VAI TRÒ TRỢ ÚY TRONG PHONG TRÀO TNTT Nt Maria Bùi Thị Bích Mai, ĐMTH I. TRỢ ÚY LÀ AI? “Trợ úy là chủng sinh hay tu sĩ được Bề trên cho phép tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể” (Nội quy Thiếu Nhi Thánh Thể 2019, số 55 viết) - Thánh Bộ Phúc Âm hóa các Dân tộc hướng dẫn về ơn gọi như sau: “Trong Hội Thánh, mỗi người được rửa tội đều được Chúa Thánh Thần mời gọi một cách riêng tư, góp phần làm cho Nước Thiên Chúa mau đến.” (GC 2). - Hiến chế Tín lý Giáo Hội định nghĩa Chủng sinh, Tu sĩ là: “người được gọi để tuyên khấn, chuyên tâm sống bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã gọi mình và mãi mãi tiến bộ để làm cho sự thánh thiện của Giáo Hội thêm phong phú hơn” (LG.47). - Nói một cách khác, “Tu sĩ là người được yêu và thương xót , tu sĩ là người “say mê CHÚA KITÔ” (LG. 44 ) say mê Chúa Kitô nên người tu sĩ sẵn sàng dấn thân theo bước chân THẦY mình trên con đường hẹp, sống nghèo khó, vâng lời, khiết tịnh với một trái tim nồng nàn tình yêu dâng hiến. “bậc sống ấy đặc biệt cho ta thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Chúa Kitô Vua và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội.” (LG. 44) - “Thánh Công Ðồng công nhận và khen ngợi nam nữ tu sĩ dấn thân trong trường học, bệnh viện hoặc trong các xứ truyền giáo, đang trang điểm Hiền Thê Chúa Kitô bằng tấm lòng khiêm hạ và kiên trung trong sự tận hiến và quảng đại phục vụ mọi người dưới muôn vàn hình thức.” (LG.48). Các tu sĩ tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể nơi các giáo xứ được gọi là các Trợ úy II. NHIỆM VỤ CỦA TRỢ ÚY . Nội quy Thiếu Nhi Thánh Thể 2019, số 55 viết: “Trợ úy là chủng sinh hay tu sĩ được Bề trên cho phép tham gia Thiếu Nhi Thánh Thể để: - Cộng tác với linh mục Tuyên úy trong nhiệm vụ của Ngài, nhất là trong việc huấn luyện tinh thần đạo đức cho các đoàn sinh - Đồng hành, khích lệ, tạo cơ hội và uy tín cho các Huynh trưởng làm việc” Nghĩa là Trợ úy có 3 nhiệm vụ - Cộng tác với linh mục Tuyên úy trong nhiệm vụ của Ngài. - Huấn luyện tinh thần đạo đức cho các đoàn sinh - Đồng hành, khích lệ, tạo cơ hội và uy tín cho các Huynh trưởng làm việc 1. Cộng tác với linh mục Tuyên úy trong nhiệm vụ của Ngài. Vâng lệnh Ðức Ki-tô, xuất phát phong trào truyền giáo cho dân ngoại, mọi Kitô hữu có ý thức đều chia sẻ với Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo….Tuy vẫn trung thành gắn bó với đoàn sủng riêng, nhưng bởi vì được tận hiến cho Thiên Chúa nên họ có thể cảm thấy được đặc biệt thúc đẩy cộng tác vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Tông huấn đời sống Thánh hiến (VC).77). Cách riêng, Trợ úy được mời gọi cộng tác với Linh mục Tuyên úy trong nhiệm vụ của Ngài. Nhiệm vụ của cha Tuyên Úy là gì? “Hàng Giáo phẩm trao cho Linh mục Tuyên úy nhiệm vụ hướng dẫn và điều hành Thiếu Nhi Thánh Thể theo đúng Nội quy. Nhiệm vụ này được ủy thác cho các Huynh trưởng tùy khả năng và vai trò của họ theo nguyên tắc tông đồ giáo dân (TĐ, số 20). Để chu toàn nhiệm vụ trên và giúp ích tối đa cho thiếu nhi, các Tuyên úy cần phải tham dự sa mạc Tuyên úy”. (Nội quy Thiếu Nhi Thánh Thể , 53) - Như vậy, Trợ úy cộng tác với linh mục Tuyên úy trong việc hướng dẫn và điều hành đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Gọi là cộng tác, quyền quyết định cuối cùng là của cha tuyên úy - Cộng tác có thể là cha tuyên úy trao trách nhiệm toàn bộ hay một phần việc hướng dẫn và điều hành. Vậy để dễ làm việc, trợ úy cần trao đổi để hiểu rõ đâu là phạm vi được cộng tác, đâu là phạm vi chưa được cộng tác. - Khi được cộng tác, “các tu sĩ phải đem hết tâm lực làm cho Giáo Hội, qua con người của họ, thực sự biểu dương Chúa Kitô ngày một hoàn hảo hơn cho các tín hữu cũng như các lương dân “(LG 46) - Tông huấn đời sống Thánh hiến có nhắc Trợ úy: “ai vâng phục thì được bảo đảm là mình đang thi hành sứ mạng, bước theo Chúa chứ không phải là theo ước muốn hay theo cảm hứng riêng của mình”. (VC.92). Đức vâng phục là giá trị cao quý của người Trọ úy. 2. Huấn luyện tinh thần đạo đức cho các đoàn sinh Trong sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày thế giới về ơn gọi, đã nhắc nhở chúng ta rằng: Chúa tiếp tục kêu gọi đi theo Ngài. Chúng ta không được chờ đợi cho đến lúc hoàn hảo mới quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa “này con đây”, và cũng đừng kinh hãi vì những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng đón nhận tiếng Chúa với tâm hồn rộng mở. Ơn Gọi của Chúa đến với chúng ta là không phải đi tu, nhưng là ơn gọi phục vụ huấn luyện các em thiếu nhi trở thành những người Kitô hữu tốt và người công dân tốt cho đất nước. Sống với bốn điều: Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh, Làm Việc Tông Đồ. Để huấn luyện tinh thần đạo đức cho đoàn sinh, Trợ úy cần nắn rõ: Mục đích của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là gì? Theo Nội Quy Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, điều 2 chương I nêu cho chúng ta thấy việc thành lập Phong Trào TNTT không gì hơn với 2 mục đích: - Đào luyện thanh thiếu nhi về 2 phương diện tự nhiên và siêu nhiên để họ trở thành những con người kiện toàn và những Kitô hữu hoàn hảo. - Về phương diện tự nhiên: các em được giáo dục để trở thành những con người kiện toàn về thể chất, tinh thần và nhân cách với những đức tính căn bản của con người: trong gia đình, nơi trường học, trong khu xóm, ngoài xã hội, có khả năng, có tinh thần tự nguyện và có ý thức góp phần xây dựng xã hội. - Về phương diện siêu nhiên: các em được giáo dục để trở thành những Kitô hữu hoàn hảo với nền tảng đạo đức chắc chắn, hiểu biết giáo lý, lương tâm ngay thẳng, sống đạo trưởng thành, hăng hái dấn thân trong việc tông đồ. Ý thức và nhiệt thành sống ơn gọi căn bản của mình là Nên Thánh và Làm Tông Đồ. - Đoàn ngũ hóa Thiếu nhi để hướng dẫn các em truyền thông Tin Mừng, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng. - Qui tụ và sắp xếp các em theo một kiểu thức giúp cho việc giáo dục được dễ dàng và đạt hiệu quả. Một Kitô hữu hoàn hảo sẽ là người làm tông đồ tốt. Một công dân tốt sẵn sàng tham gia xây dựng xã hội. Người Kitô hữu hoàn hảo siêng năng việc tông đồ, cũng hăng hái, tự nguyện dấn thân trong việc xây dựng và canh tân xã hội trần thế theo tinh thần của Phúc âm như Thánh Công Đồng Vatican II đã dạy là “đem tinh thần Phúc âm thấm nhuần và hoàn thiện hoá những thực tại trần thế” (Sắc lệnh tông đồ giáo dân (AA). 5). Cha Chánh Xứ, với tư cách là một Tuyên úy Xứ đoàn, Trợ úy đóng một vài trò rất quan trọng trong việc giáo dục đức tin cho con em trong Giáo xứ theo phương pháp TNTT Để huấn luyện tinh thần đạo đức thì chính Trợ úy phải trở nên gương mẫu cho các em cả hai mặt tự nhiên và siêu nhiên. Không ai cho người khác cái mình không có. Vậy, Trợ úy cần thiết sống điều đã giảng, thì lời hướng dẫn các em mới hiệu quả . 3. Đồng hành, khích lệ, tạo cơ hội và uy tín cho các Huynh trưởng làm việc "Thế giới sẽ ra sao nếu không có các tu sĩ ?" Ngoài những cách đánh giá nông cạn về chức năng hữu ích cho đời, đời sống thánh hiến còn quan trọng chính bởi vì nó quảng đại cho đi không tính toán và với tình yêu, và điều này lại càng cần thiết ở giữa một thế giới có nguy cơ chết ngộp trong cơn lốc của cải phù du.” (VC. 105) Nói một cách khác đi, Trợ úy không chỉ giúp nhau trong công tác mà còn giúp nhau trong đời sống vật chất và tinh thần như cộng đoàn tín hữu thời sơ khai (Cv 2, 42-47). Đó là biểu hiện của tình hiệp thông huynh đệ thực sự của những người là con cái Thiên Chúa. Vì thế, Trợ úy cần phải sống vui vẻ hoà đồng, yêu thương, tương trợ lẫn nhau trong công việc cũng như trong đời sống. Trợ úy càng yêu thương, hiệp nhất, gia đình giáo lý viên càng vững mạnh. Bên cạnh đó, sự quan tâm, lo lắng thăm hỏi những anh chị em giáo lý viên gặp gian nan thử thách không những nâng đỡ họ rất nhiều trong đời sống đức tin và dấn thân phục vụ, nhưng còn thể hiện được tinh thần bác ái Kitô giáo, tình hiệp thông thắm thiết của những người môn đệ Chúa Kitô: “Cứ dấu này mà người ta biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Tình yêu thương hiệp nhất ấy mời gọi các Trợ úy biết dâng những hy sinh, và dâng lời cầu nguyện cho anh chị em Giáo lý viên và thiếu nhi. Vì được mời gọi phục vụ trong công tác huấn giáo, các thành viên trong gia đình giáo lý viên gắn bó và liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi niềm vui, nỗi buồn của mỗi thành viên là niềm vui, nỗi buồn của cả gia đình giáo lý viên. Do đó, tư cách, đời sống đức tin của mỗi Trợ úy sẽ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến tập thể giáo lý viên, ảnh hưởng đến kết quả loan báo Tin mừng. Chính vì thế Trợ úy không ngừng được mời gọi làm tăng uy tín và danh dự của gia đình giáo lý viên bằng cách sống trưởng thành về nhân bản, về thiêng liêng, tri thức và hoạt động tông đồ. Đó là trách nhiệm, nhưng cũng là con đường thăng tiến của mỗi Trợ úy. III. VAI TRÒ CỦA TRỢ ÚY TRONG ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ - Các Trợ úy làm chứng cho sự thánh thiện và sự khao khát thánh thiện của Hội Thánh. Sự thánh thiện của các tu sĩ là sự nhắc nhở cho cộng đoàn giáo xứ về ơn gọi nên thánh của mỗi người và đích điểm tối hậu của cuộc đời là Thiên Chúa và sự sống vĩnh cửu. Ý thức rằng Giáo hội có nhiệm vụ kêu gọi và giúp mọi người trở thành những vị thánh, các tu sĩ là những người tận hiến hoàn toàn cho Chúa Kitô nhận ra vai trò quan trọng của mình trong nhiệm vụ thánh hóa của Giáo hội. (x. VC 35) - Trợ úy có một vai trò rất quan trọng là cầu nối giữa đoàn Thiếu nhi với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, biến cố cuộc sống như các ngôn sứ xưa. Trợ úy một đằng họ phải sống thân tình với Thiên Chúa, đằng khác họ cũng phải gần gũi với huynh trưởng, thiếu nhi. Để đạt đến mối thân tình này, không có cách nào ngoài việc cầu nguyện và cầu nguyện một cách liên lĩ với Thiên Chúa. Vì con người chỉ đến được với Thiên Chúa ngang qua cầu nguyện mà thôi. “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), vì là con người nên sẽ còn mang nhiều giới hạn, và do đó, trong mọi hoàn cảnh, người tu sĩ cần biết đặt niềm tin, phó thác vào Thiên Chúa để Ngài nâng đỡ, hướng dẫn và thêm sức mạnh. - ĐGH Phanxicô là vị giáo hoàng viết trong tông thư Năm đời thánh hiến: “Ở đâu có tu sĩ, thì có niềm vui.” Sự hiện diện với niềm vui của các Trợ úy trong giáo xứ có vai trò như sự đồng hành đầy an ủi với giáo dân, sẽ có sức truyền cảm và sức mạnh truyền giáo, lan tỏa đến người khác và thu hút họ đến với Chúa Kitô và Tin mừng, đồng thời cũng đưa những bạn trẻ đến với ơn gọi vì giáo dân nhận ra vẻ đẹp của Tin mừng. Họ nhận ra các tu sĩ là những người hạnh phúc và có đời sống rạng ngời niềm vui và vẻ đẹp để sống Phúc Âm, đi theo Đức Kitô. -
0 nhận xét:
Đăng nhận xét