XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC THEO 10 ĐIỀU TÂM NIỆM TNTT Nt Maria Bùi Thị Bích Mai “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Chí Thánh đã kêu gọi anh em” (1Pr 1, 15) I. SỰ CẦN THIẾT Là một Kitô hữu, ai cũng được mời gọi nên thánh: “Anh em hãy nên trọn lành, như Cha anh em trên Trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Hơn thế nữa, mỗi chúng ta là một Huynh Trưởng: “Ơn gọi làm tông đồ phát xuất từ Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức” (TĐGD. Số 3). Nếu các Tu sĩ nam nữ được trao ban sứ mệnh tông đồ nơi ơn gọi tận hiến, thì Huynh trưởng lại được tặng ban sứ mệnh cao cả đó qua ơn gọi giữa đời. Huyng trưởng là ai? - Huynh là Anh. Trưởng là Người Dẫn Đầu. Huynh trưởng là một người anh cả, là người dẫn đầu của một nhóm, một đoàn thể. - Trưởng còn là trưởng thành. Huynh trưởng là một người đã trưởng thành về cả hai mặt: Tự nhiên: Thành một người tốt (tư cách, tác phong, đức tính) Siêu nhiên: Thành Một Kitô hữu tốt (đời sống đạo đức) - Huynh trưởng là người trưởng thành, có tư cách, tác phong, đạo đức và những đức tính tốt để trở thành một người anh hướng dẫn các em Thiếu Nhi. - Sứ Mạng: của người Huynh Trưởng là làm cho đức tin của các em thiếu nhi nẩy nở Vậy nên, Huynh trưởng phải nên khuôn mẫu đạo đức cho các em thiếu nhi noi theo. Huynh trưởng cần phải làm gương, trở thành một “cái khuôn” về đời sống đạo đức cho các Đoàn sinh. Trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã một lần nữa quả quyết: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, và người ta có nghe theo thầy dạy vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi-41). Các Trưởng hãy học và để tâm lời nhắn nhủ này! II. THỂ HIỆN LÒNG ĐẠO ĐỨC. Lòng đạo đức là thực hiện những điều Chúa dạy, gói gọn trong cụm từ “Mến Chúa yêu người”. Mỗi kitô hữu sống tốt sẽ trở thành tấm gương sáng, một công cụ loan báo tin mừng trong sứ vụ truyền giáo đối với những người chung quanh. Chúa dạy: “ Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên Trời” (Mt 5, 16). Đời sống nối kết với Chúa Giêsu sẽ hình thành và là nền tảng đời sống đạo đức của Huynh Trưởng, do đó các Trưởng cần phải xây dựng đời sống đao đức trên kiền 3 chân : VỚI THIÊN CHÚA, VỚI THA NHÂN, và VỚI BẢN THÂN 1. Với Thiên Chúa. Để có đời sống đạo đức tốt, bản thân mỗi người phải liên kết với Thiên Chúa Ba Ngôi qua các bí tích, cầu nguyện trong đời sống hằng ngày. Đó là phó thác mọi sự cho Chúa, chấp nhận mọi thử thách, vui buồn như là hồng ân Chúa ban. Khi làm bất cứ việc gì, mỗi phút giây đều nghĩ đến sự quan phòng của Chúa, sự soi sáng của Chúa Thánh Thần. Mỗi sáng thức dậy, bạn hãy dành ít phút để dâng và phó thác cho Chúa ngày hôm đó. Có Chúa đồng hành, bạn sẽ được gắn bó với Thiên Chúa và “sống đạo” tốt hơn. 2. Với Tha nhân Sống với tha nhân chính là chiều kích tất yếu của đời sống đạo đức. Bởi Giáo Hội Chúa là một thân thể, trong đó Chúa Kitô là đầu, còn tất cả chúng ta đều là chi thể (x. 1 Cr, 12-27). Như vậy, ta và tha nhân là những chi thể khác nhau trong cùng một thân thể, do đó không thể hoàn toàn độc lập với nhau. Nếu tất cả mọi chi thể đều nhất định chỉ làm lợi cho một mình mình thôi, thì lập tức thân thể đó sẽ bị tê liệt ngay, và không có chi thể nào có lợi cả. Tất cả mọi chi thể trong thân thể đều liên quan mật thiết với nhau. Vì thế, bất kỳ một chi thể nào bị đau thì đều ảnh hưởng tới cả thân thể. Không một chi thể nào làm lợi một cho chi thể khác mà chính mình lại không được lợi. Vì “Tương quan mới là điều quan trong nhất, bởi tôi không thể tách mình ra khỏi người khác.”( Levinas). Levinas cho thấy sống tương quan với tha nhân chính là điểm quy chiếu xây dựng nền đạo đức học . 3. Với bản thân “Không ai có thể cho người khác cái mình không có” (Châm ngôn). Huynh Trưởng trong Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể là anh chị, là người hướng dẫn thiếu nhi, đương nhiên phải mẫu mực cho các em noi theo về đời sống đức tin cũng như về đời sống nhân bản. Gương phải sáng; mẫu mực phải hoàn chỉnh. - Huynh trưởng là người góp phần vào việc dẫn các em đến với Chúa, và dắt các em vào đời. Do đó, Huynh Trưởng không đạo đức không yêu Chúa làm sao hướng dẫn các em mến Chúa. Huynh trưởng có kinh nghiệm về Chúa mới có thể dắt các em đúng đường đến với Chúa. III. XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC THEO 10 ĐIỀU TÂM NIỆM TNTT 10 ĐIỀU TÂM NIỆM CỦA THIẾU NHI THÁNH THỂ 1. Thiếu nhi Dâng Ngày mỗi sáng, làm cho đời sống hóa nên lời cầu. 2. Thiếu nhi tôn sùng Thánh Thể, siêng năng chịu lễ viếng Chúa hằng ngày 3. Thiếu nhi Hy Sinh chịu khó, Luôn nhìn thánh giá cực khổ vẫn vui. 4. Thiếu nhi nhờ mẹ cố gắng, Quyết làm gương sáng xứng danh Tông Đồ 5. Thiếu nhi Vâng Lời cha mẹ, Và hết những vị chỉ huy của mình. 6. Thiếu nhi Nết Na đằm thắm, giữ mình trong trắng trong cách nói làm. 7. Thiếu nhi tận tình Bác Ái, Tim luôn quảng đại mới mong giúp người. 8. Thiếu nhi giữ lòng Thành Thực, Nói làm đúng mực không dối không ngoa. 9. Thiếu nhi Chu Toàn Bổn Phận, Việc làm đứng đắn không bỏ nửa chừng. 10. Thiếu nhi Thực Hiện Hoa Thiêng, Chân thành với Chúa cộng biên mỗi tuần. 1. Với Thiên Chúa. Trọng tâm đạo đức của Huynh trưởng là Chúa Kitô. Huynh trưởng tìm gặp Ngài nơi Lời Chúa và Thánh Thể, đồng thời khám phá Người nơi anh chị em. + Chúa Giêsu là bạn của Huynh trưởng: nói như thánh Phaolô “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” Chúa Kitô là tất cả, là thần tượng, là lẽ sống của Huynh trưởng. 1. Thiếu nhi Dâng Ngày mỗi sáng, làm cho đời sống hóa nên lời cầu. 2. Thiếu nhi tôn sùng Thánh Thể, siêng năng chịu lễ viếng Chúa hằng ngày 10. Thiếu nhi Thực Hiện Hoa Thiêng, Chân thành với Chúa cộng biên mỗi tuần + Huynh trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu qua Lời Chúa: Đọc, suy gẫm Lời Chúa, rút ra kết luận thực hành. Lời Chúa dạy, việc Chúa làm là nền tảng và là kim chỉ nam cho đời sống và sứ mệnh tông đồ của Huynh trưởng. Cẩn trọng trong việc soạn bài Giáo lý. + Huynh trưởng gặp gỡ Chúa Giêsu nơi Thánh Thể: Thánh Thể chính là nguồn sinh lực, là động lực cho mọi hoạt động tông đồ. Huynh trưởng sống trọn vẹn Ngày Thánh Thể và cố gắng tham dự Thánh Lễ khi có thể. - Khi vừa thức dậy: Cám ơn Chúa đã cho qua đêm bình an; Dâng các việc sẽ làm trong ngày, xin Chúa luôn soi sáng, hướng dẫn ta trong suy nghĩ, lời nói, việc làm sao cho đúng ý Chúa, hợp đường lối Chúa. - Trong cuộc sống, dù gặp những việc vừa ý hay không, vẫn cám ơn Chúa, xin Chúa soi sáng cho biết Ngài muốn nói gì với ta qua biến cố đó, mau mắn vâng phục và thực thi ý Chúa. Siêng năng viếng Chúa - Đêm về, cùng với Mẹ Maria kiểm điểm ngày sống. Cám ơn Chúa về một ngày qua. Xin lỗi Chúa vì những việc làm, lời nói, ý tưởng bất xứng. Xin ơn trợ giúp để mỗi ngày nên hoàn thiện hơn. Dâng đêm cho Chúa, Xin Chúa Thánh Thần soi sáng chỉ dạy những dự định của ngày mai. Tin Chúa là chủ mọi sự. 2. Với Tha nhân “Tôi chỉ thật sự là người nếu tôi sống với anh em tôi! không phải ai xa lạ mà là người đang đứng bên tôi! Thế giới này không ai là một hòn đảo! vườn hoa này không có loài hoa lạc loài!” “Không ai là một hòn đảo”. Sống là sống với, sống cùng và sống cho người khác. Nói lên tính liên đới trách nhiệm với nhau. 3. Thiếu nhi Hy Sinh chịu khó, Luôn nhìn thánh giá cực khổ vẫn vui. 4. Thiếu nhi nhờ mẹ cố gắng, Quyết làm gương sáng xứng danh Tông Đồ Huynh Trưởng đạo đức là Huynh Trưởng “biết sống với”. Biết sống với mọi người, với mọi hoàn cảnh, với mọi môi trường, với các vấn đề và thách đố của đời sống. Biết sống với là khi làm việc chung, mình không gây hại cho người khác và Nước Trời nhưng luôn biết gây lợi cho người và Nước Chúa. Muốn sống được như vậy, Huynh Trưởng cần có một đời sống đạo đức là nhìn thấy Chúa Kitô nơi người khác để hy sinh chịu khó, nhìn thánh giá cực khổ vẫn vui; và àm người khác nhận ra Chúa Kitô hiện diện nơi mình Huynh trưởng đạo đức là Huynh trưởng biết sống quên mình, coi mình chỉ là dụng cụ bé nhỏ của Thiên Chúa, chú tâm vào Chúa Kitô. Huynh Trưởng đạo đức sẽ sống tốt đẹp mối tương quan với Chúa và với tha nhân. Đời sống toát lên đức tin sống động, đời cầu nguyện liên lỷ, niềm cậy trông vững chắc, lòng mến chân thành, sống lạc quan, xả kỷ bao dung và biết quan tâm đến người khác. 3. Với bản thân “Sứ Mạng: của người Huynh Trưởng là làm cho đức tin của các em thiếu nhi nẩy nởVậy nên, Huynh trưởng phải nên khuôn mẫu đạo đức cho các em thiếu nhi noi theo. Vậy gương phải sáng; mẫu mực phải hoàn chỉnh. Do đó, Huynh trưởng cần rèn luyện bản thân 5. Thiếu nhi Vâng Lời cha mẹ, Và hết những vị chỉ huy của mình. 6. Thiếu nhi Nết Na đằm thắm, giữ mình trong trắng trong cách nói làm. 7. Thiếu nhi tận tình Bác Ái, Tim luôn quảng đại mới mong giúp người. 8. Thiếu nhi giữ lòng Thành Thực, Nói làm đúng mực không dối không ngoa. 9. Thiếu nhi Chu Toàn Bổn Phận, Việc làm đứng đắn không bỏ nửa chừng. - Vâng lời: Chúa Giêsu làm gương cho ta: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy” Vâng phục không phải là “vâng lời tối mặt” nhưng là thái độ mau mắn hành động theo ý bề trên một cách ý thức và tự do. Ý hướng cứu độ và Mục đích Phong trào cũng được coi như những cấp trên mà Huynh trưởng có bổn phận phải vâng phục tuyệt đối, đừng chiều theo thị hiếu, vui lòng cá nhân mà bỏ qua lẽ sống của Phong trào. Huynh trưởng vâng phục trong tinh thần đối thoại là gương mẫu cho các em vâng phục mình Huynh trưởng vui vẻ thi hành nhiệm vụ đã được trao phó. Nếu thắc mắc thì yêu cầu giải thích hoặc đối thoại với cấp trên cách tích cực và khiêm tốn. Khi cần thiết cứ thi hành trước khiếu nại sau. - Nết Na: Nết na là đức hạnh trong sáng. Giữ nết na là giữ phong cách đẹp của người huynh trưởng bằng lịch sự trong suy nghĩ, lời nói, và hành động. Nết na là điều tốt làm dễ mến. Sự dễ mến cuốn hút các trẻ đến với Huynh trưởng. - Bác ái: “Tình yêu có sức hoán cải hơn lòng nhiệt thành và tài hùng biện” (P. Faber) Bác ái là sự quan tâm đến đời sống tình cảm, vật chất, sức khỏe của trẻ. Chính tình yêu tạo sự tín nhiệm, yêu mến và sự kính trọng của trẻ. Tình yêu giúp ta hy sinh, dấn thân phục vụ, đón nhận những thiếu sót của trẻ với lòng bao dung, bình tĩnh và có những săn sóc phù hợp. - Thành thực : Huynh trưởng sống thành thật vì ba lý: • Thứ nhất là vì chúng ta là con cái Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Đấng chân thật và chính là Sự thật, nên chúng ta phải nên giống Ngài sống thành thật. • Thứ hai là vì sống thành thật sẽ làm tăng giá trị con người của chúng ta, người sống thành thật sẽ được tín nhiệm hơn những người ăn gian nói dối. • Thứ ba là vì sự thành thật rất cần cho đời sống chung, tạo sự tin tưởng lẫn nhau, xây dựng tình huynh đệ và sự hiệp nhất. Huynh trưởng sống thành thật là có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, đừng nói một đàng mà làm một nẻo.Nói điều mình xác tín, sống điều mình dạy. - Chu toàn bổn phận: Chu toàn bổn phận đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Huynh trưởng không thể sống tắc trách. Ý thức trách nhiệm sẽ giúp Huynh trưởng giữ gìn cẩn trọng lời nói, thái độ, hành động để không ảnh hưởng xấu, làm hại, hoặc xúc phạm người khác. Người có tinh thần trách nhiệm để hết tâm lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; và sẵn sàng gánh chịu hậu quả xấu nếu có, không né tránh, không đổ lỗi cho người khác. Tinh thần trách nhiệm là biểu hiệu con người có giáo dục, văn minh. Đời sống đạo đức của mỗi người là cuộc thao dượt cả đời, không biết đến đâu là đủ. Do đó không chờ đến lúc “đủ đạo đức” mới làm Huynh Trưởng. Càng đạo đức, làm huynh trưởng càng hiệu quả; càng tích cực làm huynh trưởng, càng thuận lợi trong việc rèn luyện đạo đức. IV. NHẬN ĐỊNH. Người Huynh trưởng mang trên vai chiếc khăn quàng trên vai, chúng ta có trách nhiệm làm người khác nhận ra Chúa Kitô hiện diện nơi chúng ta, nhưng dù sao đi nữa thì ‘Áo mặc không làm nên thấy tu’, nên các em thiếu nhi và cả phụ huynh các em nữa vẫn cần và rất cần đến một lời chứng khác hùng hồn hơn nơi chính cuộc sống từng ngày của chúng ta thể hiện qua đạo sống đạo đức với các chiều kích : CHIỀU CAO = Hướng thượng= để kết hợp với Chúa. CHIỀU NGANG = Hướng tha= để tôn trọng, cởi mở, dấn thân, hy sinh . CHIỀU SÂU = Hướng thân = để luyện tập và thăng hoá.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét