LUẬT VÀ LỜI HỨA THIẾU NHI THÁNH THỂ Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể có mục đích giáo dục và huấn luyện các thiếu nhi trở nên những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo. Mục đích này được tiến hành dưới nhiều hoạt động và sinh hoạt phong phú, đa dạng. Mười điều luật và 4 lời hứa (còn gọi là 10 điều tâm niệm và 4 khẩu hiệu) là một trong những định hướng sống và thực hành quan trọng để đạt mục đích trên. Đó là thực hành nếp sống đạo hướng về Thánh Thể và một số giá trị sống cần vun đắp được gợi hứng từ mầu nhiệm Thánh Thể. Mười điều luật và 4 lời hứa thể hiện rõ hai phương diện cần phải trau dồi nơi một Kitô hữu đó là tự nhiên và siêu nhiên. 1. Mười Điều Tâm Niệm Mười điều tâm niệm là những điều được ghi nhớ sâu đậm trong tâm hồn (tâm niệm) để đem ra thực hành trong đời sống. 10 điều tâm niệm đó là: 1. Thiếu nhi Dâng Ngày mỗi sáng, làm cho đời sống hóa nên lời cầu. 2. Thiếu nhi tôn sùng Thánh Thể, siêng năng chịu lễ viếng Chúa hằng ngày 3. Thiếu nhi Hy Sinh chịu khó, Luôn nhìn thánh giá cực khổ vẫn vui. 4. Thiếu nhi nhờ mẹ cố gắng, Quyết làm gương sáng xứng danh Tông Đồ 5. Thiếu nhi Vâng Lời cha mẹ, Và hết những vị chỉ huy của mình. 6. Thiếu nhi Nết Na đằm thắm, giữ mình trong trắng trong cách nói làm. 7. Thiếu nhi tận tình Bác Ái, Tim luôn quảng đại mới mong giúp người. 8. Thiếu nhi giữ lòng Thành Thực, Nói làm đúng mực không dối không ngoa. 9. Thiếu nhi Chu Toàn Bổn Phận, Việc làm đứng đắn không bỏ nửa chừng. 10. Thiếu nhi Thực Hiện Hoa Thiêng, Chân thành với Chúa cộng biên mỗi tuần. 2. Bố cục: Bốn điều đầu giúp sống mối tương quan với Chúa Giêsu, xây dựng đời sống siêu nhiên nhờ Bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm thánh giá trong sự hiệp thông với Mẹ Maria, và từ đó thực hành việc tông đồ. 1. Cầu nguyện khởi đầu bằng dâng ngày (Cầu nguyện). 2. Tôn sùng Thánh Thể bằng việc Dâng lễ, Viếng Chúa (Rước lễ). 3. Hy sinh trong tinh thần vui tươi (Hy sinh). 4. Làm tông đồ bằng gương sáng (Làm Tông Đồ) 5 điều sau hướng đến trau dồi các đức tính nhân bản Kitô giáo: vâng phục, nết na, quảng đại, bác ái, thành thật, chu toàn bổn phận, kiên nhẫn. 5. Vâng lời cha mẹ và những người hướng dẫn 6. Nết na trong lời nói và hành động 7. Bác ái, quảng đại sẵn sàng giúp người khác 8. Thành thực thể hiện qua lời nói và việc làm 9. Chu toàn bổn phận trong kiên nhẫn 9 điều luật trên sẽ được lượng giá xem kết quả đạt được như thế nào bằng việc thực hiện điều luật thứ 10: Thực hiện hồi tâm, xét mình mỗi tối. Một ngày trôi qua, các em cùng với Chúa nhìn lại ngày sống của mình với những điều tâm niệm đã được thực hiện như thế nào, với tâm tình nào. Không có nhìn lại, không có lượng giá thì khó tiến bộ và khó trở thành thói quen tốt, bền vững. Đây là cách thức giúp các đoàn sinh nên thánh. Có nhiều cách tiến tới sự thánh thiện nhưng cách nào cũng phải cần đến ơn Chúa. Không có ơn Chúa chúng ta không thể nên thánh được : “không có thầy, anh em chẳng làm được gì” (Mt 5,11) Hay nói cách khác việc thực hiện 4 điều tâm niệm đầu sẽ là nguồn lực, và nền tảng để thực tập những nhân đức sau. Nhờ gặp gỡ và kết hợp với Chúa Giêsu, các em sẽ mang tâm tình của Chúa Giêsu thực hiện và rèn luyện những nhân đức trên. 3. Bốn Lời Hứa: Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, Làm Tông Đồ Pt-TNTT.VN đã đưa ra Tôn chỉ cho các đoàn-sinh là: Sống Lời Chúa và Kết Hợp với Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể trong sự Cầu nguyện, Rước lễ, Hy sinh, làm việc Tông đồ nhất là làm tông đồ cho giới trẻ bằng mọi cách như Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân đã hướng dẫn: “Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ’ (TĐGD – số 12). Tôn Chỉ này được nhắc nhở các đoàn sinh qua cách chào của Pt-TNTT. Trong đó, Cầu nguyện và Rước lễ là sự kết hợp với Chúa Giêsu, là sức sống của TNTT. 3.1 Cầu nguyện: Cầu nguyện là nghe Chúa nói và thưa chuyện với Ngài, là hơi thở của người Kitô hữu, “là hơi thở của linh hồn, là ốc đảo bình an” (ĐGH-Benedic XVI) Cầu nguyện có nhiều cách: Dâng ngày, cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng, dâng đêm → Nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa mỗi ngày, xin Thiên Chúa ban ơn, thánh hóa, đồng hành với ta trong cả ngày sống. Dâng ngày tới mức nào là đủ? • Đối với các em chưa tự dâng lời nguyện riêng: Dâng ngày là ‘say hello - chào buổi sáng’ với Chúa • Đối với các em biết tự dâng lời nguyện riêng: Dâng ngày là xin Chúa ban ơn cho ngày sống của ta. • Đối với các em thuần thục việc dâng lời nguyện riêng, có khả năng tư duy, sắp xếp việc học: Dâng ngày là xin Chúa đồng hành, để mọi hoạt động ta làm đều đẹp lòng Ngài, vâng theo ý Ngài. Ví dụ: Hôm nay có bài kiểm tra thì: • Chào buổi sáng Chúa ơi, con cám ơn Chúa đã giữ gìn con qua một đêm an lành + Kinh Dâng Ngày. • Xin Chúa cho con được làm bài tốt. Nhưng khi làm bài không tốt thì lại: ‘Con đã xin Chúa rồi mà tại sao lại không cho con làm bài được?’ • Xin Chúa đồng hành với con trong bài kiểm tra. Khi làm bài không tốt thì: ‘Cám ơn Chúa vì đã giúp con nhìn ra được những điều mà con còn thiếu!’ 3.2 Rước lễ : Để tăng sự kết hiệp với Ngài, ta cần phải nuôi nấng, nuôi dưỡng linh hồn của ta mỗi ngày. Như cơ thể chúng ta cần bổ sung năng lượng để phát triển, thì linh hồn ta cũng cần bữa ăn thiêng liêng để lớn lên. Và bữa ăn đó chính là Thánh Thể Rước lễ là đón nhận lương thực thần linh là Bánh Trường Sinh để TNTT được sống và sống dồi dào, được lớn lên trong ân sủng Chúa, và được mạnh mẽ sống hy sinh, hiệp nhất, yêu thương.. • Tin: Sau khi linh mục đọc lời truyền phép thì bánh và rượu trở nên mình và máu Chúa Kitô. • Ao ước: được rước Chúa vào lòng để Chúa ở lại trong lòng con và con cũng được ở lại trong Chúa. • Cám ơn: tin thật Chúa đang ngự trong lòng, cung kính thờ lạy Chúa. con sung sướng vì Chúa đến thăm con dù con không xứng đáng. • Xin: Chúa ở lại với chúng con luôn mãi, xin cho con nên giống Chúa và biết thực hành những điều Chúa dạy trong gia đình, lối xóm và hết thảy những người con gặp. Rước lễ nói một cách khác là: Ở lại với Chúa để trở nên giống Chúa, và sống như Chúa • Viếng Chúa nơi nhà tạm: o Thánh Thể Chúa đang hiện diện thật nơi Nhà Tạm, em hãy siêng năng đến thăm Chúa. o Khi đến thăm Chúa nơi Nhà Tạm em phải kính trọng Mình Thánh Chúa, không lo ra nói chuyện với bạn khác, chiêm ngắm cầu nguyện tâm tình với Chúa vì Chúa cũng là người bạn thân nhất của em, kể cho Chúa nghe bất cứ chuyện gì em muốn ( Ví dụ: “Con chào Chúa Giêsu! Con đến thăm Chúa nè! Chúa có vui không? Con rất vui khi quì trước Mình Thánh Chúa…”) • Rước Lễ thiêng liêng: Lạy chúa Giêsu Thánh Thể, con yêu mến Chúa, xin Chúa ngự vào tâm hồn con và ở lại với con luôn mãi. • Chầu Thánh Thể: Em có thể tham dự Chầu Thánh Thể bằng hai hình thức: o Cầu nguyện chung với cộng đoàn: em sẽ hát, đọc kinh thật sốt sắng và tích cực với cộng đoàn. Cầu nguyện riêng: Khi có khoảng thời gian thinh lặng, em cố gắng thưa chuyện riêng với Chúa. Em hãy kể cho Chúa nghe những chuyện vui, buồn của em và gia đình Hy sinh + làm Tông Đồ là Sống Lời Chúa, là vác thập giá theo Chúa Giêsu. 3.3 Hy sinh: Hy sinh là chết cho con người cũ, là từ bỏ ý riêng để làm việc với ý hướng cao thượng. Hy sinh là trung thành vác thập giá theo Chúa, là nên tấm bánh cho đời, là sống mầu nhiệm tận hiến của Chúa Giêsu nơi bí tích Thánh Thể. Châm ngôn sống Hy Sinh được diễn tả qua khẩu hiệu chung và trên chiếc khăn quàng TNTT. “Khi chúng ta bước đi mà không có thập giá, Khi chúng ta xây dựng mà không có thập giá, và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Kitô không có thập giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa; chúng ta là những người trần tục”. (ĐGH-Francis. 14.03.2013 ) Bên cạnh việc rèn luyện đức tính Hy sinh, biết suy nghĩ vì người khác, chúng ta còn phải biết thể hiện những hành động thiết thực để giúp đỡ người khác 3.4 Làm Tông Đồ: Cùng nhau loan báo Tin Mừng bằng đời sống thánh thiện, ngoan ngoãn, kỷ luật; nên men, nên muối, nên ánh sáng cho trần gian. Làm tông đồ là làm những việc có mục đích tốt lành, thánh thiện giúp người khác nhận biết và tin theo Chúa Giêsu (x. TĐGD số 2) Tất cả mọi Kitô hữu đều có nhiệm vụ mở rộng Nước Chúa và tham gia các hoạt động truyền giáo. Ta có thể làm tông đồ theo hình thức cá nhân hay tập thể. Nhưng để làm được các việc ấy ta phải cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Kitô bên cạnh mình, đi trước mình và đối diện với mình. Chúng ta hãy hăng say làm việc hết mình, nhưng cũng phải biết chia sẻ với mọi người và biết cộng tác với kẻ thua mình 4. Các nhân đức căn bản: Làm tông đồ là giới thiệu Chúa cho người khác. Cách giới thiệu tốt nhất là làm cho người khác nhận ra Chúa hiện diện nơi chính bản than mình. Muốn vậy, TNTT cần có những đức tính tốt. Nó là nền tảng của xây dựng con người. 4.1: Vâng lời cha mẹ và các vị chỉ huy: Đây là điều răn Chúa dạy trong 10 điều răn và cũng là nét đẹp của văn hóa Việt Nam Vâng lời là một nhân đức rất khó. Thánh Bonaventura từng nói: “Người vâng phục được sánh như một vị tử đạo vì họ giống như một kẻ bị chặt đầu trong ý riêng của mình”. Ta có thể kể đến những tấm gương vâng phục tổ phụ Abraham xưa dám sát tế đứa con duy nhất của mình, hay Mẹ Maria gật đầu nói lời xin vâng khi sứ thần truyền tin mừng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần truyền”. Đôi lúc, với sự hiểu biết hạn chế của chúng ta, ta vô tình thể hiện những phản ứng tiêu cực với những lời chỉ dạy từ những người có kinh nghiệm đi trước, chẳng hạn như bố mẹ, thầy cô, các anh chị hướng dẫn. Chúng ta cần phải nhớ rằng, Thiên Chúa đã sai họ đến để thay người hướng dẫn, hoàn thiện chúng ta theo ý của Ngài, như cách mà Ngài đã làm cho Abraham, cho David hay cho Mẹ Maria. Hiểu được sự khó khăn của thực hiện ‘VÂNG LỜI’, với vai trò là Huynh Trưởng, là người chỉ huy của các em Thiếu Nhi, chúng ta cần phải biết lựa chọn từ ngữ, thái độ, hay cách truyền đạt phù hợp với các em. Hạn chế dựa vào quyền lực để bắt ép các em làm việc cho mình 4.2: Nết Na: là cách hành xử đúng mực tạo nên nét đẹp cho một nhân vị và thuần phong mỹ tục cho xã hội và Giáo Hội. 4.3: Bác ái: là mối tương quan mật thiết với Làm Tông Đồ. Hay nói khác đi, việc tông đồ được thể hiện bằng tình bác ái. 4.4: Thành thực: Chúa dạy “Có thì nói có, không thì nói không?” (Mt 5,37). Đây là đức tính quan trọng để trong thời đại hôm nay. Nó đòi hỏi TNTT phải can đảm để làm chứng cho Chúa bằng việc thành thực. 4.5: Chu toàn bổn phận: có mối liên hệ một thiết với hy sinh. Như thế, với luật và lời hứa là một lối sống để nên thánh qua việc thực hành một số việc và nhân đức. Với luật và lời hứa, các thành viên tự nguyện rèn luyện không phải một kiểu rập khuôn nhưng là tự nguyện và sáng tạo. Có một câu danh ngôn nói rằng: Gieo việc làm, gặt thói quen Gieo thói quen, gặt tính cách Gieo tính cách, gặt số phận Như vậy, Thiếu Nhi Thánh Thể với những việc làm hằng ngày để tạo nên thói quen đạo đức tốt lành và dần tạo nên nếp sống Thiếu Nhi Thánh Thể giúp các em sẽ trở nên một con người trưởng thành và Kitô hữu hoàn hảo để loan báo Tin Mừng. Đó là mục đích giáo dục của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét