữa, thiêng đàng hỏa ngục… o Bài hát và băng reo: các bài hát mang nội dung giáo lý: Chúa thương em, Thang Giacóp, Manna, Vượt biển đỏ... - Nguồn tài nguyên này sẵn có, dễ tìm kiếm và sử dụng. Hoặc nếu sáng tạo hơn, ta có thể dựa vào nội dung bài giáo lý, Thánh Kinh để sáng tác một trò chơi, một bài hát kèm theo băng reo có sẵn. b. Nguồn “tài nguyên” TRUNG LẬP . - Nguồn tài nguyên này bao gồm những trò chơi, bài hát, ảo thuật… hoàn toàn không mang nội dung giáo lý hay Thánh Kinh (vd: cao hơn tôi, sóng vỗ, mưa rơi,…). Về mặt ý nghĩa truyền tải, những hình thức này chỉ đơn thuần nhằm vào việc tính thật thà, quan tâm, đoàn kết… hoặc “vô thưởng vô phạt”. - Vậy làm sao ta có thể biến nguồn tài nguyên này trở thành công cụ truyền đạt giáo lý và nội dung Thánh Kinh? Ở đây, xin chia sẻ với quý trưởng một phương pháp rất hữu hiệu đó chính là “Rửa Tội” cho chúng. Nói cách khác, ta hãy đặt chúng vào khung cảnh của nội dung giáo lý, Thánh Kinh. Bằng sự khéo léo và sáng tạo, ta hoàn toàn có thể đặt một trò chơi, bài hát, trò ảo thuật… tưởng chừng vô thưởng vô phạt trở nên hữu dụng trong việc dạy giáo lý. - Ví dụ: o Trò chơi:  Đổi tên, lời hô đáp trong trò chơi sinh hoạt vòng tròn: Kết chùm => hiệp nhất / Chúa gọi / …  Đặt khung cảnh Thánh Kinh / giáo lý vào 1 trò chơi thi đua => trò chơi Thánh Kinh.  Trò chơi Đường đua thử thách => Hành Trình Chinh Phục Núi Sinai (Sa mạc, đồi Tabo, Damas….) o Bài hát: sửa lời lại một bài hát hết sức quen thuộc với các em: cả nhà thương nhau, con bướm vàng, hai con thằn lằn… o Ảo thuật: lòng ghép một câu chuyện Thánh Kinh, một sứ điệp giáo lý… vào phần biểu diễn của một trò ảo thuật. o ………….... Đến đây, các huynh trưởng nhận thấy để áp dụng sinh hoạt vui mang tính giáo dục trong phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể không hời hợt, tạm bợ như có người từng nhận định hay quan niệm. Để áp dụng theo đúng tinh thần của phong trào thì đó là cả một nghệ thuật đòi hỏi tâm hồn, trình độ, nhận thức và sự sáng tạo. Mến chúc quý trưởng đạt được những yêu cầu ấy nhằm mưu ích cho chính mình và các thiếu nhi.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét: