Được tạo bởi Blogger.

Giới thiệu về tôi

Blogger templates

RSS

Pages

SỐNG NGÀY THÁNH THỂ

SỐNG NGÀY THÁNH THỂ Nt. Maria Bùi Thị Bích Mai. ĐMTH Lệnh truyền Rao giảng Tin Mừng của Giêsu trao lại cho Hội Thánh luôn là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng của mỗi người Kitô hữu, đặc biệt là những người đáp trả ơn gọi phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân trong việc hướng dẫn và giáo dục đức tin cho các em thiếu nhi: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ.” (Mt 28, 19a) Và theo sự phát triển của xã hội, cũng như bối cảnh thời đại mỗi ngày một thay đổi, đòi hỏi các Huynh Trưởng-Giáo Lý Viên cũng phải cập nhật những phương thế mới, hữu hiệu và tích cực hơn, nhằm làm cho việc “loan báo Tin Mừng” qua những lời giảng dạy và chia sẻ trở nên sinh động và có chiều sâu hơn. Tuy nhiên, việc cập nhật này không rời xa nền tảng là Kinh Thánh và đời sống cầu nguyện, mà trái lại, nhờ nền tảng ấy, việc cập nhật này còn đưa học viên vào cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa “là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn”, “là Cha” và “là Đấng đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”. Muốn đạt tới mục tiêu trên phải. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể sẽ thỏa đáng với 2 phương pháp giáo dục: - Phương pháp Giáo Dục Siêu nhiên - Phương pháp Giáo Dục Tự nhiên. Mục đích của việc giáo dục TNTT cốt để giúp các em đạt tới mức trưởng thành về thể chất và tinh thần. Để được như vậy phải có thời gian, việc giáo dục thường tiệm tiến trải qua những giai đoạn khác nhau cả về mặt sinh lý lẫn phương diện lý trí và đời sống tâm linh. Về mặt sinh lý, giúp cho các em vui sống, phát huy các tiềm năng vốn có nơi mỗi em. Về mặt tâm linh, giúp các em đi vào mối tương quan thân tình và sống hòa hợp với Chúa và với anh chị em. Phương pháp siêu nhiên TNTT nhằm giáo dục các em về đời sống tâm linh. Phương pháp siêu nhiên đặt nền trên hai bàn tiệc là Lời Chúa và Thánh Thể. Thánh Kinh và Thánh Thể là hai bàn tiệc nuôi dưỡng đời sống tâm linh cũng như hướng dẫn công tác giáo dục. Cách riêng, Sống Ngày Thánh Thể là con đường nên thánh của Thiếu nhi Thánh thể I. TẠI SAO SỐNG NGÀY THÁNH THỂ 1. Linh đạo của Thiếu Nhi Thánh Thể: Trong bảy Bí Tích Chúa Giêsu đã thiết lập, Bí tích cao quý nhất chính là Thánh Thể. Thánh Thể và Thánh Kinh không tách rời nhau, cả hai hợp lại làm nên một phụng vụ duy nhất trong thánh lễ. Do đó, ta thấy phong trào Thiếu nhi Thánh Thể lấy Thánh Thể, Thánh Kinh và Giáo Huấn Giáo Hội làm nền tảng cho việc giáo dục và hướng dẫn giới trẻ trong các hoạt động. Đây là con đường nên thánh tốt nhất, cao quý nhất. Sống ngày Thánh Thể là phương pháp giáo dục siêu nhiên của phong trào Thiếu nhi Thánh Thể. Một đoàn sinh Thiếu nhi Thánh Thể được luyện tập nên Thánh từng ngày bằng việc Sống Ngày Thánh Thể. Nhiều ngày sống Thánh Thể sẽ kết thành những tháng, năm và một đời sống Thánh Thể. Linh đạo Thánh Thể là con đường đưa ta đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, và nên một với Ngài. 2. Giá trị của Bí tích Thánh Thể “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16). Vì yêu thương chúng ta, Chúa Giêsu đã tự nguyện hy sinh mạng sống mình trên thập giá và ban chính Mình và Máu Thánh Người nuôi dưỡng chúng ta. Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để làm nguồn sống thần linh cho chúng ta và để ở lại với chúng ta như lời Ngài đã hứa: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28,30). Trong Thánh Thể, Chúa Giêsu tiếp tục ở lại với con người chúng ta trọn vẹn. Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh trong đời sống Giáo Hội (x. Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 1) a. Nguồn mạch: Vì Bí tích Thánh Thể là chính Chúa Giêsu nguồn sự sống của Hội Thánh. Thánh Thể khơi nguồn và thúc đẩy Giáo Hội trong các dấn thân phục vụ Tin Mừng và phục vụ con người. b. Tột đỉnh: Vì Bí tích Thánh Thể là hoạt động cao nhất bởi chính là hoạt động của Chúa Giêsu. Đồng thời cũng là hoạt động trung tâm, vì mọi hoạt động của Giáo Hội quy hướng về Thánh Thể. Do đó, người tín hữu khi tham dự Thánh Thể đem tất cả đời sống mình với vui buồn, sướng khổ, và cả những yếu hèn của con người dâng lên Chúa Cha. Như thế mọi hoạt động của Giáo Hội và mỗi tín hữu được bắt nguồn, nuôi dưỡng và thúc đẩy từ Bí tích Thánh Thể. Đồng thời, lễ vật của Giáo Hội và mỗi tín hữu được kết hợp với hy tế Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần thánh hóa, đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Bí tích Thánh Thể là bí tích Chúa Giêsu đã lập, để tiếp tục lễ hy sinh trên Thánh giá và để ban Mình Máu Ngài, làm của ăn nuôi sống chúng ta. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo, chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh là chính Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta không chỉ cung kính tôn thờ, yêu mến và siêng năng tham dự Thánh lễ cách sốt sắng, tích cực và đầy đủ. Nhưng còn phải Sống Ngày Thánh Thể, nghĩa kéo dài Thánh Thể trong đời để nhờ đó đời sống của ta được mạnh mẽ và có Chúa luôn ở cùng. II. THỰC HIỆN NGÀY THÁNH THỂ Tôn chỉ của phong trào Thiếu nhi Thánh Thể là sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể, và Phong trào Thiếu nhi Thánh Thể cũng chỉ có một lý tưởng là Chúa Giêsu Thánh Thể. Như vậy, sống ngày Thánh Thể là sống kết hiệp với Chúa Giêsu. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta ca tụng Thiên Chúa Cha bằng cách sống tốt, thánh hóa và chu toàn các bổn phận thường ngày. Tất cả mọi việc làm trong ngày sẽ thực hiện với tâm tình yêu mến, nguyện cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Cùng với Chúa Giêsu, trong tâm tình của Chúa Giêsu chúng ta sống chan hòa yêu thương với mọi người, đó chính là ý nghĩa của NGÀY THÁNH THỂ gồm: - Dâng ngày, dâng đêm - Cầu nguyện - Thánh lễ, rước lễ - Hy sinh, làm việc tông đồ - Sổ hoa thiêng - Phút hồi tâm - Giờ Thánh Thể Sống Ngày Thánh Thể được thực hiện như sau: 1. Dâng ngày Điều 1:“Thiếu Nhi mỗi sáng dâng ngày Điểm tô đời sống hương bay nguyện cầu” Chúa Giêsu hằng cầu nguyện và dạy chúng ta cầu nguyện luôn. Chúa Giêsu cầu nguyện lúc sáng sớm, khởi đầu ngày sống (x. Mc 1,35), vào cuối ngày sau khi đã làm việc (x. Mt 14,23), cầu nguyện trước khi làm phép lạ (x. Ga 11,41-42). Cầu nguyện trước khi chọn gọi tông đồ (x. Lc 6,12-19), trước khi bị bắt (x. Mc 14,32.36.39), và trên thập giá (x. Lc 34,46). Noi gương Chúa Giêsu, Thiếu nhi Thánh Thể dành ít nhất trong ngày những khoảng thời gian dù ngắn ngủi để dâng lời cầu nguyện. Đặc biệt trong các giờ sáng, tối. Thiếu nhi Thánh Thể có thể cầu nguyện với gia đình hay một mình. Nhưng điều cần thiết là kiên trì trung thành dâng ngày a. Cách thức thực hiên: Ngày Thánh Thể là ngày sống của người Thiếu nhi Thánh Thể trong đó Chúa Giêsu là mặt trời, là trung tâm của đời sống. Ngày Thánh Thể được bắt đầu bằng việc dâng ngày. Phút đầu tiên dành cho người mình yêu. Mặt trời ló dạng, mở ra chân trời mới trong hy vọng qua sự dìu dắt của Chúa. Vừa thức dậy, Thiếu nhi Thánh Thể ngồi lên làm dấu Thánh Giá, đọc kinh dâng mình. a. Giá trị của việc dâng ngày Dâng ngày là lời kinh dâng lên Chúa, tạ ơn Chúa vì đã qua một đêm ngủ an bình. Tạ ơn Chúa vì một ngày mới, còn nhìn thấy mặt trời, còn được chiêm ngắm những kỳ công Chúa tạo dựng. Dâng ngày là dâng việc làm của ta trong ngày cho Chúa quyền năng. Dâng lên Chúa tất cả lời nguyện cầu, công việc, niềm vui và nỗi buồn, qua sự can thiệp của trái tim vẹn sạch của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Dâng ngày là xin làm theo Thánh ý Chúa. Dâng ngày còn là việc làm với cả trái tim với nguyện ước xin Chúa thánh hóa công việc của mình. Như thế, dâng ngày là lời nhắc nhở sống tốt từng phút giây. Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận có nói: “Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ thẳng. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh”. Bên cạnh đó, cầu nguyện có giá trị cao quý vì: - Cao quí vì cầu nguyện là thái độ nhân linh: chỉ con người mới có khả năng suy luận, mới biết đặt câu hỏi “tại sao” trước mọi vấn đề… Triết gia Blaise Pascal (1623-1662) trong tác phẩm Suy tư (La Pensees) đã đề cao giá trị của con người biết suy tư như sau: “Con người chỉ là một cây sậy yếu đuối trong tự nhiên… Chỉ cần một chất hơi, một giọt nước cũng đủ kết liễu cuộc sống của nó. Tuy nhiên con người vẫn cao quý vô cùng, vì con người biết suy nghĩ, đang khi vũ trụ tuy to lớn nhưng lại chẳng biết gì…”. - Cao quí vì cầu nguyện là thái độ hiếu thảo: Chỉ con người mới có lòng hiếu thảo biết ơn Thiên Chúa thể hiện qua lời cầu nguyện, giống như con cái thưa chuyện với cha mẹ của mình. - Cầu nguyện là một hành động khôn ngoan: Khôn ngoan khi biết tự lượng sức mình và biết tiên liệu,: Thực vậy, trong đời sống thường ngày, mỗi khi đứng trước một công việc lớn lao, người khôn ngoan sẽ biết suy nghĩ và sẵn sàng nhờ cậy người khác trợ giúp. Cũng thế, người tín hữu khi đứng trước một công việc trọng đại vượt quá sức tự nhiên, sẽ biết khôn ngoan xin ơn Chúa giúp như Đức Giê-su đã dạy môn đệ cậy nhờ vào sự trợ giúp của Người: “Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5c). - Cầu nguyện là hành vi của người có đức tin. Vì trong lời cầu nguyện bao hàm một niêm hy vọng trời mới đất mới. Cầu nguyện là một sức mạnh cũng có thực như chính sức hút của trái đất. Cầu nguyện là dầu giữ cho ngọn đèn Đức Tin luôn cháy sáng. Hoa trái của cầu nguyện là Đức Tin Hoa trái của Đức Tin là tình yêu Hoa trái của tình yêu là phục vụ Và hoa trái của phục vụ là bình an. 2. Dâng đêm Khi mặt trời lặn, Thiếu nhi Thánh Thể cùng Chúa nhìn lại một ngày qua. Nhìn lại đồi sống mình với bốn lời hứa: Cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm việc tông đồ. Nhìn lại ngày sống để dâng những điều tốt lên Chúa và dâng cả khuyết điểm cho Chúa để xin Chúa thứ tha, giúp ta hoàn thiện hơn qua việc thực hiện hoa thiêng và phút hồi tâm. Điều 10:“Thiếu Nhi thực hiện hoa thiêng Chân thành với Chúa, hồi tâm mỗi ngày” 3. Thánh Lễ và Rước lễ Cao điểm của Ngày Thánh Thể là Thánh Lễ và Rước Lễ. Thánh Lễ và Bí tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống củ Giáo Hội và của từng Thiếu nhi Thánh Thể. Nghĩa là, Thiếu nhi Thánh Thể cần tham dự thánh lễ và rước lễ mỗi ngày a. Cách thức thực hiên: Thánh Bonaventure nói:“Thánh lễ là tất cả tình yêu của Chúa được gói trọn trong đó những ích lợi cho con người.Thánh lễ ban bố cho thế giới những lợi ích không ít qua cuộc tử nạn của Chúa Giêsu.”. Thánh lễ là bàn tiệc phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ thánh thể và là trung tâm cao điểm của phụng vụ, là lời Tạ Ơn. Tham dự thánh lễ và lắng nghe Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa và cử hành Thánh Thể, nghiêm trang, tham dự cách tích cực. Cách tham dự Thánh lễ tốt nhất là rước lễ. Ngoài ra, Thiếu nhi Thánh Thể có thể rước lễ thiêng liêng nhiều lần trong ngày. Rước lễ thiêng liêng có thể bằng lời kinh hay bằng lời cầu nguyện mời Chúa ngự vào tâm hồn b. Giá trị của Thánh lễ và Rước lễ Bí tích Thánh Thể diễn tả tình yêu của Chúa Giêsu. Từ tiệc cưới Cana, Phép lạ Hóa bánh ra nhiều, Bữa Tiệc Ly và cuối cùng Trên đường Emmau các môn đã nhận ra Chúa khi người bẻ bánh. Thánh Marchant có nói: “Nếu chúng ta dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi tất cả những sự đền tội, những lời cầu nguyện, những việc lành của các thánh. Nếu chúng ta dâng những dòng máu thác lũ, những chịu dựng đau đớn của các Tông Đồ và cả triều thần thánh tử đạo cũng không bằng một Thánh lễ”. Như thế. Thánh lễ là vô giá. Tham dự Thánh lễ là đón nhận một quà tặng vô giá. Rước lễ thiêng liêng là mời Chúa vào tâm hồn, cũng là kết hợp với Chúa. Như thế, Thiếu nhi Thánh Thể siêng rước lễ thiêng liêng là làm cho mình nên luôn có Chúa ở cùng. Hơn nữa, việc Rước Lễ Thiêng Liêng làm cho tình yêu của chúng ta với Chúa Kitô được mật thiết hơn; giúp uốn trái tim chúng ta nên giống Chúa hơn. Nghĩa là, ta được biến đổi nhờ Chúa. Thiếu nhi Thánh Thể trước khi làm việc gì, dọn lòng và xin Chúa hiện diện trong lòng ta, để mọi việc ta làm có Chúa cùng đồng hành và được ban sức mạnh đỡ nâng.Hơn nữa, Chúa Giêsu đã hứa ban: “Ai ăn bánh này sẽ đươc sống muôn đời” (Ga 6,52) Đây cũng là một cách để Thiếu nhi Thánh Thể sống tâm niệm thứ hai : “Thiếu Nhi Thánh Thể nhiệm mầu Tôn sùng rước lễ, nhà chầu viếng thăm” 4. Hy sinh Rước lễ là để Chúa Giêsu Thánh Thể với Thiếu nhi Thánh Thể trở nên một. Nên một nghĩa là sống như Chúa: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em…. ”(Ga 13,15) Đó là việc hy sinh với một ý nghĩa mới giúp ta nên thánh mỗi ngày. Điều 3:”Thiếu Nhi thánh giá Chúa nằm Nhìn lên phấn khởi chuyên cần hy sinh” Như thê, việc hy sinh là nên giống Chúa Giêsu. Hay nói cách khác đi là để Chúa Giêsu ta biến trong ta. a. Cách thức thực hiện Đời sống thánh thiện không phải do làm những việc phi thường, nhưng chu toàn những bổn phận tầm thường hàng ngày cách phi thường, với tinh thần đức tin, với tinh thần trách nhiệm và với lương tâm nghề nghiệp. Đó là những hy sinh âm thầm để cuộc sống chúng ta thành tấm bánh bể ra cho mọi người. ” b. Giá trị của việc hy sinh: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12,24) Sự hy sinh luôn có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống. Hơn thế nữa, nó còn có giá trị thiêng liêng sâu xa khi người ta dùng sự hy sinh như một phương thức để tiếp xúc với Siêu Việt. Thánh Phaolô ví sự hy sinh trong đời sống thiêng liêng như thể sự kiêng kỵ của một tay đua để đạt đến đích “Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1Cr 9,25). Như thế, sự hy sinh không phải là một sự phí phạm không mục đích, nhưng là một hành vi được chọn lựa cách ý thức để hướng đến một mục đích xa hơn là nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu. 5. Làm việc tông đồ Việc tham dự Thánh lễ và rước lễ mời gọi ta đi xa hơn là loan báo niềm vui cứu độ. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, số 864 nhấn mạnh “Tất cả các tín hữu đều được tham gia sứ mạng tông đồ của Giáo Hội”. “Tông đồ” trong tiếng La-tinh “apostolus”, hoặc nói chính xác hơn, từ nguyên gốc Hy Lạp “apostolos”. Tự nó, từ này có nghĩa là: người được cử đi, phái đi làm chuyện gì đó. Như vậy, việc tông đồ có nghĩa là công tác của các thánh tông đồ, là việc rao giảng Tin Mừng. Hay nói một cách khác đi bất cứ việc gì trở thành cơ hội làm chứng cho Tin Mừng là làm việc tông đồ. Thiếu nhi Thánh Thể không chỉ gặp Chúa trong Thánh lễ và lời cầu nguyện nhưng còn để Chúa Giêsu Thánh Thể chi phối toàn thể cuộc sống. a. Cách thức thực hiện Điều 4:“Thiếu Nhi nhờ Mẹ đinh ninh Quyết làm gương sáng xứng danh tông đồ” Săc lệnh Tông đồ giáo dân, số 2 mời gọi: “Vì bản chất riêng biệt của người giáo dân là sống giữa đời và làm việc đời nên chính họ được Thiên Chúa mời gọi để một khi tràn đầy tinh thần Kitô giáo, họ làm việc tông đồ giữa đời như men trong bột” Nhưng việc tông đồ là việc gì? Thánh Phaolô cho chúng ta chỉ dẫn rõ ràng: “dù nói gì, dù làm gì, thì anh em hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3,17). Vậy, bất cứ việc nào làm với đức ái cũng có thể trở thành cơ hội để làm chứng cho Tin mừng. b. Giá trị của làm việc tông đồ: Tinh thần tông đồ được hiểu là lòng nhiệt thành giống như các thánh tông đồ, gắn bó với Chúa Giêsu, yêu mến Người và muốn cho Người được mọi người yêu mến. Sách Giáo lý Hội thánh công giáo, ở số 864, sau khi đã nhấn mạnh rằng tất cả các tín hữu đều được mời gọi tham gia vào sứ mạng tông đồ của Giáo hội, đã thêm rằng hậu quả của việc tông đồ, “dù là của giáo sĩ hay là của giáo dân, tùy thuộc vào sự kết hiệp khắng khít với Chúa Kitô. Linh hồn của mọi hoạt động tông đồ là đức ái, được múc kín cách riêng từ bí tích Thánh thể” Như vậy, mọi hoạt động của chúng ta phải đặt nền tảng trên đức ái. Chính đức ái thúc đẩy chúng ta hành động và như thế khi rao giảng Tin mừng, khi làm việc tông đồ chúng ta cũng rao giảng vì yêu mến hay tỏ lộ ra bên ngoài đức ái bên trong của chúng ta. Thực hiện luật bác ái là Thiếu nhi Thánh Thể đang làm cho mình nên giống Chúa Giêsu Thánh Thể hơn, Đấng đã hiến thân vì chúng ta. 6. Sổ Hoa Thiêng Hoa thiêng là công việc đạo đức có giá trị thiêng liêng hợp thành hoa dâng lên Thiên Chúa. Hoa thiêng giúp Thiếu nhi Thánh Thể nhìn lại ngày sống được ghi chép lại trong sổ hoa thiêng để lượng định tình trạng tâm hồn. Mục đích giúp Thiếu nhi Thánh Thể ngày một kết hợp yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Mẹ Maria hơn. Tập cho các em rèn luyện tính trung thực, biết sắp xếp dành thời gian trong ngày, tĩnh lặng cầu nguyện và làm những việc tốt lành. a. Cách thức thực hiện Sổ Hoa Thiêng là một trong những phương pháp giáo dục độc đáo của Phong Trào để giúp Thiếu Nhi sống khẩu hiệu: Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, Làm Việc Tông Đồ Thực hiện hoa thiêng cần lưu ý độ tuổi tâm lý để thực hiên từ dễ đến khó, từ ít đến nhiều. b. Giá trị của sổ hoa thieng Sổ Hoa Thiêng là một phương pháp giáo dục siêu nhiên giúp Thiếu Nhi sống Ngày Thánh Thể, sống kết hiệp với Chúa Giêsu qua tác động Dâng Ngày, Dâng Đêm và các việc lành như Đọc Kinh Thánh, Cầu Nguyện, Lần Hạt, Rước Lễ Thiêng Liêng, v…v… đến giờ phút cao điểm nhất là Thánh Lễ và Rước Lễ. Sổ Hoa Thiêng là một phương thế kiểm điểm đời sống, một lối tu đức khi nhìn lại đời sống của mình. Thực hiện Sổ Hoa Thiêng giúp ta xét mình, ăn năn tội, dâng tất cả mọi việc tốt lành lên Chúa và tất cả những khuyết điểm, thiếu xót để xin Chúa tha thứ và bổ sức. Sổ hoa thiêng là một phương pháp nên thánh của người Thiếu Nhi Thánh Thể. 7. Phút Hồi Tâm Phút hồi tâm là phương pháp cầu nguyện để đào luyện Thiếu nhi Thánh Thể trưởng thành có khả năng suy nghĩ, nhận định, chịu trách nhiệm. Nhờ đó, Thiếu nhi Thánh Thể đi đến hành động đúng. a. Cách thức thực hiện • Bước 1: Nhìn lên Chúa để dâng lời cám ơn Chúa về những ân huệ đã nhận trong suốt ngày qua. Xin ơn nhận biết và sửa đổi • Bước 2: Nhìn lui về những sự kiện xảy ra trong ngày. Tôi đã phản ứng thế nào? Chúa muốn tôi cư xử ra sao? Tôi cảm nhận thế nào về sự hiện diện của Chúa. Xin ơn tha thứ và chữa lành. • Bước 3: Nhìn tới tương lai với niềm hy vọng với quyết tâm sửa mình. b. Giá trị của phút hồi tâm: Phút hồi tâm là con đường trở về trái tim, nội tâm của chính mình. Thiếu nhi Thánh Thể cần trở về trái tim, trung tâm điểm của những vui buồn, cảm xúc, những tình cảm hay cảm nhận trong ngày, để nhận biết sâu xa tinh thần hay khuynh hướng nào đang tác động, thúc đẩy, điều khiển trái tim mình. Trong trái tim của chính mình không những chỉ có các cảm nhận tâm lý mà còn là nơi chứa đựng hồn của mình. Nơi ấy có mầm Tình yêu Chúa để Chúa ảnh hưởng, biến đổi ta thêm. III. THỰC HIỆN GIỜ THÁNH THỂ 1. Mục đích của giờ Chầu Thánh Thể Thiếu Nhi: Đưa các em đến gặp Chúa Giêsu Thánh Thể trong tình cha con, để tâm tình với Chúa, nghe Chúa nói, thưa chuyện với Chúa, tìm kiếm ý Chúa, để từ đó hâm nóng đức tin và tình yêu Chúa. Cũng tập cho các em làm quen với việc rước lễ thiêng liêng. 2. Chủ đề giờ Chầu Thánh Thể, có thể: - Theo chủ đề Năm phụng vụ, theo các mùa Phụng vụ, ( mùa Vọng, Giáng Sinh, Chay, Phục sinh, Thường niên; hay theo bài Tin Mừng trong tuần) - Theo nhu cầu và lời mời gọi của Giáo Hội ( Cầu nguyện cho sự hiệp nhất, hòa bình…) - Theo hoàn cảnh riêng (Giáo xứ, sa mạc huấn luyện; tĩnh tâm, tuyên hứa,…) 3. Thời gian: - Thời điểm tổ chức giờ Chầu Thánh Thể thường là buổi tối, vì bớt những ưu tư, dễ tạo bầu khí thinh lặng, ấm cúng, giúp các em dễ cảm nhận sự thánh thiêng và gần gũi Chúa hơn. - Thời gian thường dao động tùy theo lứa tuổi:  10 đến 15 phút cho Chiên Con và Ấu Nhi  15 đến 30 phút cho Thiếu Nhi  30 đến 45 phút cho Nghĩa và Hiệp sĩ  45 đến 60 phút cho Huynh Trưởng (Giáo Lý Viên) 4. Không Gian: - Nếu vài ba chục em, có thể quây quần quanh bàn thờ - Nếu đông hơn, tập trung nơi những hàng ghế gần bàn thờ. - Sa mạc huấn luyện, thì quây quần quanh Lều Thánh Thể. 5. Khung Cảnh: - Bàn Thờ: đơn sơ nhưng trang nghiêm. Hào quang đựng Mình Thánh phải đặt nổi bật đặc biệt. - Ánh sáng: rực rỡ nơi bàn thờ; êm dịu chỗ các em. - Âm thanh ấm cúng, vừa nghe. Đàn, hát nhẹ nhàng, truyền cảm, khơi dậy tâm tình. Cần có những phút thinh lặng để các em thưa chuyện riêng với Chúa. - Nếu không thể, chúng ta có thể dung những bản nhạc nhẹ không lời thích hợp cho giờ cầu nguyện - Hướng dẫn viên: Nghiêm trang, càng ít di chuyển càng tốt, nên sắp xếp trước, cung kính khi cần đi lại trong giờ Thánh Thể. - Chỗ ngồi của các em: Thông thoáng, thoải mái 5. Thực hiện Giờ Chầu Thánh Thể: a. Chuẩn bị: - Bàn Thờ: Hào quang, Mình Thánh, Áo các phép, khăn phép lành, hương nhang…được chuẩn bị sẵn. Không để thiếu sót, vội vàng, lộn xộn trên Cung Thánh. Việc này nên giao cho các em biết việc hoặc nhờ ban lễ sinh. - Sách hát, tài liệu được phân phối trước giờ khai mạc. Nên chọn những bài quen thuộc để các em có thể hát thuộc lòng. - Người hướng dẫn: Dọn sẵn lời dẫn, gần như thuộc để lời dẫn được truyền cảm. - Các em được chuẩn bị tinh thần trước. Thinh lặng vào nhà thờ, trang nghiêm theo sự hướng dẫn của các trưởng. Nếu trước đó các em đã chơi trò vận động hoặc quá sôi động và mệt, cần có thời gian cho các em thư giãn, nghỉ ngơi trước khi vào nhà thờ. - Ca đoàn: Bài hát nên phân phối trước, có thể ôn lại để mọi người cùng hát. Ca đoàn giúp hát câu riêng hoặc hỗ trợ. Người điều khiển ca đoàn và người điều khiển cộng đoàn cần ăn ý với nhau trước. b. Chương trình tổng quát: - Hướng ý: Nói lên chủ đề, mời gọi mọi người lắng đọng tâ m hồn, ý thức sự hiện diện của Chúa và xin ơn Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết thưa chuyện với Chúa. - Làm dấu Thánh Giá, hát kinh Chúa Thánh Thần, (có thể đọc 3 kinh Tin, Cậy, Mến và kinh ăn năn tội để chuẩn bị tâm hồn các em vào giờ Chầu Chúa) - Đặt Mình Thánh Chúa (Hát Thờ Lạy Mình Thánh) - Nội dung giờ Chầu (sẽ nói ở mục sau) - Thinh lặng - Phép lành Thánh Thể (Hát cầu cho Đức Giáo Hoàng, lời nguyện, hát thờ lạy Thánh Thể, Lời nguyện) - Kết thúc c. Nội dung giờ Chầu: Có nhiều cách thức, sau đây là một số gợi ý: 6. Ích Lợi của việc chầu Thánh Thể Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong dịp kỷ niệm 400 năm việc sung kính 40 giờ có cho ta thấy ích lợi của việc chầu Thánh thể: “Sự gần gũi với Chúa Ki-tô Thánh Thể trong thinh lặng và chiêm ngắm không tách chúng ta xa khỏi những người đương thời, trái lại, nó làm chúng ta mở ra trước những niềm vui và nỗi khổ của nhân loại, mở rộng trái tim chúng ta vươn tới toàn cầu. Bất kỳ ai cầu nguyện với Đấng Cứu độ Thánh Thể sẽ kéo toàn thế giới vào với Người và nâng lên cho Thiên Chúa.” IV. VAI TRÒ CỦA TUYÊN ÚY TRONG VIỆC SỐNG NGÀY THÁNH THỂ, GIỜ THÁNH THỂ - Cha Tuyên Úy là cấp lãnh đạo cao nhất trong Đoàn. Ngài có quyền quản trị, giáo huấn Huynh trưởng và đoàn sinh. Thực tế ngài thường ủy thác việc điều hành Đoàn cho các Huynh trưởng và chỉ can thiệp khi có những vấn đề quan trọng, hoặc khi cần. (điều 24 Nội Quy cũ) - Vậy nên, vai trò của cha Tuyên Úy là vai trò của người lãnh đạo - Quản lý nghĩa là dẫn dắt, hoàn thành công việc, chịu trách nhiệm và tiến hành. Lãnh đạo là tạo ảnh hưởng, là dẫn dắt định hướng về cách thức, tiến trình, hành động và quan điểm. - Vì thế, nếu Cha Tuyên Úy  Có tầm, có tâm sẽ truyền đạt giá trị tinh thần của Thiếu Nhi Thánh Thể cách rõ ràng, mạch lạc và nhiệt huyết hơn.  Vạch ra đường hướng thì đoàn mới đi đúng hướng.  Đi bước đầu sẽ làm cho đoàn mạnh dạn bước theo  Sống ngày Thánh Thể sẽ là gương mẫu sống động cho các đoàn sinh V. GIÁ TRỊ NGÀY THÁNH THỂ 2. Linh đạo Ngày Thánh Thể Ngày Thánh Thể có: - Chiều kích hướng thượng bằng việc: Dâng ngày, Dâng đêm, Rước lễ thiêng liêng, Bó Hoa Thiêng, Phút Hồi Tâm… - Chiều kích hướng đến tha nhân qua việc: Hy sinh và Làm việc tông đồ - Cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ được khép lại thành vòng tròn đồng tâm làm nên tấm bánh Thánh Thể.. - Trung tâm điểm là Đức Giêsu, Người chi phối cuộc đời và dần dần làm cho ta đồng hình đồng dạng với Người. - Sống Ngày Thánh Thể còn là làm cho mầu nhiệm khổ nạn, phục sinh của Đức Kitô lớn lên trong cuộc đời của chính mình. 3. Giá trị của ngày Thánh Thể Sống ngày Thánh Thể là phương pháp giáo dục siêu nhiên của phong trào TNTT. Một TNTT được luyện tập nên Thánh từng ngày một, như lời Chúa đã dạy “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48), bằng cách sống ngày Thánh Thể giúp ch TNTT: - Kết hợp với Đức Kitô, và cùng với tha nhân trở nên một thân thể. - Dần dần đi vào mối tương quan cá biệt với Chúa trong từng giây phút của đời sống; ở mọi nơi; trong mọi hoàn cảnh. Chính trong khi sống ngày Thánh Thể cách tự nguyện ta sẽ càng ngày càng giống Chúa hơn. - Khi đã giống Chúa, chúng ta sẽ ra khỏi nếp sống theo xác thịt, sống theo Thánh Thần và đức bác ái. Hoa trái ở đây chính là sự thánh thiện của một đời sống kết hợp với Đức Kitô. Đây chính là con đường giúp TNTTtiện tiến lên thánh với hình thức dễ thực hiện, phù hợp với từng độ tuổi và xây dựng nền móng đức tin vững mạnh Như vậy, Sống Ngày Thánh Thể là sống ngày đã hiến dâng cho Chúa trong sự cầu nguyện liên tục, hy sinh và làm việc tông đồ, trong tâm tình cảm tạ tri ân, kết thúc bằng việc hồi tâm, kiểm điểm trung thực. Sống Ngày Thánh Thể là một chuỗi liên kết gắn liền với Giêsu như lời bài hát: “CẦU NGUYỆN VỚI GIÊSU” Khi hừng đông đến em cầu nguyện với Giêsu Khi trời trưa nắng em cầu nguyện với Giêsu Khi hoàng hôn đến em quỳ gối dưới chân Ngài. Em trình bày mọi suy nghĩ ngày hôm nay. 1. Kinh Dâng Ngày TNTT Ngày nay con dâng cho Chúa. Xin Chúa thương nhận lòng trí chúng con. Mọi cơn gian nan nguy khổ. Chúng con dâng cầu theo ý Đức Giáo Hoàng sớm hôm. Amen. 2. Kinh dâng đêm TNTT Trời đã xế chiều, Giêsu ơi con nhờ tay Mẹ Maria, mà dâng lên Chúa, dâng chúc lời cám ơn, dâng trót cả xác hồn. Các việc con làm, các lời con xin, cùng với mọi khó nguy con chịu trót một ngày qua. Cùng với bóng chiều tà, Giêsu Maria, con hòa ca, dâng về nơi bao la. Chúa ban phép lành, một đêm ngủ an bình, hồn trong xác tươi xinh. Amen.

  • Digg
  • Del.icio.us
  • StumbleUpon
  • Reddit
  • RSS

0 nhận xét: